Bấp bênh lương tối thiểu

Cuối năm ngoái, tôi thực hiện một khảo sát nhỏ về điều kiện việc làm cho công nhân nữ ở các khu công nghiệp tại TPHCM, Bình Dương.

 Biểu đồ về mức lương tối thiểu vùng qua các năm. Đồ thị: TL

Biểu đồ về mức lương tối thiểu vùng qua các năm. Đồ thị: TL

Giữa những tâm sự về sự mỏi mệt, buồn ngủ do nhà máy bắt tăng ca liên tục, thường xuyên phải làm việc trên 9 tiếng/ngày, tôi bất ngờ nhận được cái chép miệng chán nản của một công nhân khi công ty nơi cô làm tuân thủ nghiêm ngặt luật lao động.

“Ở đó cái gì cũng tốt cả, đi vệ sinh thoải mái, ăn ngon, trả lương đúng hẹn nhưng họ chỉ cho mỗi ngày làm 8 tiếng”, Quỳnh, cô công nhân tôi gặp phàn nàn về nơi làm.

Đó là điểm trừ lớn của công ty mà cô và nhiều đồng nghiệp khác không thể chấp nhận thêm nữa. Họ nói, sẽ nghỉ việc ngay sau Tết, và xin vào làm ở một nhà máy khác có nhiều giờ làm hơn. Nhu cầu tăng ca của Quỳnh lớn tới mức môi trường và điều kiện làm việc không phải là điều cô cần quan tâm lúc này.

“Biết tăng ca nhiều là hại sức khỏe nhưng cần tăng ca để sống”, cô lý giải cho lựa chọn của mình.

“Sống” ở đây được Quỳnh cắt nghĩa là, đủ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn hai bữa sáng và tối, và dư ra một ít để dành phòng ốm đau hay gửi về cho gia đình. Với mức lương hơn 4 triệu đồng, nếu không tăng ca như hiện tại, chỉ cần một trận cảm cúm kéo dài một tuần cũng đủ vét sạch ví của cô. Để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu, cô không có lựa chọn nào khác, ngoài tìm một chỗ làm hơn 8 tiếng/ngày.

Theo một khảo sát của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), nhiều trường hợp doanh nghiệp yêu cầu ký giấy tự nguyện làm thêm là người lao động phải ký. Nếu người lao động từ chối, họ sợ sẽ bị cắt giảm phụ cấp, bị quản lý gây khó dễ.

Những lao động như Quỳnh không nằm trong các trường hợp bị bắt ép, vi phạm luật lao động này. Mong muốn được tăng ca của cô xuất phát từ chính nhu cầu cá nhân. Nhưng thật khó để tôi nhìn nhận rằng đó là một sự tự nguyện. Không chủ doanh nghiệp nào bắt cô phải ký vào tờ giấy tăng ca nhưng đồng lương không đủ sống hiện tại đã không cho cô nhiều lựa chọn. Để tồn tại, cô cũng rơi vào nhóm không có quyền thương lượng.

Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thống nhất chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020. Mức tăng là 5,5% so với năm 2019. Đây không phải là lần đầu tiên Quỳnh chứng kiến tiền lương của mình tăng, trong suốt bốn năm rời quê vào TPHCM làm công nhân. Trong ba năm gần đây, lương tối thiểu đều tăng. Cụ thể, năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%. Nhưng những con số đó chưa mang lại tác động đủ lớn để giúp cho nhiều người lao động không đi ngược lại với xu hướng “tăng lương giảm giờ làm” của thế giới.

Trên thực tế, mặc dù lương tăng vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt ăn uống khác cũng tăng lên qua thời gian, mức tăng thậm chí còn nhiều hơn so với lương. Rốt cuộc, những công nhân như Quỳnh vẫn không thể thoát ra được vòng nghèo đói. Họ vẫn phải “tự nguyện” chấp nhận bán sức lao động giá rẻ, đốt tuổi trẻ, sức khỏe của mình trong những đợt tăng ca dài ngày.

Tôi đã từng đặt câu hỏi, vậy nếu tăng lương tối thiểu nhiều hơn, lao động có thoát được cuộc sống chật vật. Đi tìm câu trả lời, tôi va phải ngay áp lực từ phía các doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động. Nhiều doanh nghiệp kêu rằng, họ vốn đã không còn lời lãi được bao nhiêu sau khi trả mức lương hiện tại, nếu tiếp tục tăng lương, họ sẽ có nguy cơ đóng cửa.

Trong một môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp vướng nhiều trói buộc từ không ít các chính sách, thì việc tăng lương liên tục nhiều năm cho người lao động dường như quá sức với nhiều chủ doanh nghiệp. Ở mặt nào đó, các doanh nghiệp gia công trong nước cũng đang phải chật vật tồn tại khi chấp nhận tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp.

Cuối cùng, kết quả của những cuộc thương thảo tăng lương giữa một bên là đại diện giới doanh nghiệp - chủ sử dụng lao động còn bên kia là Tổng liên đoàn Lao động - đại diện cho người lao động, vẫn không làm cho hai đối tượng chính giải quyết được bất ổn của mình.

Sẽ là không thỏa đáng nếu lý giải những bất ổn này bằng cách đổ cho doanh nghiệp là thiếu thiện chí hay quy vào khả năng thương thuyết của đại diện người lao động. Thật khó để gỡ bỏ bế tắc này nếu đó là lựa chọn của một nền kinh tế, một nền kinh tế gia công giá rẻ.

Bảo Uyên

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/291879/bap-benh-luong-toi-thieu.html