Bảo Yên: Bàn giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất chè, dâu tằm
Chiều 30/10, Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp hàng hóa huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất ngành hàng chủ lực chè, dâu tằm.
Dự hội nghị có lãnh đạo các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Phòng NN & PTNT huyện Mường Khương; UBND các xã, thị trấn và đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ dân sản xuất chè, dâu tằm trên địa bàn huyện.
Chè, dâu tằm được Bảo Yên xác định là các cây trồng chủ lực, nằm trong định hướng phát triển theo kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025, có vai trò quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định và cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn. Đến nay, huyện đã hình thành được vùng sản xuất chè tập trung, phù hợp với quy hoạch, có nhà máy chế biến đảm bảo chất lượng là đơn vị đầu tiên sản xuất chè ô long của tỉnh với sản lượng lớn. Năm 2020, vùng sản xuất dâu tằm trên địa bàn huyện đã đạt 240 ha/600 hộ tham gia, tập trung tại các xã Minh Tân, Việt Tiến, Nghĩa Đô, Cam Cọn, Kim Sơn… đem lại thu nhập khoảng 200 triệu/ha/năm cho người dân.
Toàn huyện hiện có tổng diện tích chè là 565,5 ha (trong đó, diện tích chè chất lượng cao đạt 420 ha; chè Trung du 145,5 ha; diện tích trồng mới, khôi phục năm 2023 đạt 6,5 ha). Hiện tại, chè đang giai đoạn thu hoạch, năng suất trung bình ước đạt 6 tấn/ha; sản lượng chè búp tươi năm 2023 ước đạt 3.300 tấn búp tươi...
Về cây dâu tằm, toàn huyện hiện có 16,3 ha (giảm 223,7 ha so với năm 2020); năng suất đạt trung bình từ 35 - 40 tấn lá/ha.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát triển chuỗi giá trị chè, dâu chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của huyện.
Tại hội nghị, đại biểu, các hộ dân trực tiếp trồng chè, trồng dâu nuôi tằm đã thảo luận nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời đề xuất, kiến nghị để ngành hàng chè, trồng dâu nuôi tằm duy trì và phát triển liên kết sản xuất bền vững.
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Bảo Yên khẳng định, thời gian tới, huyện tiếp tục đồng hành với Công ty TNHH Chè Đại Hưng tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, ổn định; tập trung chỉ đạo khôi phục diện tích chè cũ do mất khoảng, trồng xen cây quế; đảm bảo duy trì và phát triển diện tích chè trên địa bàn theo kế hoạch; thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng chè làm trung gian kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Với cây dâu, sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu; mở các lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm; triển khai thực hiện các dự án liên sản xuất trồng dâu nuôi tằm từ nguồn hỗ trợ các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dâu tằm...