'Báo VietNamNet cần làm tốt công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo'

Thứ trưởng Y Thông yêu cầu Báo VietNamNet phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo.

Sáng nay, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tập huấn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo do Báo VietNamNet tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thạch Thảo

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Thông phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thạch Thảo

Thứ trưởng Y Thông nhắc lại, ngày 3/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 114/2025/NĐ-CP về sửa đổi Khoản 12 Điều 3 Nghị định 41/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Theo đó, Báo VietNamNet là cơ quan ngôn luận của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, trên cơ sở sáp nhập Báo VietNamNet thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Báo Dân tộc & Phát triển thuộc Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

“Quyết định sáp nhập Báo VietNamNet và Báo Dân tộc và phát triển vào đúng dịp chúng ta kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ đối với công tác thông tin tuyên truyền và hoạt động báo chí của Bộ Dân tộc và Tôn giáo”, Thứ trưởng nhận định.

Gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo VietNamNet tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Thạch Thảo

Gần 200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo VietNamNet tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Thạch Thảo

Nhằm tiếp tục ổn định phát triển Báo VietNamNet trong thời gian tới, Thứ trưởng nêu rõ một số nhiệm vụ cần thống nhất triển khai.

Cụ thể, tập thể lãnh đạo Báo VietNamNet nhanh chóng chỉ đạo sắp xếp ổn định tổ chức, biên chế bên trong, có cơ cấu hợp lý, đồng thời tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, chuyên môn nghiệp vụ nhằm trang bị đầy đủ kỹ năng cho các cán bộ, phóng viên, biên tập viên khi thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Báo VietNamNet cần đổi mới phương thức và cơ chế hoạt động thích ứng với giai đoạn cách mạng mới của đất nước; đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ để đổi mới cách thức sản xuất nội dung và tương tác với độc giả.

“Báo VietNamNet cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay”, Thứ trưởng lưu ý.

Tổng Biên tập Báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá cho biết, đây là lần đầu tiên Báo VietNamNet tổ chức hội nghị tập huấn về công tác chuyên môn nghiệp vụ liên quan tới công tác dân tộc, tôn giáo. Đảng ủy, lãnh đạo Báo xác định tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong thời gian tới. Báo VietNamNet có nhiều thế mạnh để triển khai tốt nhiệm vụ này.

Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cho hàng trăm cán bộ, phóng viên, biên tập viên về các chủ trương Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới công tác dân tộc và công tác tôn giáo; Giao lưu trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, nhằm tạo sự thống nhất ý chí và hành động, đổi mới tư duy, xây dựng Báo VietNamNet ngày càng lớn mạnh và phát triển.

Ông Lò Quang Tú, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Phạm Hải

Ông Lò Quang Tú, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Phạm Hải

Trong khuôn khổ hội nghị, ông Lò Quang Tú, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền công tác dân tộc, tôn giáo, và TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng Phòng Tổng hợp, Ban Tôn giáo Chính phủ, đã cập nhật “bức tranh” toàn cảnh về lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề cần lưu ý khi tuyên truyền về công tác dân tộc, tôn giáo.

TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng Phòng Tổng hợp, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh: Thạch Thảo

TS. Trần Thị Minh Thu, Trưởng Phòng Tổng hợp, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh: Thạch Thảo

Những thông tin hữu ích này sẽ giúp cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo VietNamNet thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được giao.

Vụ trưởng Lò Quang Tú cho biết, khái niệm dân tộc thiểu số hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 05/2011 và Nghị định số 127 bổ sung Nghị định số 05. Dân tộc thiểu số là những dân tộc có số dân ít hơn dân tộc đa số (dân tộc Kinh). Hiện cả nước có 54 dân tộc, trong đó 53 dân tộc thiểu số.

Theo số liệu điều tra mới nhất năm 2024, đồng bào dân tộc thiểu số có 14,8 triệu người, chiếm 14,6% tổng dân số cả nước; cơ bản sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn.

Liên quan công tác truyền thông công tác dân tộc, Vụ trưởng yêu cầu Báo VietNamNet cần tiếp tục tuyên truyền để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

“Dân tộc, tôn giáo là mảnh đất tốt, có những lợi thế mà không ngành nào có được. 14,6 triệu đồng bào dân tộc cộng với 28 triệu đồng bào tôn giáo đang chiếm trên 30% dân số cả nước. Nếu báo chí khai thác tốt sẽ rất hiệu quả”, ông Tú nhìn nhận.

Trong bối cảnh 95,7% đồng bào dân tộc thiểu số có smartphone, có thể dễ dàng tiếp cận thông tin, Vụ trưởng Lò Quang Tú đề nghị Báo VietNamNet tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, đảm bảo phù hợp với đặc thù dân tộc đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; Tích cực phối hợp, kết nối với đồng bào để tăng cường hiệu quả truyền thông, tiếp tục đấu tranh hiệu quả với sự chống phá của các thế lực thù địch.

Còn theo TS. Trần Thị Minh Thu, cả nước hiện có khoảng 28 triệu tín đồ, 61.000 chức sắc, 144.390 chức việc, 29.900 cơ sở thờ tự, 66 cơ sở đào tạo. Từ 15 tổ chức thuộc 6 tôn giáo, sau 22 năm, tới nay đã phát triển lên 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.

Bà Thu lưu ý các phóng viên, biên tập viên một số vấn đề khi tuyên truyền về tín ngưỡng, tôn giáo như: Phải nắm rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung, về tín ngưỡng tôn giáo nói riêng; hiểu rõ đặc điểm của tôn giáo, tổ chức tôn giáo; lan tỏa những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, và những đóng góp của tín ngưỡng, tôn giáo trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài ra cũng cần chú ý một số nghiệp vụ khi thông tin về những vụ việc phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo gây mất đoàn kết trong dân tộc, tôn giáo, mất an ninh trật tự.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-can-lam-tot-cong-tac-tuyen-truyen-ve-dan-toc-ton-giao-2418965.html