Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản - Bài 2: Tách rời viện - trường

Vai trò của các ngành khoa học cơ bản (KHCB) đối với sự phát triển khoa học nước nhà cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội, hoạch định chính sách của quốc gia luôn được Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định trong các văn kiện chính trị. Tuy nhiên, thực tế việc đào tạo các ngành KHCB gặp không ít thách thức trong bối cảnh bức tranh giáo dục đại học đang có nhiều biến động.

Sinh viên ngành Khoa học môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Sinh viên ngành Khoa học môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hành tại phòng thí nghiệm

Tác động từ cơ chế thị trường

Theo GS-TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất lượng và Chính sách quốc gia, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã đẩy mạnh sự chuyển biến kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học. Từ năm 2010 đến nay, số lượng và quy mô đào tạo đại học ở Việt Nam có sự phát triển nhảy vọt. Đến năm 2020, số trường đại học đã lên tới 237 trường, trong đó, ngoài công lập có 65 trường. Hai khuynh hướng tác động mạnh nhất đến nền giáo dục hiện nay là quá trình chuyên biệt hóa ngành đào tạo để đáp ứng thị trường lao động và tự chủ đại học ở khu vực công lập.

Sự phát triển của nền giáo dục đại học giai đoạn này có sự chuyển động gắn liền với sự vận động của nền kinh tế theo định hướng thị trường và thị trường lao động. Các ngành kinh tế, kỹ thuật thu hút số lượng lớn sinh viên học tập với mong muốn một nghề nghiệp có thu nhập tốt cho tương lai. Mức học phí gia tăng theo tinh thần tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập cũng đã và đang là một trở ngại cho việc tuyển sinh của các ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV).

Theo đặc thù của các ngành KHCB là nghiên cứu các vấn đề mang tính tổng quát, lý thuyết, quy luật vận động phát triển của tự nhiên lẫn xã hội, đồng thời có cả “quá trình thử và sai, có độ trễ, đôi khi tính bằng thập niên để được ứng dụng thành công và mang lại giá trị gia tăng; kết quả của nghiên cứu cơ bản thường được công bố dưới dạng các ấn phẩm khoa học và hầu như chưa mang lại lợi ích thương mại trực tiếp”. Trong khi, theo các chuyên gia giáo dục, cùng với việc tiệm cận nhu cầu thị trường lao động, quá trình tự chủ đại học hiện đang diễn ra với nhiều mức độ và cách thức khác nhau, nhưng thực tiễn cho thấy chi phí học tập đại học gia tăng đáng kể. Điều này lại dẫn đến tình trạng học sinh và gia đình sẽ cân nhắc nhiều hơn việc theo học các ngành KHCB vốn được xem là cơ hội nghề nghiệp kém hấp dẫn hơn, tính thương mại hóa thấp trong thị trường lao động hiện nay.

TS Nguyễn Kim Quang, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) nhìn nhận: “Không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ và nhiều quốc gia khác, các ngành KHCB đang teo tóp. Theo tôi, đó là do cơ chế thị trường quyết định, người học thường sẽ chọn những ngành nghề có triển vọng và cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn. Mặt khác, khi chi phí đào tạo tăng cao, ngành KHCB ít người học là bài toán rất khó giải quyết cho các cơ sở đào tạo. Chính vì vậy, việc giảm chỉ tiêu ngành KHCB để tăng chỉ tiêu ngành khoa học ứng dụng ở các cơ sở đào tạo có bề dày về lĩnh vực KHCB là hiển nhiên”.

Chính sách chưa rõ ràng

PGS-TS Nguyễn Quang Hưng, giảng viên Khoa Triết học, Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta phải thừa nhận một thực tế trong xu thế chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay là ưu tiên các khoa học ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn và định hướng phát triển từng quốc gia. Có điều, họ có thể chú trọng tới khoa học ứng dụng bởi họ đã lĩnh hội, làm chủ được những thành tựu chính của KHCB, dựa trên bệ đỡ KHCB của thế giới. Thường KHCB phải đi trước một bước so với khoa học ứng dụng. Nhiều ngành khoa học xã hội ở Việt Nam dường như đang làm điều ngược lại, rõ nhất trong lĩnh vực triết học. Chúng ta chú trọng tới khoa học ứng dụng trong khi thiếu một nền KHCB vững vàng thì kết quả nghiên cứu đem lại đa phần là phi khoa học, phản khoa học. Do vậy, không có cách nào khác, chúng ta phải thực hiện song song nghiên cứu KHCB và khoa học ứng dụng. Khi nào chúng ta có được “đôi chân” KHCB khá vững vàng, tiếp cận được những thành tựu của thế giới trong lĩnh vực này, khi đó mới có thể chú tâm vào lĩnh vực khoa học ứng dụng”.

