Bắt cá đồng!
Sau những tháng ngày mải mê ở chốn đông người, tôi có dịp về lại vùng quê và cùng những người bạn chân chất đi bắt cá đồng. Với nhiều người, đó không phải là điều gì quá mới mẻ nhưng lại mang hơi thở của quê hương, nuôi dưỡng tình yêu với mảnh đất đã cưu mang họ tự thuở thiếu thời.
Dỡ chà mùng bắt cá
Cá lóc nướng mọi- món “quốc dân” ở chốn ruộng đồng
Nắng trưa trải dài trên cánh đồng lúa chuẩn bị vào vụ gặt. Mùi thơm của những hạt gạo đang “kết sữa” cứ quấn lấy bước chân tôi và mấy người bạn tay mang lỉnh kỉnh đồ đạc đi đồng. Chẳng mấy khi có dịp về thăm, những anh em thân thích rủ tôi đi bắt cá đồng để làm một bữa ra trò. Thật ra, tôi hay thấy người ta bắt cá đồng nhưng chưa lần nào được tham gia. Lần này, mấy anh em rủ tôi đi dỡ chà mùng nghe mới lạ tai!
Thật ra, dỡ chà mùng không khác mấy dỡ chà trên sông, chỉ là diện tích chà mùng nhỏ và chủ yếu được đóng trên các mương, ngọn hay dòng kênh nhỏ. Sau một lát xem xét tình hình, những người bạn bắt đầu cởi trần lội xuống ngọn để dỡ chà. Dưới ánh nắng chan chát, những cơ bắp rắn rỏi bắt đầu vận động. Họ khuân từng nhánh cây đầy rong rêu, nặng trịch ra khỏi chiếc “mùng” nằm phía dưới đống chà. Có lẽ diện tích lưới chỉ rộng như một chiếc mùng nên gọi là chà mùng cũng nên! Dù diện tích nhỏ nhưng chà mùng dính khá nhiều loại cá. Từ cá “đen” như: cá lóc, cá trê cho đến những loại cá “trắng” như: cá thát lát, cá mè vinh, cá sặc…
Khoảng nửa giờ “hì hục” ngụp lặn, mấy người bạn đã dỡ xong đống chà ra khỏi mùng. Riêng tôi vì chưa làm việc này lần nào nên được miễn “lao động”, chỉ đứng trên bờ chụp ảnh. Mấy con cá linh nhảy xoi xói, phản chiếu lớp vảy bạc lấp lánh dưới ánh nắng trông mê cả mắt. Chiếc mùng được gom lại lần lần để dồn cá vào 1 góc. Sau đó, mọi người túm cả mùng mang lên bờ rồi ngồi lựa cá. Cá to bắt bỏ vào thùng, cá nhỏ thả vào hầm nuôi xem như dự trữ.
Khi đã có cá, mọi người bắt đầu sơ chế. Giữa đồng trưa nắng gắt, cách nhanh nhất là chặt nhánh tre xiên qua thân cá để nướng. Với những ai lớn lên ở ruộng đồng, cá nướng mọi như vậy đã trở thành món “quốc dân”. Nó gợi nhớ đến cái vị ngọt chân chất của ruộng đồng để chúng ta đừng quên đi tuổi thơ của mình. Mà cũng lạ, những món ăn như thế dù rất giản đơn nhưng ngon không tả được!
Một người bạn nhanh tay chặt mấy nhánh củi nhóm lửa. Sức nóng của lửa vào buổi trưa khiến anh này “mồ hôi nhễ nhại”. Những con cá lóc bị xiên từ miệng đến đuôi uốn mình khi bị đặt lên ngọn lửa. Lát sau, mùi thơm thịt cá bắt đầu lan tỏa trong những cơn gió đồng dịu mát. Thi thoảng, mùi mít chín từ vườn ai đó theo gió ùa đến khiến tôi cảm nhận thêm phong vị rất riêng của chốn ruộng đồng. Là người hay đi đó đây, tôi vẫn rất nhớ cái cảm giác dân dã này. Do đã quen với việc bắt cá đồng thưởng thức, mấy anh bạn phân công nhau khá chuyên nghiệp. Người nướng cá. Người đi kiếm rau. Người chuẩn bị “bàn tiệc”. Ai cũng nhanh tay lẹ chân đúng theo phong cách của nông dân.
Khi con cá lóc đầu tiên chín cũng là lúc bữa tiệc bắt đầu. “Bàn tiệc” được bày dưới bóng râm của mấy cây mãng cầu bên bờ ngọn. Mọi người ngồi quây quần trên mấy chiếc bao trải bệt dưới đất. Cá lóc nướng được bày trên mâm bằng lá chuối. Chén đựng thức ăn là mấy chiếc lá gáo to bản. Chỉ có đũa đúng là đũa tre. Ở đồng là vậy, mọi thứ đều giản tiện nhưng vui. Gắp một miếng cá lóc nướng thơm giòn, gói kèm vài lá cóc non rồi chấm nước mắm me cho vào miệng. Cái vị ngon dân dã, bình dị gợi nhớ đến ngày thơ ấu ùa về. Anh bạn khề khà kể chuyện bắt cá đồng như không bao giờ dứt. Có lẽ, những nông dân quanh năm tay lấm chân bùn như anh cũng chẳng có chi ngoài cây lúa, con cá hay hàng cà tím cạnh lối đi. Nhưng hơn hết, anh vẫn luôn nuôi dưỡng tình yêu với những điều bình dị tồn tại bên cạnh mình và cho tôi bài học về 2 tiếng: quê hương!
Nắng xế. Bóng chiều bắt đầu ngã dài theo mấy rặng me tây phía xa xa. Tôi từ giã mấy người bạn để trở về nhưng vị ngọt của những con cá đồng vẫn còn in nơi đầu lưỡi. Có lẽ, đi đồng bắt cá sẽ chẳng là gì với những ai đã quá quen việc này, nhưng hẳn sẽ là trải nghiệm khó quên cho những ai có cuộc sống xa quê. Và hơn hết, đó còn là kỷ niệm, nhắc nhở người ta về sự yêu thương, gắn bó cùng những thứ quá đỗi bình dị như con cá, con cua hay mấy chiếc lá cóc non chua chua mà thấm đượm hương vị quê nghèo.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/bat-ca-dong--a259436.html