Giám đốc Trung tâm khí tượng dự báo vùng tâm bão số 3, thời điểm đổ bộ đất liền
Khoảng trưa đến chiều mai (22/7), vùng tâm bão đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến phía bắc Thanh Hóa. Khu vực ven biển Hải Phòng, Hưng Yên (Thái Bình cũ) gió mạnh nhất với cấp 9-10, giật cấp 13-14. Mưa lớn dữ dội từ đêm nay.
Chiều tối 21/7, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thông tin về bão số 3 Wipha và những diễn biến đáng lưu ý tiếp theo.
Vì sao bão giảm 3 cấp khi vào vịnh Bắc Bộ?
Sáng nay (21/7), bão số 3 Wipha vượt qua khu vực phía Bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 9. Theo ông Khiêm, đây có thể gọi là “chút may mắn” khi bão đã giảm liền 3 cấp, từ cấp 12 xuống.
Nguyên nhân là do khi di chuyển cập bờ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), bão lệch lên phía Bắc, khiến ma sát địa hình giảm nguồn năng lượng của bão. Cấp bão này cũng giảm 1 cấp so với dự báo của các đài khí tượng trước đó, là vào vịnh Bắc Bộ cấp 10.
Đến trưa và chiều nay, bão có xu hướng đi lệch hơn về phía Nam, các cấu trúc bão tổ chức tốt hơn, nên bão lại tăng lên cấp 10 và có xu hướng mạnh thêm.

Ông Mai Văn Khiêm thông tin về diễn biến bão số 3 Wipha
“Qua các phân tích dấu hiệu vệ tinh, chúng tôi nhận định đến hiện tại, bão đã mạnh thêm so với khi vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo, cường độ tiếp tục tăng có thể đạt cuối cấp 10, đầu cấp 11 trước khi áp sát vùng biển ven bờ khu vực nam Hải Phòng - bắc Thanh Hóa vào trưa và chiều mai”, ông Khiêm nhấn mạnh.
Thời điểm nguy hiểm nhất về gió, mưa khi bão vào đất liền
Ông Khiêm cho biết, bão số 3 có hoàn lưu rất rộng. Từ chiều tối qua, khi bão chưa vào vịnh Bắc Bộ, gần như toàn bộ khu vực vịnh đã có mưa, diễn ra cả đêm, thậm chí cả ở ven biển đất liền. Hà Nội cũng đã có vệt mây ngoài dìa bão, dù mưa còn gián đoạn. Mưa bắt đầu mạnh dần từ chiều nay.
Bão số 3 Wipha đổ bộ đất liền, Hà Nội ảnh hưởng như thế nào?Bão số 3 Wipha đổ bộ nam Hải Phòng - bắc Thanh Hóa; cấp độ gió ở Hà Nội có thể đạt mức 5-6, giật cấp 8. Hà Nội nhiều nhà cao tầng, cần chú ý gió rất mạnh trong giông xảy ra cục bộ.
Theo ông Khiêm, mối nguy hiểm này diễn tiến theo thời gian. Từ trưa đến chiều nay, khu vực Quảng Ninh, vùng Đông Bắc đã có mưa tương đối lớn với một số nơi lên đến 175-200mm. Đảo Bạch Long Vỹ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 và khả năng mạnh hơn trong đêm nay và sáng mai.
Từ chiều nay đến sáng sớm mai, khu vực chịu ảnh hưởng nguy hiểm đầu tiên là Quảng Ninh và vùng Đông Bắc, ven bờ có thể gió mạnh cấp 7-8.
Từ đêm nay đến 9h sáng mai, mưa tập trung nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Gió mạnh nhất là khi tâm bão đi vào khu vực nam Hải Phòng và bắc Thanh Hóa, ước lượng khoảng 10-15h ngày mai với cấp 8-9, một số khu vực vùng tâm cấp 10, giật đến cấp 13-14.
Đối với khu vực Quảng Ninh và vùng Đông Bắc, mưa có thể kéo dài đến chiều tối mai, sau đó vẫn còn mưa nhưng giảm dần. Riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An mưa tăng cường từ đêm nay và kéo dài đến sáng 23/7. Sau khi hoàn lưu bão dịch chuyển sang khu vực Thượng Lào, mưa sẽ giảm về cường độ ở những khu vực này.
Vùng nguy cơ ảnh hưởng nặng nhất
Theo Giám đốc Trung tâm khí tượng, khu vực ảnh hưởng nhất trong bão số 3 Wipha là các đặc khu như Bạch Long Vỹ, Cô Tô và Cát Hải, từ sóng cao đến triều cường.
Thứ hai là khu vực Hải Phòng, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An do tâm bão trực tiếp là giữa nam Hải Phòng và bắc Thanh Hóa.
Cụ thể, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Khu vực sâu trong đất liền các tỉnh/thành Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. Gió cấp 10-11 có thể làm đổ cây cối, cột điện, tốc mái nhà, gây thiệt hại rất nặng.
Ông Mai Văn Khiêm thông tin, trong gần 2 giờ qua (tính đến 18h30 ngày 21/7), theo dõi bão số 3 gần như ít di chuyển. Đây là những vấn đề cần đặc biệt quan tâm theo dõi chặt chẽ để xác định và cảnh báo sớm những thay đổi nếu có của cơn bão số 3 (Wipha).
Điểm tên khu vực nguy cơ lũ quét và sạt lở đất
Ông Khiêm nhấn mạnh vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nhất là Quảng Ninh do đã mưa rất nhiều và còn tiếp tục trong đêm nay và ngày mai. Thứ hai là khu vực vùng núi phía Tây Thanh Hóa 20 xã và Nghệ An 50 xã,… ngoài ra ở Sơn La có Mường Lèo, Mộc Châu, khu vực phía Nam Phú Thọ (Hòa Bình cũ).
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh, mưa lớn diễn tiến từ chiều tối nay đến 23/7, sau đó dù giảm nhưng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn rất lớn. Điểm thứ hai là sau khi bão đi vào Thượng Lào gây mưa, dễ gây ra lũ quét ở một số địa phương ở Thanh Hóa”, ông Khiêm lưu ý.
Đến 19h tối nay (21/7), vị trí tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 90km, Hải Phòng 210km; Hưng Yên 230km, Ninh Bình 260km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 13; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/h.
Do ảnh hưởng của bão số 3, tại đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đặc khu Cô Tô và Cát Bà có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; tại Móng Cái gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo, 7h ngày 22/7, vị trí tâm bão trên vùng biển Quảng Ninh đến Ninh Bình; mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. 19h cùng ngày, bão trên đất liền Hải Phòng - Thanh Hóa; mạnh cấp 9, giật cấp 11.
19h ngày 23/7, trên Thượng Lào; suy yếu thành vùng áp thấp.