Bấp bênh đời sống công nhân

Mặc dù làm ngày làm đêm, nhưng với đồng lương ít ỏi, đời sống của công nhân vẫn khó khăn, thiếu thốn. Hầu hết họ không có tích lũy, vì vậy, khi có 'biến cố' xảy ra, họ phải vay mượn thêm để tồn tại qua ngày. Do đó, hầu hết đều mong muốn được tăng ca để có thêm thu nhập.

Chị Hoàng Thị Thư nấu bữa tối sau giờ tăng ca. Ảnh: N. Phượng.

Chị Hoàng Thị Thư nấu bữa tối sau giờ tăng ca. Ảnh: N. Phượng.

Sau 2 giờ tăng ca, chị Hoàng Thị Thư nhanh chóng rời nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đóng trên địa bàn TP Thái Nguyên để trở về phòng trọ chật hẹp. Căn phòng rộng khoảng 10m2 lợp mái tôn, cũ kĩ, chia tách thành phòng ngủ, phòng tắm, khu nấu ăn, được chị thuê với giá 700.000 đồng/tháng. Trở về phòng trọ lúc trời đã tối mịt, chị Thư lao vào căn bếp chật hẹp để vo gạo nấu cơm, luộc bó rau lang. Với nửa con cá khô còn sót lại, chị Thư nén nước mắt ăn bữa tối sau ngày dài làm việc dài.

Với nữ công nhân này, đây được coi là căn phòng “xịn” nhất mà chị từng ở trong 9 năm tha hương. Nhiều năm trước, chị cùng vài người bạn thuê chung một phòng có diện tích tương đương, nhưng nhà vệ sinh chung, cách xa nơi ở nên rất bất tiện. Đổi lại, chị chỉ phải trả 200.000 đồng/tháng cho tiền điện, nước, tiền ở. Sở dĩ phải tính toán từng đồng chi phí sinh hoạt bởi chị Thư đang là trụ cột kinh tế trong gia đình. Ở quê nhà (xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên), chị còn bố mẹ già, chồng bị bệnh tim, con cái đang tuổi ăn học cũng trông chờ vào đồng lương hằng tháng chị gửi về. Ngay cả bữa tối sau ngày dài làm việc vất vả trong nhà máy cũng được nữ công nhân chắt chiu. Ở một mình, chị Thư ăn tối rất đơn giản là rau và thịt hoặc cá. “Tối nay, ở nhà vẫn còn nửa con cá khô nên tôi qua chợ mua thêm bó rau lang về luộc. Vậy là xong bữa tối” - chị Thư chia sẻ.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, các ngành công nghiệp phát triển đã kéo theo sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động trên địa bàn. Nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động đã mạnh dạn rời khỏi địa phương đi làm công nhân tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh.

Vì vậy, vợ chồng chị Đào Thị Thía - xóm Quế Linh (xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) cũng rời khỏi quê nhà để xin làm công nhân tại Công ty TNHH Glonics Việt Nam tại TP Thái Nguyên. Chị Thía cho biết, hiện nay, thu nhập trung bình mỗi tháng của chị từ 6-8 triệu đồng. Nguồn thu nhập không nhiều nên hàng tháng chị phải chắt chiu, dành dụm từng đồng để lo cho gia đình nhỏ ở quê nhà nên kinh tế thiếu trước hụt sau.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thái Nguyên Phạm Việt Dũng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 230.000 công nhân, viên chức, lao động. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do biến động giá cả nguyên vật liệu; tình hình thiên tai mưa lũ gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động. Trước khó khăn của người lao động, LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Từ đó, góp phần cải thiện phần nào đời sống vật chất, tinh thần và động viên người lao động yên tâm làm việc.

“Thời gian tới, nhằm nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác công nhân, chủ động nắm bắt, tiếp nhận các phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn... nhằm giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất, khẳng định vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội” - ông Phạm Việt Dũng nói.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động hiện nay rất khó khăn. Phần lớn người lao động hiện nay đang làm việc cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: Dệt may, giày da, điện tử… . Những ngành nghề này có đặc thù là việc làm bấp bênh, nguy cơ mất việc làm cao. Thu nhập thấp, họ phải làm thêm nhiều, thời gian làm việc kéo dài. Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng thì công nhân lao động chỉ đủ trang trải cho bản thân. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá thực phẩm, điện nước… thời gian qua đều tăng cao. Chính vì thế cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn ban ngày ở nhà máy, tối về ở phòng trọ. Đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình công nhân lao động chọn gửi con về quê ở với ông bà. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) vào năm 2023, có 30,2% trẻ là con công nhân từ 0 đến dưới 16 tuổi đang phải sống xa cha mẹ. Việc này làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Tuệ Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bap-benh-doi-song-cong-nhan-10292863.html