Bất an cuộc sống 'ốc đảo' ở một điểm dân cư tại thành phố mỏ
Một điểm dân cư người dân tộc Dao ở TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) nhiều năm nay sống trong cảnh giao thông cách trở, vào mùa mưa lũ thường bị cô lập như 'ốc đảo'.
Đường đất như ruộng cày, ngầm tạm chắn lối lúc lũ về
Ngày trung tuần tháng 10, PV Báo Giao thông theo con đường bê tông từ tỉnh lộ 329 vào khu vực Bến Ván, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Tuyến đường Đồng Mỏ - Bến Ván này có quy mô đường cấp 5 miền núi, chiều rộng mặt đường 3,5m, được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2019.
Tuy nhiên, tuyến đường bê tông chỉ dài hơn 3,6km. Còn từ Bến Ván vào đến điểm dân cư Khe Lấp (thuộc tổ 10, phường Mông Dương) lại là con đường đất nát như ruộng cày, lổn ngổn đá cuội, nhỏ hẹp, xe máy cũng rất chật vật đi vào, còn ô tô thì không thể.
Trên con đường khó đi ấy, còn có một ngầm tràn băng qua suối Đồng Mỏ, chỉ ai đi xe máy rất vững tay lái mới dám qua, còn nếu không thì phải xắn quần lội bộ. Mặt ngầm tràn làm tạm bằng đá rộng chừng hơn mét hiện bị lũ cuốn trôi nham nhở.
Anh Bàn Sinh Tình, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 10, phường Mông Dương cho biết: Ở Khe Lấp có 14 hộ dân với hơn 70 nhân khẩu sống ở bên kia triền đồi, bị chia cắt bởi con suối Đồng Mỏ khiến cuộc sống khó khăn.
"Vào ngày lũ lớn, cả điểm dân cư bị cô lập hoàn toàn; học sinh phải ở nhà nhiều ngày chờ nước rút vì không ai dám cho con, em mình liều lĩnh băng qua dòng lũ để đến trường. Mỗi lần qua suối vào điểm dân cư là tôi "thót tim" vì nước chảy xiết, đường gồ ghề toàn đá cuội tròn vo", anh Tình kể.
Chị Bà Thị Sinh, ở cách chiếc ngầm tràn chừng vài trăm mét cho biết: Bà con ở đây bao đời, cuộc sống gần như cách biệt với bên ngoài do giao thông trở ngại. Mỗi khi mùa mưa, bão về, ai bị ốm đau, người nhà phải cáng vài km ra đường bê tông mới có xe ô tô đi. Còn người mang thai gần sinh thường phải đưa đi ở nhờ hoặc lên bệnh viện nằm chờ trước cả tuần…
"Thế hệ chúng tôi hầu như bị mù chữ. Chính vì vậy, chỉ mong cháu, con được học hành tử tế. Nhưng vào ngày lũ lớn, nước suối dâng cao, học sinh đành phải ở nhà, nên khó theo kịp các bạn trong lớp", chị Sinh bộc bạch.
Anh Bàn Sinh Tình cho biết thêm: Cụ Bàn Sinh Vượng là người dân tộc thiểu số có uy tín tiêu biểu của phường Mông Dương. Hiện gia đình cụ thuộc diện được hỗ trợ xây nhà theo chương trình xóa là dột nát của địa phương.
"Chính quyền đã huy động xã hội hóa được 40 triệu đồng để hỗ trợ cụ Vượng xây nhà, nhưng chưa triển khai được. Vì ở phía ngoài, xây căn nhà mất 50 triệu đồng thì vào đây phải mất thêm chục triệu công vận chuyển nữa", anh Sinh phân tích.
Loay hoay tìm nguồn vốn đầu tư
Cùng lội bộ vào Khe Lấp, ông Nguyễn Văn Nức, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 10, phường Mông Dương cho biết, ở Khe Lấp có hàng trăm ha đất trồng rừng, canh tác nông nghiệp. Nhưng do đường sá khó khăn, nên giá gỗ keo ở đây bị thấp hơn nơi khác từ 5-10 triệu đồng/ha.
"Bà con mong mỏi được đầu tư chiếc ngầm tràn, làm đường bê tông để phục vụ đời sống và vận tải nông - lâm sản", ông Nức chia sẻ.
Để hạn chế khó khăn về giao thông, mỗi khi mùa mưa về, bà con lại đóng góp tiền, bỏ công sức để kè đá, vá đường.
Chỉ tay vào đống đá lổn nhổn giữa dòng suối, anh Bàn Sinh Tình cho biết: Sau mùa mưa năm trước, chiếc ngầm này bị cuốn gần hết, nên mỗi hộ đã bỏ ra 1 triệu đồng và hàng chục ngày công để kè lại. Thế nhưng, sau mấy trận mưa lớn năm nay, ngầm tiếp tục bị cuốn trôi, dân lại phải góp tiền chuẩn bị kè lại.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND phường Mông Dương, TP Cẩm Phả thừa nhận những kiến nghị của người dân khu dân cư Khe Lấp là bức thiết. Tuy nhiên, do ở đây, các hộ sinh sống không tập trung, nên việc đầu tư đường bê tông là không khả thi.
"Hiện, chính quyền đang chủ trương huy động nguồn xã hội hóa để làm ngầm qua suối. Dự kiến, để làm được ngầm tràn qua suối sẽ mất khoảng trên dưới 300 triệu đồng, nên chính quyền đã phát văn bản xin nguồn từ các doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang. Khi nào có được kinh phí hỗ trợ thì mới triển khai được", vị lãnh đạo UBND phường Mông Dương nói.