BÁO XUÂN 2025: Tết ấm từ mùa cà phê bội thu

Khi vụ thu hoạch cà phê kết thúc cũng là lúc Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 gõ cửa từng nhà. Năm nay, người trồng cà phê ở Nam Tây Nguyên được hưởng trọn niềm vui khi giá cà phê đạt mức cao kỷ lục, giúp bà con có một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

CÀ PHÊ ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp tháng 12 Dương lịch hàng năm là người dân tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng lại tất bật cho vụ thu hoạch cà phê kéo dài khoảng 1 tháng. Tại tỉnh Lâm Đồng, mùa thu hoạch cà phê năm nay trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn khi giá cà phê đang tăng cao chưa từng có từ trước đến nay. Ngay từ đầu mùa, giá cà phê luôn dao động ở mức từ 115 đến 130 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Không chỉ giá đạt đỉnh, mà năng suất cà phê năm nay cũng cao hơn những năm trước. Cà phê vừa được mùa, được giá không chỉ giúp người dân có được nguồn thu nhập ổn định, mà còn tạo điều kiện để tái đầu tư vào sản xuất và duy trì diện tích canh tác cà phê.

Theo thống kê, hiện nay, 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm là những địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, huyện Di Linh có diện tích khoảng 45.000 ha và Bảo Lâm có diện tích khoảng 37.000 ha. Diện tích cà phê của 2 địa phương này đều được tái canh chuyển đổi bằng các giống cà phê chất lượng cao và ước tính năng suất trung bình đạt khoảng 3,3 - 3,4 tấn cà phê nhân/ha.

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Ngay từ đầu vụ thu hoạch cà phê năm 2024, không khí vụ mùa diễn ra hết sức nhộn nhịp, khẩn trương từ việc thu hái, vận chuyển, phơi sấy đến thu mua.

Ở xứ sở cà phê xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), chúng tôi đã tìm đến nông trại của “ông vua” cà phê Nguyễn Bình Đông (70 tuổi). Hiện nay, ông Đông đang sở hữu nông trại sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao với 111 ha tại Thôn 7 (xã Lộc Ngãi). Thời điểm chúng tôi có mặt, hơn 50 lao động từ nhiều địa phương đang tất bật thu hoạch cà phê cho gia đình ông Đông.

Ông Đông, chia sẻ: “Năm nay trời nắng hạn, nhưng hơn 110 ha cà phê được gia đình tôi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên không ảnh hưởng đến năng suất. Theo ước tính, năm nay, nông trại cà phê sẽ mang lại cho gia đình tôi khoảng 400 đến 420 tấn cà phê nhân. Năm nay cà phê được giá cao, với sản lượng ước tính này sẽ mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập hơn 40 tỷ đồng”.

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Để nâng cao chất lượng, giá trị cà phê, ông Đông đã đầu tư xây dựng khu nhà xưởng với máy móc công nghệ sơ chế, chế biến hiện đại. Từ đó, giúp gia đình sản xuất ra sản phẩm cà phê nhân chất lượng cao phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thành, ngụ tại Thôn 2, xã Tân Lâm (huyện Di Linh) có 7 ha cà phê kinh doanh đến kỳ thu hoạch, ước tính mang lại cho gia đình ông khoảng 28 tấn cà phê nhân. Cũng như hầu hết người trồng cà phê tại địa phương, vụ mùa năm nay, ông Thành đã thuê 10 nhân công từ tỉnh Ninh Thuận đến thu hái và kiêm luôn việc trông coi, canh giữ vườn.

“Ngay từ đầu mùa, giá cà phê đã tăng rất cao và có thời điểm đạt mức 130 ngàn đồng/kg cà phê nhân. Người dân chúng tôi rất vui mừng và hy vọng giá cà phê sẽ được duy trì ổn định đến cuối vụ. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân sau một năm vất vả bám vườn rẫy chăm sóc” - ông Thành mong muốn.

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

Người trồng cà phê phấn khởi với những vụ mùa bội thu

NGƯỜI TRỒNG CÀ PHÊ CÓ TẾT ẤM

Hai huyện Bảo Lâm, Di Linh là những địa phương có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu rất phù hợp với cây cà phê. Vì thế, bao đời nay, cây cà phê được xem là cây trồng chủ lực của người dân các địa phương.

