Bất cập trong chính sách liên quan đến người lao động
Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp (DN) do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức mới đây, nhiều cán bộ Công đoàn đã có ý kiến về những bất cập trong các chính sách liên quan đến người lao động (NLĐ) hiện nay như: tuổi nghỉ hưu của NLĐ, tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần hay thời gian làm việc của NLĐ…
Các đại biểu mong muốn Nhà nước khi sửa đổi các chính sách cần lấy ý kiến trực tiếp từ NLĐ để phù hợp với thực tiễn, đồng thời có giải pháp tháo gỡ để NLĐ yên tâm ở lại hệ thống BHXH, yên tâm làm việc và gắn bó với DN.
* Giảm tuổi nghỉ hưu với lao động sản xuất trực tiếp
Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) Trần Ngọc Quang cho hay, tuổi nghỉ hưu hiện nay quá cao so với NLĐ làm việc trực tiếp tại DN, nên cần xem xét giảm xuống còn 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. Thực tế, công nhân sản xuất trực tiếp thường phải tăng ca, thời gian đứng máy dài khiến sức khỏe giảm sút nhanh. Chưa kể, lao động nữ ngành may mặc, giày da ngoài 40 tuổi thể lực kém, không nhanh nhạy thì khó đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH NamYang Sông Mây (H.Trảng Bom) cho hay, lao động lớn tuổi chân tay yếu nên khó làm việc đến lúc 60 tuổi để hưởng lương hưu. Việc tăng tuổi nghỉ hưu và giảm năm đóng BHXH đang khiến nhiều lao động tại công ty xin nghỉ việc để rút BHXH một lần. DN và Công đoàn đã tuyên truyền nhiều lần nhưng NLĐ vẫn nghỉ việc dù không ít người đã gắn bó với công ty 14-15 năm.
Ở góc độ NLĐ, nhiều người đều mong mỏi giảm tuổi nghỉ hưu để đảm bảo sức khỏe làm việc. Anh Nguyễn Văn Hồ (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, anh chấp nhận mức lương hưu thấp nhưng phải giảm tuổi nghỉ hưu. Gần 20 năm đứng xưởng sản xuất cơ khí, thường xuyên tiếp xúc máy hàn, anh khẳng định với công việc này, anh chỉ duy trì thêm được tối đa 10 năm nữa vì phải làm trong môi trường nóng bức, tiếp xúc tiếng ồn và không khí độc hại thì sức khỏe không đảm bảo.
“Nếu cố gắng, tôi có thể gắn bó với nghề này đến hơn 50 tuổi và đợi trên 10 năm nữa mới có lương hưu. Tôi mong cơ quan xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho NLĐ” - anh Hồ chia sẻ.
* Cần lấy ý kiến NLĐ khi giảm năm đóng BHXH
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với nhiều nội dung mới, trong đó có đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu để nhiều NLĐ tiếp cận được với lương hưu, mở rộng lưới an sinh, hạn chế người nhận trợ cấp một lần.
Tuy nhiên, ngay khi biết thông tin này, nhiều NLĐ đã xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần vì sợ không đủ sức khỏe làm việc để hưởng lương hưu. Việc này khiến một số DN giảm đi nguồn nhân lực lành nghề.
Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các cán bộ Công đoàn ở các ngành nghề dệt may, giày gia, cơ khí, điện tử và ngành gỗ tại buổi giao ban, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và các sở, ngành liên quan trong tỉnh đã giải đáp rõ để DN tuyên truyền cho NLĐ. Đối với những bất cập trong việc thực hiện các chính sách, các ngành sẽ tổng hợp ý kiến và có giải pháp tháo gỡ để NLĐ yên tâm sản xuất.
Theo các cán bộ Công đoàn, hiện nay nhiều NLĐ đã đóng BHXH được
13-14 năm và còn khá trẻ, họ muốn nghỉ việc, rút BHXH một lần, sau đó sẽ quay lại thị trường lao động và đóng BHXH lại từ đầu. Do đó, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm là ý tưởng hay, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng lương hưu là quá lâu. Do vậy, đi kèm với giảm năm đóng cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu.
Anh Trần Phương Giải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dona Standard (H.Xuân Lộc) cho hay, NLĐ ở công ty làm việc 14 năm có xu hướng nghỉ cao, muốn hưởng BHXH một lần rồi sau đó tham gia lại. Do đó, ngành BHXH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu vì họ đa số còn nghe nhiều thông tin trái chiều về chính sách này.
Thực tế hiện nay, NLĐ tham gia thị trường lao động còn trẻ nên muốn nhận BHXH một lần và việc giảm năm đóng BHXH không thể ngăn họ được. Việc này gây xáo trộn lớn trong lực lượng lao động tại DN khi chu kỳ nghỉ sẽ ngắn lại. Ghi nhận ý kiến của NLĐ tại một số khu nhà trọ và DN cho thấy, không ít lao động 45-50 tuổi vì nhiều lý do phải kết thúc quan hệ lao động, không còn làm việc tại DN và tìm việc làm tự do để mưu sinh. Do thu nhập không đảm bảo mức sống và tiền tích lũy không có, việc đầu tiên họ nghĩ đến là đi rút BHXH.
Anh Lê Bá Hợp, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch) cho biết, NLĐ tại công ty vì nhận nhiều thông tin trái chiều về giảm năm BHXH xuống 15 năm nên họ mong muốn nhận một lần. Đây là vấn đề rất lo ngại vì thời điểm này, khi việc làm ít, thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến họ xin nghỉ việc và rút BHXH.
“Công đoàn tăng cường đến các phòng trọ thăm hỏi, động viên công nhân gắn bó cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Song NLĐ vẫn xin nghỉ việc để về quê. Do đó, mong địa phương và Công đoàn cấp trên có chính sách hỗ trợ NLĐ” - anh Hợp chia sẻ.
Thực tế hiện nay, NLĐ vì không có việc làm thường xuyên do DN giảm đơn hàng, thu nhập thấp nên lựa chọn nghỉ việc. Nhiều lao động hiện chỉ làm việc 4 ngày/tuần nên thu nhập chỉ còn gần 4 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập này, khó có thể xoay xở cho sinh hoạt hàng ngày. Chưa kể nhiều lao động nghỉ việc còn quá trẻ nên họ chọn rút BHXH một lần chứ không đợi đến lúc 60 tuổi để hưởng lương hưu. Do đó, các cấp, các ngành, nhất là BHXH cần tuyên truyền nhiều hơn để NLĐ hiểu rõ sự ưu việt của chính sách BHXH và những bất lợi khi về già nếu NLĐ rút BHXH một lần.