Bấp bênh trước tuyết dày và hạn hán

Một hiện tượng thời tiết cực đoan được gọi là dzud đã giết chết hơn 7,1 triệu động vật ở Mông Cổ trong năm nay, chiếm hơn 1/10 tổng đàn gia súc của cả nước, gây nguy hiểm cho sinh kế và đời sống của những người chăn nuôi.

Một người chăn cừu bên cạnh đàn gia súc của mình ở Ulaangom Soum, tỉnh Uvs, của Mông Cổ. Nguồn: AP.

Một người chăn cừu bên cạnh đàn gia súc của mình ở Ulaangom Soum, tỉnh Uvs, của Mông Cổ. Nguồn: AP.

Động vật chết hàng loạt

Dzud là sự kết hợp của hạn hán lâu năm và mùa đông có tuyết dày, hiện tượng này ngày càng trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Chúng gắn liền nhất với Mông Cổ nhưng cũng xuất hiện ở các khu vực khác ở Trung Á. Nhiều vật nuôi đã chết, đặc biệt là ở những con cái và con non bị suy dinh dưỡng vào đúng mùa xuân, mùa sinh sản.

Chăn nuôi là trọng tâm của nền kinh tế và văn hóa Mông Cổ, đóng góp tới 80% sản lượng nông nghiệp và 11% GDP của nước này. Trong tiếng Mông Cổ, từ dzud có nghĩa là thảm họa. Dzud xảy ra khi tuyết rơi cực dày tạo ra những lớp băng tuyết không thể xuyên thủng bao phủ đồng cỏ rộng lớn của Mông Cổ, khiến các loài động vật không thể gặm cỏ, dẫn đến chết đói. Hạn hán vào những thời điểm khác trong năm khiến thức ăn không đủ để vỗ béo gia súc trong mùa đông.

Dzuds xảy ra khoảng 10 năm một lần nhưng ngày càng trở nên khắc nghiệt và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. Dzud năm nay là lần thứ 6 trong thập kỷ qua và là năm tồi tệ nhất. Nó theo sau một trận dzud hồi năm ngoái và một mùa hè khô ráo. Tuyết rơi dày nhất kể từ năm 1975.

Truyền thông dẫn lời Phó Thủ tướng Mông Cổ S. Amarsaikhan cho biết, số đàn gia súc chết ở Mông Cổ đã tăng vọt từ 2,1 triệu con gia súc, cừu và dê trong tháng 2, tăng lên 7,1 triệu con trong tháng 5. Hàng nghìn gia đình đã mất hơn 70% tổng đàn gia súc. Tổng số gia súc chết có thể tăng lên 14,9 triệu con, tương đương gần 24% tổng đàn gia súc của Mông Cổ.

Chăn nuôi du mục rất quan trọng đối với 3,3 triệu người dân Mông Cổ, đến mức Hiến pháp của nước này coi 65 triệu con lạc đà, bò yak, gia súc, cừu, dê và ngựa là “của cải quốc gia”. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á, chăn nuôi và các sản phẩm từ vật nuôi, gia súc là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Mông Cổ sau khai thác mỏ.

Bà Olga Dzhumaeva - Trưởng phái đoàn Đông Á tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cho biết: “Việc mất đàn gia súc đã giáng một đòn không thể cứu vãn vào sự ổn định kinh tế và làm trầm trọng thêm hoàn cảnh vốn đã vất vả của người dân”.

Chi phí nhiên liệu, thực phẩm và thức ăn gia súc cao khiến tình hình của những người chăn nuôi như anh Gantomor (38 tuổi) ở tỉnh miền núi Arkhangai trở nên tồi tệ hơn nhiều. Cảnh báo về một đợt dzud đã khiến Gantomor phải bán toàn bộ đàn cừu khoảng 400 con của mình. Anh chỉ giữ lại những con bò yak và ngựa khỏe mạnh và hy vọng có thể đưa chúng đến những đồng cỏ không bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngay cả sau khi chi hơn 2.000USD để vận chuyển khoảng 200 con còn lại đi 200km đến một nơi được cho là an toàn hơn, anh Gantomor vẫn không thoát khỏi dzud. 70 con bò Tây Tạng chết và 40 con ngựa bỏ đàn, chỉ còn lại chưa đến 100 con.

