Bắp nếp bãi bồi
'Chèo ghe bẻ bắp bên sông
Bắp nếp bãi bồi
Bắp chưa có trái, bẻ bông chèo về
Chèo về tới bến bà Đề,
Xin ba trái bắp mang về cho con”.
(Hát ru)
Ở quê tôi, rằm tháng chín là ngày lễ hội, không những người dân địa phương nghỉ việc về dinh Thầy Thím xem hội như thực hiện một lời hẹn hàng năm mà cả khách thập phương cũng tấp nập rồng rắn đổ về cầu ơn, cầu phước. Trên đường đi, khách du không thể nào bỏ qua những thúng bắp luộc ủ trong vải bố “bốc khói” ven đường mà người bán luôn chào mời bằng giọng quê đặc sệt: “Nóng hẩu (hổi) vừa thẩu (thổi) vừa ăn đê!”. Đó là món bắp nếp bãi bồi dẻo nhẹo trứ danh mà đã ăn một lần không thể nào quên.
Chủ những thúng bắp vệ đường ấy chẳng phải người lúp xúp buôn thúng bán bưng thường thấy mà là các má các chị, mấy cô mấy em con nhà nông lam lũ thứ thiệt đem ngay sản vật nhà trồng được ra bán ven đường. Các rổ bắp luộc thường tập trung ở hai đầu cầu và nếu đi dài xuống một đoạn, khách du sẽ bắt gặp những thúng bắp “không chủ”, khi khách dừng xe thì các má các chị mới xăng xái chạy ra, vì họ vừa bán vừa phải tranh thủ làm việc nhà. Vì nhà trồng được nên giá cả rất rẻ và còn được “linh động” bán như cho khi nắng gần đứng bóng.
Nhất là với những người quê ở đây nhưng sinh sống làm việc ở xa trở về, gặp lại trái bắp luộc bãi bồi như gặp lại một điều gì thân thiết; trái bắp, sản vật thơm tho, dẻo ngọt trên tay như chứa như gợi lại cả một thời thơ ấu, một quá khứ nhiều kỷ niệm, nghèo khổ nhưng cũng thật ngọt ngào. Khi đã lên xe trở lại, mỗi người tự lột cho mình một trái bắp, bên dưới lớp vỏ lụa xanh vừa ngả sang vàng ấy là những hạt bắp nếp trắng ngà, cắn vào cứ dính lại ở đầu răng, hương thơm dân dã đọng mãi ở miệng môi. Và khi cái mùi hương đồng cỏ nội ấy tràn ngập trong xe thì du khách bắt đầu ung dung ngồi ngắm quang cảnh miệt quê đang từ từ trôi qua cửa xe. Ngày nắng tốt, thì ngắm được cả những bãi bắp chạy dọc bên bồi của dòng sông uốn lượn hoặc chiêm ngắm được cả những ngôi nhà rêu phong lấp ló trong rặng cau rặng dừa, những không gian sống tưởng chừng như chỉ còn trong cổ tích.
Ngày còn nhỏ, tôi nhớ cứ đến mùa này, má thường nấu chè bắp, là món ăn mà tôi rất thích. Má thường chọn xát loại bắp “chưa qua sông”, tức là bắp chưa già lắm mà cũng không phải loại mới ngậm sữa. Chiếc dao bào của má thoăn thoắt trên tay, những phiến bắp nhỏ bé, mỏng tang rơi xuống đầy dần, vun dần trên chiếc mâm đồng. Xát xong má đổ vô nồi nấu đến khi vừa chín tới thì cho nước đường và mấy lát gừng tươi vào, khi nồi chè bắp nở quện đặc quánh cũng là lúc hương bắp ngào ngạt khắp nhà. Những chén chè bắp dẻo thơm, cả hương cả vị đều đậm đà đến khó cưỡng, bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, cứ mỗi lần má dọn món chè bắp như thế đứa nào đứa nấy cứ nuốt nước miếng ừng ực trong miệng.
Nhất là những lúc giỗ chạp, má và ngoại còn làm cả món bánh bắp gói trong lá chuối thơm hết biết. Tôi nhớ mình cứ thường ngóng ngó lên bàn thờ chờ tàn nhang, chờ ngoại thay nước cúng rồi bưng dĩa bánh bắp ra phân phát cho con cháu. Những ánh mắt trẻ thơ háo hức, hả hê, vui mừng khi nhận cặp bánh cắp dèm dẹp làm bằng bột bắp giã nhuyễn ấy luôn gắn với hình ảnh bà ngoại còng lưng rất đỗi thương nhớ của tôi.
Sau này, có nhiều giống bắp mới như bắp nu, bắp vàng, bắp cao sản trái to nhưng người dân quê tôi vẫn giữ giống bắp nếp, vua các giống bắp, để trồng tỉa. Những trái bắp nếp bãi bồi don don nhỏ nhắn được kết tinh từ dải cát trộn lẫn phù sa màu mỡ đã cứu đói dân quê tôi những năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước. Cơm độn bắp, cháo bắp, bắp luộc, bắp nướng, bắp chà vôi, bắp hầm, chả ram bắp… cứ lần lượt thay nhau giúp người dân qua bữa trong cơn thất bát mùa màng và cả những ngày co giật công điểm tào lao của một thời hợp tác hóa lấy có mọi thứ. Không những thế nó còn là hương vị quê nhà đọng đẫm trong một góc ký ức. Dù sau này đi làm ăn, sinh sống ở xa lâu lâu mới về quê một lần nhưng cái hương vị của các món ăn làm từ những hạt bắp bãi bồi ở quê nhà luôn là một phần trong chuỗi nhớ của tôi về dòng sông tha thiết thân thương.
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/b%C3%A1p-n%C3%A9p-b%C3%A3i-b%C3%B2i-130982.html