Hiện nay, hệ thống các viện nghiên cứu và trường đại học đang tách rời nhau. Đầu tư cho khoa học đã ít lại bị dàn trải nên cán bộ giảng dạy trong trường đại học Việt Nam rất thiếu điều kiện nghiên cứu học tập để nâng cao trình độ, sinh viên không có điều kiện tiếp xúc với thiết bị hiện đại. Nhiều sinh viên giỏi không muốn ở lại trường làm cán bộ giảng dạy hoặc ở lại nhưng sau đó chuyển công tác vì không có điều kiện phát triển, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng. Đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học vì thế ngày càng lâm vào tình trạng giảm sút về số lượng lẫn chất lượng. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu cán bộ chuyên môn cao những ngành mũi nhọn, thậm chí có lúc rơi vào tình trạng khủng hoảng về nhân lực.

Theo phản ánh của nhiều trường đại học, đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý và trợ lý của các ngành KHCB có mức thu nhập khá thấp, ảnh hưởng không tốt đến động cơ làm việc và mong muốn cống hiến của họ cho nghiên cứu và giảng dạy. Bởi lẽ, tiền lương thấp, các khoản thù lao khác cũng thấp, không đảm bảo được nhu cầu cuộc sống của lao động tri thức trong lĩnh vực KHCB. Thu nhập thấp nhưng trách nhiệm, bổn phận với công việc lại rất cao, thể hiện ở chỗ phải đảm nhiệm số giờ giảng dạy, phải nghiên cứu, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao học thuật và ngoại ngữ. Vì thế, nhiều cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý, nhất là người có năng lực chuyên môn và ngoại ngữ tốt chuyển sang làm thêm công việc khác, nhất là các công việc ứng dụng… Từ đó, họ thiếu chuyên tâm vào công việc giảng dạy và nghiên cứu học thuật. Thực tế này hoàn toàn trái ngược với trường đại học tiên tiến tại các quốc gia phát triển. Ở đó, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý được chính phủ, nhà trường trả lương ở mức đảm bảo, thường ở mức khá so với mặt bằng thu nhập của xã hội. Do vậy, họ say mê với công việc giảng dạy, hướng dẫn, nghiên cứu…

PGS-TS NGÔ THỊ PHƯƠNG LAN, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM):

Nhiều ngành chỉ có vài thí sinh

Thực tế các trường có đào tạo ngành KHCB trên cả nước đang đối diện với thực trạng tuyển sinh khó khăn vì người học không mặn mà. Nhiều ngành liên tục từ năm 2017 đến nay không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu dù điểm rất thấp. Trong đó, nhiều ngành chỉ có vài thí sinh nhập học nhưng vẫn phải đào tạo vì đây là nhiệm vụ quốc gia. Cùng với đó là hoạt động nghiên cứu của ngành KHCB, nhất là khối ngành khoa học xã hội cũng gặp nhiều khó khăn trong công bố quốc tế, chảy máu chất xám, thiếu hụt giảng viên và cán bộ nghiên cứu khoa học.

PGS-TS PHẠM BẢO SƠN, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội:

Khó khăn khi tự chủ

Trước đây, nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước chính là hình thức cấp vốn lớn nhất và quan trọng nhất để triển khai nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, khi các trường tiến hành tự chủ, nguồn kinh phí từ ngân sách dần giảm đi nhường chỗ cho nguồn lực xã hội hóa và nguồn thu sự nghiệp. Đây chính là một trong những thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục đại học công lập có đào tạo các ngành KHCB trong bối cảnh tự chủ đại học.

Một mặt, các trường phải đảm bảo các hoạt động để tạo nguồn thu như tuyển sinh, huy động nguồn lực xã hội hóa, mặt khác phải đảm bảo trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao phó trong tổng thể hoạt động giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ quốc gia thông qua đào tạo, nghiên cứu KHCB nhằm duy trì nguồn nhân lực cho xã hội và nhân lực nghiên cứu, xây dựng, đảm bảo tính cạnh tranh khoa học công nghệ trong những lĩnh vực cần thiết và trọng yếu. Bài toán này đòi hỏi chiến lược không chỉ của mỗi trường, mà cần sự phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó đội ngũ nhà quản lý, giảng dạy và nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành KHCB đóng vai trò quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội để vừa duy trì công tác đào tạo và nghiên cứu KHCB, vừa phát huy những thế mạnh của KHCB phục vụ mục tiêu chung của đất nước trong giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-cap-dao-tao-nhan-luc-khoa-hoc-co-ban-bai-2-tach-roi-vien-truong-post681467.html