Bão số 3 (Wipha): Hàng không họp khẩn, tạm 'đóng cửa' hai sân bay

Tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các sân bay nằm trong vùng ảnh hưởng của bão trong ngày 21-7 và 22-7.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Wipha), chiều ngày 21-7, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tiếp và trực tuyến kết nối từ trụ sở chính đến các đầu cầu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn chủ trì cuộc họp. Cùng dự có Cục trưởng Uông Việt Dũng, các đơn vị trong ngành hàng không: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines, các cảng hàng không quốc tế và nội địa nằm trong vùng ảnh hưởng dự kiến như Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Vinh, Thọ Xuân... cùng các Cảng vụ hàng không khu vực.

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị liên quan, lãnh đạo Cục Hàng không đã thống nhất quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão trong ngày 21-7 và 22-7 (giờ địa phương).

Cụ thể, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn và Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi sẽ ngừng khai thác từ 23 giờ ngày 21-7 đến 12 giờ ngày 22-7.

Cục yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không Thọ Xuân tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin khí tượng và chủ động đề xuất điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp.

Đồng thời, Cục cũng đề nghị các hãng hàng không chủ động thông báo đến hành khách về việc điều chỉnh kế hoạch bay để người dân có phương án đi lại an toàn và hợp lý.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tập trung 100% nguồn lực con người và thiết bị bảo đảm công tác dự báo khí tượng hàng không tại các sân bay để kịp thời đưa ra các thông tin dự báo khí tượng về ảnh hưởng của bão.

Các Cảng hàng không, Công ty Quản lý bay khu vực tập trung mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng chống ảnh hưởng của bão đến hạ tầng kỹ thuật của cảng và máy bay trên sân đỗ, đặc biệt lưu ý đến tình trạng của hệ thống thoát nước tại sân bay để bảo đảm tránh tình trạng ngập nước do mưa to trong và sau bão.

Sau khi bão tan, các đơn vị cũng cần tập trung nguồn lực thực hiện ngay các nhiệm vụ để đưa hoạt động khai thác trở lại bình thường. Tuy nhiên, Cục lưu ý các đơn vị do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kèm mưa lớn kéo dài có thể gây ngập lụt tại các sân bay không bị ảnh hưởng trực tiếp của bão.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tam-dong-cua-hai-san-bay-do-bao-so-3-wipha-196250721195047063.htm