Bất an bên các công trình, dự án khai thác - Bài cuối: Trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp
Trước việc hàng trăm hộ dân ở Quảng Ninh bị ảnh hưởng do hoạt động thi công, chính quyền các địa phương đã vào cuộc, yêu cầu doanh nghiệp, cơ qua chuyên môn có trách nhiệm với người dân.
Làm rõ trách nhiệm
Lý giải đã 1 năm trôi qua nhưng chưa có phương án hỗ trợ, bồi thường cho 15 hộ dân ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long, ông Nguyễn Hữu Nhã, Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, sau khi công bố kết quả đánh giá độc lập, người dân và Công ty Gốm chưa đồng thuận, chưa thống nhất. Thành phố Hạ Long tiếp tục lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập khác để khảo sát, đánh giá và sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả. Trong quá trình đánh giá, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, kiểm đếm, thống kê tài sản của người dân.
Theo ông Nguyễn Hữu Nhã, chậm nhất là việc xác định trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của đơn vị tư vấn độc lập chưa thể hiện rõ ràng. Thành phố mong muốn sớm giải quyết dứt điểm cho người dân; đồng thời đã chủ động dành quỹ đất trong trường hợp phải di dời, bố trí tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Quan điểm của thành phố là làm rõ trách nhiệm và giải quyết chính sách cho người dân đúng quy định. Cùng với đó, khi có kết quả đánh giá độc lập lần 2, các bên sẽ phải thực hiện theo báo cáo, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên theo quy định. Trường hợp nhà ở bị hư hỏng nặng, mất an toàn, khi có kết luận và các cơ quan chức năng đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân không chấp thuận, chính quyền sẽ thực hiện các biện pháp cưỡng chế di dời, tái định cư để đảm bảo an toàn cho người dân.
Liên quan đến các hộ dân tại khu 4, phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, từ năm 2020 đến nay, hiện tượng sút lún đất nền xảy ra vào khoảng tháng 10/2020, UBND phường Hà Tu đã chủ trì, phối hợp cùng Công ty Cổ phần Than Núi Béo, các đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng và xác định có 98 hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở, công trình kiến trúc. Các hộ dân này đã được Công ty Cổ phần Than Núi Béo kiểm đếm và thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân. Trong số 98 hộ dân, có 13 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ (4 hộ có nhà bị hư hỏng nặng phải di dời, 9 hộ có nhà bị nứt tách, ảnh hưởng nhưng chưa đến mức phải di dời).
Anh Lê Văn Hiền tổ 10, khu 4, phường Hà Tu cho biết, nhà của gia đình anh xây dựng cách đây 3 năm hiện tại đã bị sạt, nứt tách nhiều chỗ, không thể ở được. Gia đình đã được chính quyền hướng dẫn, di dời, thuê nhà ở nơi khác để đảm bảo an toàn trong thời gian chờ phương án giải quyết.
Đây là lần thứ 2 căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Quảng (63 tuổi), ở tổ 9b, khu 4, phường Hà Tu bị đe dọa do hoạt động khai thác của Công ty Cổ phần Than Núi Béo. Trước đây một căn nhà cấp 4 bị hư hỏng không ở được, Công ty đã bồi thường để xây dựng lại nhà mới. Thế nhưng, gia đình ông chuyển vào nhà mới được một năm đã bị sụt lún. Mặc dù, Công ty Cổ phần Than Núi Béo đã cho sửa chữa nhưng cứ sửa xong một thời gian lại bị lún tiếp.
Thực hiện trách nhiệm với người dân
UBND thành phố Hạ Long yêu cầu Công ty Cổ phần Than Núi Béo thuê đơn vị tư vấn khảo sát, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân sụt lún, thời điểm dừng tắt lún ổn định nền đất tại khu vực khu 4, phường Hà Tu và đề xuất thời gian các hộ quay lại xây dựng nhà ở; thực hiện nghiêm chế độ và quy trình quan trắc định kỳ dịch động mặt đất tại khu vực để kịp thời có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho nhân dân tại khu vực theo chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 12832/UBND-QLĐT ngày 31/12/2021.
Công ty Cổ phần Than Núi Béo đã phối hợp với chính quyền kiểm tra hiện trạng, ghi nhận hư hỏng để kịp thời thực hiện các biện pháp xử lý an toàn; hỗ trợ, sửa chữa nhà cho các hộ bị ảnh hưởng; hỗ trợ kinh phí di dời đến nơi ở tạm đối với các hộ có nhà ở bị sụt lún, hư hỏng nặng. Ông Phạm Bá Tước, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Than Núi Béo cho biết, qua đánh giá có 13 hộ bị ảnh hưởng. Công ty phối hợp với chính quyền địa phương thuê Trung tâm Phát triển quỹ đất đánh giá vật, kiến trúc để đảm bảo khách quan, đồng thời làm việc với các hộ bị ảnh hưởng để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tương tự tại thị xã Quảng Yên, Dự án Công viên nghĩa trang do Công ty Cổ phần Minh Phúc làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện dự án phát sinh hạng mục nổ mìn để phá đá, hạ cốt nền đã gây rung chấn, rạn nứt 49 nhà dân ở khu Đồng Mát, phường Tân An, thị xã Quảng Yên. Các hộ dân bức xúc khi việc nổ mìn không được thông báo đầy đủ, làm thiệt hại đến tài sản của nhân dân. Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, mới đây, thị xã Quảng Yên tiếp tục đối thoại với dân.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng khẳng định sẽ đồng hành cùng nhân dân để giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Trần Đức Thắng đề nghị Công ty Cổ phần Minh Phúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đồng thời phải có kế hoạch chi tiết nổ mìn từ nay đến cuối năm; nghiên cứu phương án thi công khác ngoài phương án nổ mìn. Trường hợp phải nổ mìn, công ty phải thông báo lịch trước cho nhân dân. Công ty phải khảo sát, thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá toàn bộ những công trình, nhà dân bị ảnh hưởng nặng, cần can thiệp ngay để có căn cứ xác định chính sách bồi thường hay hỗ trợ cho người dân.
Đặc biệt đối với những tuyến đường bị hư hỏng do các phương tiện chở đất đá của dự án, công ty cần khẩn trương bù phụ, lu lèn mặt đường xong trước ngày 2/9 để nhân dân đi lại thuận tiện. Ngành chức năng cắm biển hạn chế phương tiện, tải trọng ở một số tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và hạn chế làm hư hỏng mặt đường.
Ông Vũ Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Minh Phúc cho hay công ty sẽ thống nhất với đơn vị thực hiện nổ mìn đúng quy trình; giãn liều lượng, cách thức nổ mìn, có thể là chia nhỏ nhiều lần. Công ty cử cán bộ tham gia giám sát, cảm nhận rung chấn trong quá trình nổ mìn; nếu phát hiện rung chấn sẽ có điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân. Công ty cam kết sẽ hoàn trả hiện trạng đường giao thông trên tuyến phục vụ dự án để nhân dân đi lại an toàn.