Việc xử lý xác chết động vật một cách nhanh chóng để đảm bảo chúng không lây lan dịch bệnh cũng là một thách thức lớn khác. Đến đầu tháng 5, 5,6 triệu con gia súc, tương đương gần 80% số động vật chết đã được chôn cất.

Cần một hệ thống cảnh báo sớm

Nhiệt độ ấm hơn có thể gây cháy rừng hoặc bão bụi. Dòng chảy dày đặc do tuyết tan làm tăng nguy cơ lũ quét, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Bà Matilda Dimovska - đại diện thường trú của UNDP tại Mông Cổ cho biết, nhiều đàn mang thai, suy yếu trong mùa đông, đôi khi vì chúng không được ăn đầy đủ.

Bà Dimovska cho rằng, dzud là một thực tế về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu với nghèo đói và nền kinh tế. Những người chăn nuôi bị mất đàn thường di cư đến các thành phố như thủ đô Ulaanbaatar nhưng tìm được rất ít cơ hội việc làm. Từ đó, họ bước vào vòng luẩn quẩn nghèo đói.

Ông Mungunkhishig Batbaatar - Giám đốc quốc gia của tổ chức phi lợi nhuận People in Need cho biết, tính chất ngày càng thường xuyên của dzuds đã làm tăng nhu cầu phát triển hệ thống cảnh báo sớm thiên tai tốt hơn. “Việc kết hợp công nghệ với các phương pháp tiếp cận ở cấp cộng đồng mang lại hiệu quả tốt nhất: Ước tính, các quốc gia có phạm vi cảnh báo sớm hạn chế có tỷ lệ tử vong do thảm họa cao gấp 8 lần so với các quốc gia có phạm vi cảnh báo sớm tốt đến toàn diện” – ông Batbaatar nói.

Cô Khandaa Byamba (37 tuổi) - một người chăn lạc đà sống ở tỉnh Dundgobi trên sa mạc Gobi của Mông Cổ cho biết, cô đã học được từ những người lớn tuổi cũng như trải nghiệm khó khăn của việc lặp đi lặp lại các dzud. Nhìn thấy những dấu hiệu ban đầu của một dzud khác, Byamba cho lạc đà đi lang thang, dựa vào bản năng của chúng để tìm đồng cỏ. Chồng của Byamba đi theo các con vật trong 100km đầu tiên trong khi cô ở lại với một số con vật nhỏ hơn. Khi tuyết rơi dày, các gia đình khác báo cáo mất rất nhiều động vật, nhưng hầu hết đàn lạc đà của gia đình cô Byamba đều quay trở lại.

Theo bà Dzhumaeva, Mông Cổ cần sự giúp đỡ nhưng cũng cần thích ứng với dzuds bằng các chiến lược như dự báo thời tiết tốt hơn và các biện pháp ngăn chặn việc chăn thả quá mức. Người chăn nuôi cần đa dạng hóa thu nhập của mình để giúp giảm bớt tác động của tổn thất chăn nuôi.

Bà Dzhumaeva cho biết, Mông Cổ đang thiếu các khoản viện trợ quốc tế, lời kêu gọi của IFRC được đưa ra vào giữa tháng 3 vẫn chưa đạt được dù chỉ có 20% trong mục tiêu 6 triệu USD. Ngân sách bị căng thẳng do các phản ứng khẩn cấp đối với các cuộc khủng hoảng như Ukraine hay Gaza là một yếu tố. Điều này khiến cơ hội giải quyết các tác động tàn phá của dzud ở Mông Cổ càng vơi dần.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bap-benh-truoc-tuyet-day-va-han-han-10283380.html