Bất an văn hóa giao thông - Bài 3: Giải pháp nào cũng cần ý thức
Khi tham gia giao thông, ý thức chấp hành pháp luật quyết định sự an toàn, góp phần giữ trật tự giao thông trên đường. Vượt đèn đỏ có thể nhanh hơn vài giây; leo lề, lấn làn đường có thể tiện trong vài tình huống, nhưng lâu dài, điều này hình thành thói quen khiến người ta bất chấp mọi hướng dẫn, cảnh báo, tạo ra mớ hỗn độn về trật tự an toàn giao thông vốn đã quá phức tạp.
Bắt đầu từ giáo dục
Không ít trường hợp vi phạm giao thông mà khi xử phạt mới hay người điều khiển phương tiện sử dụng bằng giả. Nếu ai đã từng đi thi bằng lái xe, nhất là xe 2 bánh, ít nhiều sẽ nghe qua: “Chọn câu trả lời vầy nè, chỗ lo bằng dặn đó”, “chọn câu dài nhất nha, anh A/chị B chỗ làm bằng có dặn”… Chính vì bằng lái thiệt, nhưng học thì qua loa; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe chưa thật sự chặt chẽ, thậm chí còn tiêu cực và bộc lộ bất cập, nên chuyện không hiểu luật dẫn tới vi phạm là điều không thể tránh khỏi. Hiện nay, vẫn còn tình trạng học sinh cấp 2, cấp 3 đến trường bằng xe máy. Chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái nhưng vẫn cầm lái, thậm chí không mũ bảo hiểm, chở ba… “Nhiều bữa đi làm về, thấy học sinh đầu trần, chở ba cứ đi hiên ngang. Biết chỗ nào có cảnh sát giao thông là mấy em quẹo hẻm liền, trường không cho gửi xe, bên ngoài có hàng tá chỗ giữ. Hai đứa con tôi cũng đang học cấp 3, mặc dù tụi nhỏ không có đua đòi đi xe máy nhưng mình cũng thấy lo, sợ nó thấy bạn bè đi rồi bắt chước”, chị Phan Thị Tú (50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) chia sẻ.
Những bài học giáo dục học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường như: đi đúng làn đường bên phải, biết ưu tiên những xe cấp bách như cứu thương, chữa cháy… vẫn còn nguyên giá trị, nhưng người ta lại quên mất cách thực hành. Không ít người than phiền và chính chúng tôi cũng từng chứng kiến xe cấp cứu, xe chữa cháy còi báo inh ỏi, các xe máy nép qua một phía để nhường đường thì kéo theo sau không ít xe tải, xe con cũng tranh thủ vượt lên “ăn theo” để di chuyển nhanh hơn trong phần đường ưu tiên đã được xe chữa cháy, cứu thương chạy trước dọn đường…
Cũng không ngoa khi nói rằng, an toàn giao thông 80% là phụ thuộc vào ý thức mỗi người và văn hóa khi tham gia giao thông còn là sự ảnh hưởng trong gia đình. Phía trước các trường học, không ít phụ huynh đậu xe ngang, dọc đủ kiểu để đón con. Chính điều này mà không ít cổng trường giờ tan học rối nhằng, bởi mạnh ai nấy đậu sao cho con mình dễ thấy và gần cổng trường nhất. Chưa kể, ỷ y gần nhà, không ít phụ huynh chở đôi chở ba và không đội mũ bảo hiểm cho con. “Nhiều bữa đi rước con, thấy mà lo dùm người ta, một phụ huynh mà chở luôn 3 đứa nhỏ. Hỏi thì người ta nói nhà gần, cứ kệ, không có sao đâu và tuyến đường đó cũng không mấy khi có cảnh sát giao thông, anh Phan Văn Trà (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân) kể.
Chia sẻ về việc đưa giao thông vào học đường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM Nguyễn Ngọc Tường cho biết: “Hơn 10 năm làm ở Ban ATGT, tôi đồng tình và ủng hộ ý kiến đưa những giờ học về ATGT vào học đường nhiều hơn và có thể ngang thời lượng với các môn học khác trong chương trình giáo dục. Bởi hơn hết, việc giáo dục ngay từ nhỏ sẽ giúp các cháu hình thành dần ý thức cũng như thói quen chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông. Chúng ta cũng cần xây dựng những công viên văn hóa ATGT, để các em nhỏ có nơi học và thực hành, hiểu luật, biết cách di chuyển như thế nào khi đến ngã 5, ngã 6… Các cháu được học và thực hành nhiều sẽ hình thành nên ý thức tự giác chấp hành khi tham gia giao thông trong tương lai”.
Đồng quan điểm, cô Vũ Ngọc (Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, TP Thủ Đức) khẳng định: “Việc nâng cao ý thức cho học sinh - sinh viên về văn hóa giao thông phải là hoạt động thiết thực. Nếu học sinh vi phạm luật giao thông, các em sẽ bị xét hạ hạnh kiểm trong quá trình học tập”. Những hình thức nêu gương như trường hợp em Lê Thanh Huy, học sinh Trường Tiểu học Cái Khế 2 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) lễ phép, khoanh tay, cúi đầu cảm ơn tài xế ô tô đã dừng lại nhường đường, dù là việc làm nhỏ, nhưng rất thiết thực.
