Bảo vệ và phát triển rừng lim xanh tái sinh tự nhiên

Thanh Hóa là tỉnh có điều kiện khí hậu, lập địa tương đối phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cây lim xanh và đây được xác định là cây lâm nghiệp đặc trưng bản địa của tỉnh.

Diện tích cây lim xanh ở thôn Thái Học, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đang được bảo vệ và phát triển tốt.

Diện tích cây lim xanh ở thôn Thái Học, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy) đang được bảo vệ và phát triển tốt.

Theo thống kê, tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh có gần 20.000 ha cây lim xanh, phân bố chủ yếu ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Thạch Thành, Hà Trung... Đây là loài cây được xác định nguy cấp, quý, hiếm, hạn chế khai thác, sử dụng.

Lim xanh là cây gỗ lớn rất bền, thường dùng trong xây dựng, đồ mộc cao cấp. Không chỉ có vậy, nấm lim xanh còn có giá trị rất cao trong y tế, chăm sóc sức khỏe con người. Trước năm 1945, người Pháp đã trồng hàng chục nghìn ha cây lim xanh tại phố Vạc (Cẩm Thủy), Mục Sơn (Thọ Xuân) và một số huyện miền núi của tỉnh. Do khai thác quá mức và kéo dài không kiểm soát nên diện tích cây lim xanh ngày càng cạn kiệt. Hiện nay, cây lim xanh chỉ còn tương đương 10% diện tích trước đây.

Trước thực trạng trên, những năm qua thực hiện các chương trình, dự án lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng lim.

Mục tiêu đặt ra là rừng lim xanh Thanh Hóa sẽ sớm được khôi phục, xây dựng thương hiệu một loài gỗ tứ thiết của Việt Nam: “Đinh, lim, sến, táu”. Bảo tồn, phát triển bền vững nguồn gen cây lim xanh, phát huy những giá trị về văn hóa, khoa học, môi trường, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi tỉnh ta.

Tại Vườn quốc gia (VQG) Bến En (Như Thanh), hiện nay lim xanh mọc rải rác trên hầu hết các diện tích có rừng tự nhiên, với diện tích hơn 10.500 ha. Từ năm 2011 đến nay, thông qua các chương trình, dự án VQG Bến En đã triển khai nhiều dự án lâm sinh, trồng rừng bằng cây lim xanh. Để có giống phục vụ việc trồng và cung cấp cây giống cho các đơn vị trong vùng, cán bộ của đơn vị đã lựa chọn những cây lim xanh tự nhiên có sức phát triển tốt, tuổi đời khoảng 12 năm trở lên làm cây bố mẹ để lấy hạt về ươm cây con. Mỗi năm đơn vị thu hoạch được khoảng 3 tạ hạt giống phục vụ cho việc ươm cây giống.

Cán bộ kỹ thuật VQG Bến En kiểm tra sự phát triển của cây lim xanh.

Cán bộ kỹ thuật VQG Bến En kiểm tra sự phát triển của cây lim xanh.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay VQG Bến En đã trồng được 338,25 ha lim xanh. Trong đó, dự án hợp tác với Tập đoàn Canon Việt Nam trồng bổ sung được 160 ha, dự án trồng rừng sau tỉa thưa keo trồng 54,88 ha; Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia trồng làm giàu rừng được 106,87 ha; diện tích còn lại trồng theo dự án trồng rừng thay thế và dự án Bảo tồn và phát triển loài lim xanh VQG Bến En. Với nguồn giống đảm bảo chất lượng và được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, diện tích cây lim xanh trồng mới đang sinh trưởng và phát triển tốt, tương đương với cây tái sinh tự nhiên. Bên cạnh đó, VQG Bến En đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt diện tích hơn 10.500 ha rừng có phân bố cây lim xanh tái sinh tự nhiên. Trong giai đoạn 2023-2030, VQG Bến En tiếp tục đặt mục tiêu trồng mới 238 ha cây lim xanh.

Theo báo cáo của Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2018 đến tháng 6/2024, các địa phương trong tỉnh đã trồng lim xanh tập trung và hỗn giao với các loài cây như luồng, keo tai tượng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, trồng phân tán, trồng bổ sung được gần 8.000 ha, nâng tổng số rừng lim xanh của Thanh Hóa hiện nay lên gần 28.000 ha. Trong đó, 6 tháng năm 2024, các địa phương, đơn vị, chủ rừng, người dân trên địa bàn tỉnh đã trồng được 50 ha rừng lim xanh hỗn giao với các loại cây lâm nghiệp khác.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai một số giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân và cộng đồng về giá trị kinh tế, văn hóa, khoa học, môi trường của cây lim xanh gắn với đời sống cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị tuyển chọn những cây lim xanh sinh trưởng, phát triển tốt, đủ tiêu chuẩn công nhận cây trội lấy giống, chủ động nguồn giống phục vụ gieo ươm; huy động và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả khôi phục và phát triển rừng lim xanh; chủ động bảo vệ an toàn rừng lim xanh hiện có...

Khắc Công

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-ve-va-phat-trien-rung-lim-xanh-tai-sinh-tu-nhien-31916.htm