Ông K’Tường, ngụ tại thôn B’Đơ (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) phấn khởi khi năm nay giá cà phê tăng cao. Gia đình ông K’Tường có 1,5 ha cà phê cho thu ổn định hơn 5 năm nay. Từ năm 2022 trở về trước, giá cà phê ở mức thấp, nên nguồn thu nhập từ cà phê cũng chỉ dừng lại ở việc lấy công làm lãi. Năm 2024, gia đình ông Tường ước tính sẽ thu được khoảng 5 tấn cà phê nhân. Đây là nguồn thu nhập lớn để gia đình ông tái đầu tư cho vườn cà phê và trang trải mua sắm cho một cái Tết đầy đủ, ấm no.

Hay như gia đình ông Âu Văn Kim, ngụ tại xã Tân Châu (huyện Di Linh) rất vui mừng, phấn khởi vì đây là năm thứ hai liên tiếp người trồng cà phê như ông được hưởng trọn niềm vui khi cà phê được giá cao.

Ông Kim cho biết, năm nay, gia đình ông có hơn 8 ha cà phê cho thu hoạch và ước tính thu được khoảng 100 tấn cà phê tươi. Với giá cà phê tươi các đại lý thu mua dao động từ 24 đến 26 ngàn đồng/kg sẽ mang lại cho gia đình ông nguồn thu hơn 2,5 tỷ đồng.

Còn bà Ka Nhụy, ngụ xã Lộc Thành, chia sẻ: Người nông dân trồng cà phê vất vả quanh năm và trông chờ vào vụ mùa thu hoạch. Khi cà phê vừa được mùa, được giá cao giúp người nông dân có được nguồn thu ổn định. Ngoài việc thanh toán các chi phí đầu tư, người trồng cà phê có thêm điều kiện để sắm Tết. Với 2 ha cà phê đang thu hoạch, Tết năm nay, gia đình dự tính sẽ trích khoảng 100 triệu đồng sắm thêm xe máy, tivi mới và mua sắm quần áo mới cho các con ăn Tết.

Vụ mùa cà phê năm nay, không chỉ mang lại niềm vui cho người dân trồng cà phê mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cao cho hàng ngàn lao động từ nhiều địa phương trong cả nước đến Lâm Đồng thu hái cà phê. Cà phê được giá cao, nên công lao động thu hái cà phê năm nay cũng tăng. Đối với công hái ngày dao động từ 550 đến 600 ngàn đồng/ngày. Trong khi đó, hái khoán ở mức 1,8 đến 2 ngàn đồng/kg cà phê tươi.

Chị Ka Duyên, ngụ tại xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), cho biết: Gia đình chỉ có 5 sào cà phê nên ngay từ đầu tháng 12 vợ chồng tôi đã thu hái xong. Hiện tại, vợ chồng tôi tranh thủ đi hái thuê cho người dân tại địa phương. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng tôi có được nguồn thu nhập hơn 1,5 triệu đồng. Nếu cố gắng làm việc, hết mùa cà phê, vợ chồng tôi cũng có được nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng để sắm Tết.

Cũng như hàng ngàn lao động từ các địa phương, đầu tháng 12 Dương lịch, 4 người trong gia đình ông Lê Ngọc Hiếu, ngụ tại huyện Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) khăn gói lên huyện Bảo Lâm thu hái cà phê. Với công việc hái cà phê khoán kg, mỗi ngày 4 người trong gia đình ông Hiếu có được nguồn thu nhập hơn 2,5 triệu đồng.

“Năm này cà phê được giá cao, nên chủ vườn thuê công hái cao hơn mọi năm. Gia đình sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và sắm Tết. Tôi đang dự tính hết mùa cà phê, sau khi về lại Phú Yên sẽ mua cho người con trai đầu chiếc xe máy để cháu có phương tiện đi lại đỡ vất vả hơn” - ông Hiếu cho hay.

Nói về vụ mùa cà phê năm 2024, ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Theo đánh giá, vụ mùa năm nay, huyện Di Linh có hơn 30% diện tích cà phê cho năng suất tăng hơn năm 2023. Ước tính, tổng sản lượng cà phê của toàn huyện năm nay đạt khoảng 155.000 tấn cà phê nhân. Nhìn chung, năng suất, sản lượng cà phê của địa phương đảm bảo theo kế hoạch sản xuất từ đầu năm. Cà phê được mùa, được giá nên bà con rất vui tươi, phấn khởi đón cái Tết Cổ truyền đủ đầy, hạnh phúc.

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/bao-xuan-2025-tet-am-tu-mua-ca-phe-boi-thu-245458a/