Chế tài tạo ra ý thức
Không ít người đổ lỗi cho những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông là bởi những tồn tại về kết cấu hạ tầng: đường xá chật chội, ngập nước, điều tiết và phân luồng giao thông chưa hợp lý, giao thông công cộng chưa phát triển kịp nhu cầu đi lại… Tuy nhiên, văn hóa giao thông là một phần quan trọng trong văn hóa công cộng. Muốn có chuyển biến tốt trong hành vi ứng xử, trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, rồi tiếp đến áp dụng thực hiện đúng theo luật ATGT.
Là người thường xuyên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chị Đoàn Loan (40 tuổi, ngụ quận Tân Phú) nêu ra rất nhiều tồn tại của các tuyến xe buýt hiện nay: độ phủ chưa đủ rộng nên muốn di chuyển phải thay đổi nhiều chuyến, khá tốn thời gian, chi phí tăng lên; thời gian phục vụ chuyến cuối cùng của các tuyến không giống nhau, nhiều tuyến kết thúc sớm, gây khó khăn khi di chuyển; giao tiếp trên xe buýt khá ồn ào… Tuy nhiên, điều khiến chị tâm đắc nhất là ý thức khi đi xe buýt hiện nay đã văn minh hơn rất nhiều: xe ít mùi, không dơ bẩn, hiếm có tình trạng ăn uống trên xe, ít chen lấn, trẻ nhường ghế cho già, tài xế chạy bớt ẩu hơn... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết các xe buýt đều bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang khi lên xe. Tham gia phương tiện giao thông công cộng, ý thức càng quan trọng hơn.
Cuối tháng 4 vừa qua, nhiều người chia sẻ một video cảnh tuy kẹt xe nhưng người đi xe máy vẫn xếp hàng ngay ngắn ở lãnh thổ Đài Loan, không ít người so sánh với tình trạng giao thông hỗn loạn tại Việt Nam vào dịp nghỉ lễ, khi dòng ô tô, xe máy nối dài trên các cung đường di chuyển về quê, đi du lịch. Phán xét như thế nào thuộc về quyền của mỗi người. Kết cấu, cơ sở hạ tầng giao thông không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Nhưng, sự thay đổi về ý thức, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất sẽ góp phần tạo nên thay đổi lớn. Quan trọng hơn chính là mang lại an toàn cho chính mỗi người khi tham gia giao thông.
“Chạy xe thì phải có ý thức mà ý thức là tốt cho mình chứ cho ai đâu, bị phạt mất tiền đã đành, nhưng lỡ xui rủi một cú tông xe có khi tàn phế cả đời. Bởi vậy mà chạy xe an toàn, ý thức là hơn hết. Sợ trễ giờ thì chịu khó dậy sớm, chứ vượt đèn đỏ, lấn làn, chạy quá tốc độ nhanh hơn được bao nhiêu không biết, chứ đường đến tai nạn là gần lắm”, chị Thu Anh (42 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ. Còn theo bạn Kiều Oanh (sinh viên năm 2 Đại học Kinh tế TPHCM): “Em thấy nhiều bạn bè em còn trẻ nhưng cũng lười đi học, đi thi bằng lái xe máy, dù mỗi ngày vẫn lái xe đi học. Biết đoạn đường nào gần trường có công an giao thông thì tìm đủ cách né tránh. Dành một chút thời gian đi học, đi thi lấy bằng chỉ tốt cho mình thôi. Bản thân nếu không tự ý thức ATGT cho mình làm sao tôn trọng người khác, chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông được. Nên nhiều bạn cứ vài bữa thì độ xe một lần, nẹt pô, bắn tốc độ, nguy hiểm mà coi như chơi”.
Không ít người cho rằng “chế tài tạo ra ý thức”. Bản thân nhiều người chấp hành đúng luật nhưng phải chứng kiến, thậm chí là nạn nhân của những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông. Nhiều người đồng tình, với những trường hợp vi phạm cần xử phạt thật nghiêm và thật mạnh. Ở một số quốc gia khác, khi vi phạm ATGT, mức phạt rất lớn, mà lớn nhất là bị giữ bằng lái hoặc bị cấm lái xe một thời gian. Chính việc đánh vào kinh tế này sẽ là một hình thức để người dân ý thức hơn. Và ngoài việc xử phạt tại chỗ, chúng ta cũng áp dụng phạt nguội qua camera, phạt chuyên đề. Có như vậy, mới nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân.
Chính sự chủ quan từ người lớn, vô tình tạo ra những ảnh hưởng không tốt đến con trẻ. “Ở trường, cô giáo dạy không chạy xe chở đôi, chở ba, nhưng về nhà, ngay chính ba mẹ chở đôi, chở ba như vậy thì hỏi đứa nhỏ nó sẽ bắt chước theo ai. Nhà tôi có hai đứa, học cùng trường, nhưng sáng nào hai vợ chồng cũng tranh thủ mỗi người chở một đứa tới trường, chính mình phải làm gương cho tụi nhỏ. Trên lớp học vài tiết ATGT, luật quy định thế này thế kia, mà về nhà mỗi ngày ba mẹ cứ chở đôi chở ba tới trường thì đứa nhỏ có học luật giao thông nhưng ý thức chấp hành sau này sẽ không có”, anh Lê Văn Phúc (42 tuổi, ngụ quận 1) bày tỏ.