BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024: Định vị chuyển đổi xanh từ giá trị chuyển đổi số

Là 1/20 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số đồng bộ, khoa học và toàn diện, với mục tiêu, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thật sự có hiệu quả gắn với chuyển đổi xanh, tạo ra những giá trị mới trong quá trình hội nhập và phát triển.

Trung tâm Điều hành thông minh IOC tỉnh Lâm Đồng

Trung tâm Điều hành thông minh IOC tỉnh Lâm Đồng

BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN SỐ

Trung tâm Điều hành thông minh IOC tỉnh Lâm Đồng đã chính thức khai trương, đưa vào vận hành, đánh dấu bước đột phá trong xây dựng chính quyền số. Trung tâm IOC đã được kết nối số liệu trực tiếp từ Trung tâm Thông tin đến Chủ tịch UBND tỉnh, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với 5 chỉ số. Tại đây, Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng tập trung thu thập, xử lý các thông tin kinh tế - xã hội và nhiều lĩnh vực theo tần suất ngày, tuần, tháng, quý hay năm, tùy theo quy định chỉ tiêu, phục vụ kịp thời sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Hệ thống từ trung tâm hiển thị số liệu cho 283 tiêu chí, có chế độ cảnh báo những chỉ tiêu chưa đạt, chỉ đạo các đơn vị giải trình trên hệ thống, chế độ báo cáo nhanh, hiển thị biểu đồ trực quan, có tính năng tích hợp các camera thông minh từ các địa phương trên địa bàn tỉnh. Cùng với các cơ sở dữ liệu có sẵn, các cơ sở dữ liệu sẽ được đầu tư thêm, được tích hợp để tạo cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển của địa phương trên các lĩnh vực, giúp công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh được nhanh chóng. Hệ thống phần mềm được triển khai 2 phiên bản cho máy tính và cho điện thoại di động và sẽ được cài đặt vào điện thoại thông minh của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương để kịp thời nắm thông tin và chỉ đạo điều hành. Theo đó, qua ứng dụng các công nghệ mới, lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định dựa trên dữ liệu số được kết nối, chia sẻ, trao đổi theo thời gian thực.

Chuyển đổi số tại Lâm Đồng mang dấu ấn của phương thức mới, có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà ở đó chuyển đổi số là nền tảng chuyển đổi xanh, định vị nền kinh tế xanh, giá trị tuần hoàn trong tương lai.

Ngoài Trung tâm IOC tỉnh, đến nay, 100% các huyện, thành phố, cùng nhiều sở, ngành đã đưa vào vận hành Trung tâm IOC. Địa phương đang nỗ lực tăng tốc để tất cả sở, ngành tiến hành xây dựng, đưa vào hoạt động Trung tâm IOC.

Các Trung tâm IOC tại các huyện, thành phố toàn tỉnh đã tích hợp các lĩnh vực kinh tế - xã hội, hành chính công, giáo dục, y tế, du lịch, phản ảnh hiện trường, hệ thống thông tin quy hoạch, thu ngân sách, hệ thống văn bản điện tử. Đặc biệt, với chức năng phân tích điều hành thông minh, kết hợp với bộ chỉ số điều hành của huyện, đã phản ánh thực tế bức tranh kinh tế - xã hội tại địa phương. Dữ liệu từ Trung tâm IOC cũng đã tạo thuận lợi cho việc triển khai mô hình chuyển đổi số trong Đề án 06 tại Lâm Đồng. Trung tâm IOC giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoàn thiện trụ cột chính quyền số trong công tác chuyển đổi số, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng. Trong tương lai, Trung tâm IOC sẽ được tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện nhằm đáp ứng các yếu tố trong quá trình tiến tới xây dựng các đô thị thông minh mà ở đó IOC chính là trung tâm ra quyết định, cảnh báo, quản trị và chỉ huy.

Trung tâm IOC tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm IOC của các huyện, thành phố, sở, ngành trong tỉnh chính thức vận hành; cùng những kết quả đạt được bước đầu trong chuyển đổi số đã cho thấy sự quan tâm của địa phương trong đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo ra những giá trị mới trong quá trình hội nhập và phát triển.

Chuyển đổi số tại Lâm Đồng lấy người dân làm trung tâm

Chuyển đổi số tại Lâm Đồng lấy người dân làm trung tâm

MANG LẠI GIÁ TRỊ VỮNG CHẮC

Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng xếp thứ 8/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ về hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết (toàn trình và một phần) đạt 70,21%, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G, triển khai thí điểm 6 điểm phát sóng 5G. Cùng với đó, toàn tỉnh đã thành lập được 142 tổ công nghệ số cộng đồng đơn vị cấp xã, trên 1.360 tổ công nghệ số cộng đồng thôn, tổ dân phố với tổng số gần 10.000 thành viên, nhằm kịp thời hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, tiếp cận, sử dụng và hướng dẫn nộp và tra cứu hồ sơ nộp trực tuyến, ứng dụng định danh điện tử - VNeID. Song song đó, thanh toán không dùng tiền mặt; đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Nhờ thực hiện công tác chuyển đổi số một cách phù hợp, khoa học, 100% cơ quan các đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng internet tốc độ cao.

Đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò trong công cuộc chuyển đổi số

Đoàn viên, thanh niên phát huy vai trò trong công cuộc chuyển đổi số

Không chỉ người dân, cộng đồng doanh nghiệp Lâm Đồng cũng đã được hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ, từ việc số hóa các quy trình quản trị kinh doanh đến ứng dụng công nghệ, sản xuất, đổi mới sáng tạo, giao dịch thương mại. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 13 ngàn doanh nghiệp, trong đó, hơn 8 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động và kê khai thuế, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%, 500 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Phần lớn các doanh nghiệp đều sử dụng nền tảng số trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của mạng xã hội để phục vụ các hoạt động nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh...

Những con số ấn tượng trên đã minh chứng cho công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lâm Đồng đã đi vào thực chất, bám rễ trong cuộc sống của mỗi người dân, từng bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong triển khai chuyển đổi số là lấy người dân làm trung tâm. Đó chính là xã hội số, từ đó thúc đẩy hai trụ cột còn lại là chính quyền số và kinh tế số phát triển bền vững. Hiện các huyện, thành phố của tỉnh đều đã vận hành Trung tâm IOC, đưa công cuộc chuyển đổi số của tỉnh sang một giai đoạn mới, đi vào thực chất khi mà các điều kiện vật chất đã được thiết lập thành một hệ sinh thái số khắp toàn tỉnh. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn. Chuyển đổi số cần được nhìn nhận dưới góc độ đổi mới sáng tạo, ví dụ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới. Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

DIỄM THƯƠNG

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202402/bao-xuan-giap-thin-2024-dinh-vi-chuyen-doi-xanh-tu-gia-tri-chuyen-doi-so-0050ed6/