Bất cập trong quản lý khai thác, đấu giá khoáng sản (Bài 2)
Không chỉ Lâm Đồng mà Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã chỉ ra những bất cập của cơ chế, chính sách trong các công tác đấu giá khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi do sự bất cập, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Do đó, vẫn cần sớm có sự quyết liệt, thay đổi của cơ chế, chính sách theo hướng phù hợp hơn nhằm 'cởi trói' cho hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp.
Bài 2: Cần sớm có giải pháp thỏa đáng
• ĐỊA PHƯƠNG LÚNG TÚNG
Để đấu giá được khoáng sản, việc đầu tiên là cần xác định được đơn giá. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, việc công bố giá và tiến hành đấu giá vẫn chưa thể thực hiện.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành rất nhiều văn bản đôn đốc các địa phương, sở, ngành xây dựng phương án, hoàn thiện hồ sơ thủ tục tổ chức đấu giá khoáng sản tại các dự án nạo vét lòng hồ thủy lợi. Tuy nhiên, cho đến nay, các địa phương vẫn chưa hoàn thành, còn lúng túng, thiếu đồng bộ… vì chưa có tiền lệ.
Ông Nguyễn Đình Tịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Hiện UBND huyện đã tiến hành lập thủ tục theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc kéo dài là do các thủ tục có quy trình khá phức tạp, nhất là khâu thẩm định trữ lượng, chất lượng sản phẩm khi UBND huyện không có chức năng này mà phải gửi đi các nơi và khâu xác định đơn giá cho phù hợp, còn với chất lượng cát cũng chưa rõ ràng.
Hay tại huyện Đức Trọng, ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, qua quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn như các đơn vị nạo vét, tận thu khu vực ngoài lòng hồ cho nên phương tiện để thực hiện kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng còn hạn chế; đồng thời, một số quy định chưa thật sự cụ thể, chi tiết mà huyện chủ yếu vận dụng các quy định theo Luật Đấu giá khoáng sản; trong quá trình thực hiện đấu giá thì phải xác định được chất lượng, khối lượng và đơn giá nên khi triển khai còn gặp khó khăn.
Có thể đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc “chồng chéo” của các quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường giao việc tổ chức đấu giá cho các địa phương mà chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến lúng túng, "mỗi nơi làm mỗi kiểu".
Tại văn bản số 2829/UBND ngày 11/4/2024 về việc ủy quyền phê duyệt giá khởi điểm, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nêu rõ việc Sở Tài chính, Sở Tư pháp đề xuất ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố phê duyệt giá khởi điểm tổ chức bán đấu giá khối lượng khoáng sản thu hồi từ các dự án nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh là không đúng quy định pháp luật. Giao UBND huyện, thành phố tiếp nhận khối lượng, xây dựng và đề xuất phương án, giá khởi điểm để Sở Tài chính phê duyệt, từ đó làm cơ sở triển khai.
Ngày 20/5/2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2024/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa. Trong đó có ghi rõ về quy định quản lý chất nạo vét: Trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được UBND cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Sau khi kết thúc dự án, công trình chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho UBND cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được UBND cấp tỉnh cho phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho UBND cấp tỉnh biết để quản lý theo quy định.
Như vậy theo Nghị định này thì không cần phải tổ chức đấu giá cát, sỏi tận thu theo Luật Khoáng sản.
• DOANH NGHIỆP “HIẾN KẾ”
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc khan hiếm nguồn cung dẫn tới tình trạng khai thác cát lậu, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc từ nơi khác đến Lâm Đồng tiêu thụ diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc khai thác cát trái phép đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng phát hiện và xử lý.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp tập kết, mua bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản không rõ nguồn gốc; giải tỏa các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không phép. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp khai thác cát tận thu, để góp phần dẹp nạn cát lậu, “hạ nhiệt” tình trạng cát tăng giá… thì cần có giải pháp tháo gỡ cho khối lượng cát tận thu đang nằm chờ từ lâu nay.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm sớm tháo gỡ khó khăn. Theo các doanh nghiệp, với hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn tới nay thì chỉ cơ bản tháo gỡ được vấn đề xác định khối lượng, chất lượng khoáng sản tận thu. Còn các quy định về thủ tục đấu giá, căn cứ xác định giá vẫn còn chung chung, mang tính tham khảo, nên chưa thể triển khai được.
Trước tình trạng khó khăn kéo dài, các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi; mong muốn UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho các đơn vị tạm thời đăng ký thu hồi khối lượng khoáng sản từ hoạt động nạo vét trong năm thứ nhất theo giấy phép được cấp. Sau khi doanh nghiệp nạo vét tập trung cát lên bờ, sẽ khai báo số lượng, đăng ký tận thu. Cơ quan quản lý tới hiện trường thẩm định, nếu đúng khối lượng, chất lượng; thì đồng ý cho doanh nghiệp tận thu. Trong khi quy định đấu giá chưa rõ ràng, doanh nghiệp chưa thể tận thu cát; thì giải pháp tạm thời trên giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn tài chính, vừa bảo đảm nguồn cung cát xây dựng ra thị trường, vừa tránh thất thu thuế.
Trong đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp cam kết sau khi được cơ quan thẩm quyền cho phép được tạm thời đăng ký thu hồi khối lượng khoáng sản từ hoạt động nạo vét, sẽ nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính, tuân thủ đầy đủ các quy định. Đến khi có hướng dẫn cụ thể về đấu giá cát tận thu từ hoạt động nạo vét, sẽ nghiêm túc chấp hành theo quy định.
• CẦN SỚM CÓ GIẢI PHÁP
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đẩy nhanh việc triển khai thực hiện hồ sơ thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét thu hồi khoáng sản trong phạm vi lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo đúng phạm vi, ranh giới, nội dung theo giấy phép đã cấp; chấp hành các quy định về an toàn lao động đường thủy và chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan. Mặt khác, yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi biết khoáng sản thu hồi sau nạo vét là tài sản nhà nước, do đó: trong quá trình hoạt động nạo vét, nếu phát hiện khoáng sản thì tập trung bảo vệ và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để hướng dẫn xử lý và tổ chức bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo không sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ chi phí thực hiện công tác nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện (Văn bản 1753/UBND-TL ngày 07/3/2024).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cũng đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện (theo mốc thời gian hoàn thành) và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu (tập kết tại bãi) trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo chỉ đạo của UBND tỉnh; hoàn thành hồ sơ, thủ tục và tổ chức đấu giá khoáng sản đã thu hồi, tập kết tại bãi trước ngày 30/5/2024; kịp thời báo cáo đề xuất những nội dung có liên quan (nếu có). Đồng thời, phân công rõ đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản đã tập kết tại bãi; chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoáng sản tập kết tại bãi trước pháp luật và UBND tỉnh nếu để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, chậm trễ trong tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu trên địa bàn gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, thực tế đến nay, trên địa bàn Lâm Đồng chưa có UBND huyện, thành phố nào thực hiện được, mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo.
Nguồn khoáng sản tận thu này đến khi nào mới đấu giá? Câu hỏi vẫn đang chờ được sớm trả lời của các ngành chức năng sớm giải quyết các vấn đề: Tránh lãng phí nguồn tài nguyên, tác động tiêu cực đến giá thị trường vật liệu xây dựng, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân và sự sống còn của các doanh nghiệp.