Bất cập trong hoạt động đấu giá tài sản

Từ khi Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực thi hành, hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS) trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, phục vụ tốt hơn nhu cầu đấu giá các loại tài sản, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ ĐGTS thực hiện quy trình, thủ tục ĐGTS cho khách hàng. Ảnh: Trường Khanh

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ ĐGTS thực hiện quy trình, thủ tục ĐGTS cho khách hàng. Ảnh: Trường Khanh

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016. Để việc triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành có hiệu quả, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về ĐGTS trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo khác nhằm đưa hoạt động ĐGTS trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp.

Đồng thời, tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung của Luật Đấu giá tài sản đến cán bộ chủ chốt của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức ĐGTS và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Tích cực hướng dẫn các đơn vị có tài sản đấu giá đăng thông tin lựa chọn tổ chức ĐGTS và thông báo ĐGTS trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định.

Hiện, toàn tỉnh có 12 tổ chức ĐGTS đang hoạt động gồm Trung tâm Dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp và 11 công ty, chi nhánh công ty ĐGTS. Phần lớn các tổ chức ĐGTS hoạt động nền nếp và ổn định; đội ngũ đấu giá viên không ngừng nâng lên về số lượng, chất lượng. Cơ sở vật chất của các tổ chức ĐGTS được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Từ năm 2016 đến nay, các tổ chức ĐGTS đã đấu giá thành hơn 400 cuộc, với tổng giá bán tài sản đấu giá trên 5.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là tài sản thi hành án; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước; tài sản bảo đảm; tài sản nhà nước, tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Quá trình đấu giá cơ bản trung thực, khách quan, công khai, minh bạch đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia đấu giá.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động ĐGTS vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS (Sở Tư pháp) cho biết: Hiện, các quy định của pháp luật về ĐGTS còn nhiều "kẽ hở", dẫn đến việc “lách luật” trong quá trình tổ chức, thực hiện hoạt động đấu giá.

Đơn cử, tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản quy định trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ ĐGTS với tổ chức ĐGTS, người có tài sản đấu giá thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức ĐGTS. Song, hiện nay, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành khác lại không quy định cụ thể thời gian thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS.

Do đó, có nhiều trường hợp người có tài sản đấu giá thông báo trong thời gian quá ngắn dẫn đến các tổ chức ĐGTS không có đủ thời gian để chuẩn bị hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá; thậm chí, có một số đơn vị có tài sản đấu giá còn không thực hiện việc đăng công khai lựa chọn tổ chức ĐGTS theo quy định.

Hoặc các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá theo khoản 4, Điều 56 Luật Đấu giá tài sản cũng rất chung chung, mà không có một giới hạn cụ thể, không quy định cách thức thẩm định, đánh giá, dẫn đến sự tùy tiện trong việc đưa ra những tiêu chí để thẩm định, lựa chọn hồ sơ tham gia của các đơn vị có tài sản đấu giá.

Không chỉ vướng mắc trong việc tổ chức, thực hiện đấu giá, việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tài sản liên quan đến thi hành án.

Thời gian qua, đã có không ít trường hợp người mua được tài sản đấu giá phải chịu nhiều rủi ro, dẫn đến tâm lý e ngại khi tham gia ĐGTS liên quan đến thi hành án. Tài sản đấu giá thi hành án được bán nhiều lần không thành, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước.

Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS đã tham mưu cho Sở Tư pháp kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, để hoạt động ĐGTS chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS mong muốn Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS theo khoản 4, Điều 56 Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức ĐGTS, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ĐGTS của các tổ chức, cá nhân.

Thanh Huyền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/71155/bat-cap-trong-hoat-dong-dau-gia-tai-san.html