Bất an khi sống dưới đường điện trung thế

Trước nhà là lộ giới đường bộ, giữa đất là đường điện trung thế, lùi sâu vào phía trong thì không đủ đất xây dựng nhà khiến các hộ dân ở ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu lâm vào cảnh 'tới không được, lùi cũng không xong'. Người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Trụ điện nằm lọt thỏm trong sân của người dân.

Trụ điện nằm lọt thỏm trong sân của người dân.

Thấp thỏm lo âu

Theo phản ánh của người dân, đường điện trung thế cặp đường ĐT.781 được nhà nước đầu tư năm 1985. Trong đó, đoạn đi qua ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng dài hơn 500m đi sâu vào trong đất người dân. Hiện nay, người dân buôn bán ở chợ đầu mối K13 và người dân quanh khu vực này luôn sống trong nỗi bất an, lo sợ về độ an toàn. Nhiều người có nhu cầu xây nhà ở nhưng không dám xây vì vướng hành lang an toàn lưới điện.

Thực tế tại khu vực này, chúng tôi ghi nhận đường điện trung thế do được xây dựng từ năm 1985 nên đã khá cũ, thấp. Tại chợ đầu mối K13, có một số trụ điện nằm hẳn trong sân nhà người dân, có trụ nằm ngay phía sau chợ đầu mối K13, mỗi ngày tập trung hàng trăm tiểu thương buôn bán.

Bà Trần Thị Thu Vân, người dân sống tại đây cho biết: “Tôi cất nhà mà đường dây điện nằm ngay trước cửa nhà tôi, nằm sâu trong đất, đã không an toàn, đi lại cũng gặp nhiều khó khăn”.

Do đường dây điện gần nhà dân nên rất nguy hiểm, nhất là vào thời điểm mưa bão, người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương và Điện lực huyện Dương Minh Châu về vấn đề này.

Ông Huỳnh Hưng Thời - Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Năng cho biết, Điện lực huyện Dương Minh Châu thông báo là do không có kinh phí phân bổ, nên khi di dời người dân phải “cùng làm” với ngành Điện. Huyện cũng đã chỉ đạo xã và Điện lực Dương Minh Châu khảo sát và lập dự toán. Số tiền người dân đóng góp cùng với ngành Điện là trên 400 triệu đồng. Số tiền này quá cao, người dân lại sống chủ yếu bằng nghề nông, nên chỉ có 3,4 hộ đồng ý.

Theo ông Huỳnh Mạnh Quân, ngụ ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, ông được ba mẹ cho hơn 1 ha đất, với hơn 60m đất mặt đường, đã chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng giờ cất nhà không được vì đường điện đi ngang qua đất.

“Tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp, ngành nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Trước đó, Điện lực đồng ý phương án di dời trụ điện nhưng yêu cầu chúng tôi phải đóng góp khoảng 400 triệu đồng chi phí di dời. Đó là điều vô lý, vì khi công ty làm đường dây điện, chúng tôi không được đền bù, giờ lại yêu cầu chúng tôi phải chịu một phần chi phí di dời là không thể chấp nhận”.

Trụ điện trung thế đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trụ điện trung thế đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngành Điện nói gì?

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, người dân ở khu vực này gặp khó khăn về xây dựng nhà ở, bởi theo quy hoạch thì khu vực này là đất ở nông thôn. Do đó, người dân gặp khó khăn vì hạn chế về hành lang an toàn của đường giao thông, phía sau thì bị hạn chế bởi hành lang an toàn lưới điện. Cử tri đã phản ánh từ 2015 đến nay, ngành Điện ghi nhận nhưng chưa có vốn để thực hiện di dời.

Chúng tôi đã liên hệ với Công ty Điện lực Tây Ninh và đặt vấn đề, Công ty có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi của người dân? Tuy nhiên, đơn vị này từ chối trả lời trực tiếp và phản hồi bằng văn bản như sau: Nội dung trên đã được Điện lực Tây Ninh trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh và gửi đến đến Sở Công thương; Huyện ủy, UBND huyện Dương Minh Châu ngày 24.2.2022. Kèm theo đó là công văn của Điện lực Tây Ninh trả lời kiến nghị của cử tri.

Theo công văn, đường dây Bàu Năng – Dương Minh Châu tuyến 478TN trong đó có đoạn từ trụ 131 đến trụ 140 nằm sâu trong đất dân, được đầu tư xây dựng từ năm 1985 để cấp điện cho huyện Dương Minh Châu.

Khi triển khai đầu tư, ngành Điện đã phối hợp với chính quyền địa phương trồng trụ theo quy hoạch lộ giới cũng như quy hoạch khu vực theo đúng vị trí hành lang đã được chính quyền địa phương bàn giao.

Hiện nay, lưới điện đang hoạt động ổn định, an toàn và bảo đảm nhu cầu cung cấp điện cho huyện Dương Minh Châu. Trong trường hợp phải di dời lưới điện ra đường 781, Công ty sẽ vi phạm quy hoạch trên đoạn đường này do Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng quản lý về vị trí trồng trụ điện cũng như hành lang an toàn lưới điện sau di dời.

Trụ điện nằm ngay chợ đầu mối K13 có hàng trăm tiểu thương buôn bán, kinh doanh.

Trụ điện nằm ngay chợ đầu mối K13 có hàng trăm tiểu thương buôn bán, kinh doanh.

Có thể thấy tại thời điểm triển khai đầu tư đường điện năm 1985 thì không có vấn đề gì vì lúc đó quy hoạch lộ giới và quy hoạch khu vực khác với hiện trạng hiện nay, nên có thể hiểu vấn đề này là do lịch sử để lại.

Vấn đề đặt ra là, yêu cầu của người dân là chính đáng, ngành chức năng cần phải có phương án và lộ trình để giải quyết những bất cập, di dời đường điện trung thế khỏi đất của người dân để người dân được xây dựng nhà ở theo quy hoạch.

Ông Đặng Thủ Thừa- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, huyện đã nhiều lần kiến nghị Điện lực Tây Ninh và các ngành chuyên môn sớm khảo sát và di dới lưới điện, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Để tạo điều kiện cho người dân, huyện đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành chuyên môn và bố trí vốn để di đời đường điện.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bat-an-khi-song-duoi-duong-dien-trung-the-a143058.html