Bất cập trong tuyển sinh và đào tạo y khoa: Không quản chặt hệ lụy sẽ rất lớn!

Đào tạo ngành y khoa đang có tình trạng đầu vào thấp, học phí mỗi nơi một kiểu, đầu ra chưa được kiểm soát dẫn đến nhiều lo ngại liên quan đến chất lượng nhân lực ngành y tế nếu để kéo dài tình trạng trên.

Đầu vào thấp, đầu ra cao

Hiện nay, số trường mở ngành đào tạo liên quan đến khối ngành sức khỏe ngày càng nhiều. Trong đó có trường sống nhờ vào nguồn tuyển sinh hệ vừa học vừa làm liên quan đến đào tạo dược, y khoa.

Điều đáng bàn, khi số trường được phép mở đào tạo y khoa ngày càng tăng thì kèm theo đó là những vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo. Tình trạng hạ chuẩn đầu vào để vét đủ chỉ tiêu tuyển sinh là vấn đề nhức nhối.

Đơn cử, câu chuyện của một học sinh tên H. đậu trường chuyên ngành ngành Y khoa (theo phương thức xét tuyển sớm năm 2024 - 2025) của một trường đại học tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đang thu hút sự chú ý của dư luận. Điểm xét tuyển học bạ của em H. là 8.6 với thành tích 3 năm là học sinh giỏi (lớp 10, lớp 11 và lớp 12). Trong khi đó, điểm thi tốt nghiệp của 3 môn xét tuyển đại học của em theo tổ hợp B00 là 19.6. Cụ thể: Toán 7.6; Hóa 7.25; Sinh 4.75. Giáo viên của học sinh H. đã bày tỏ băn khoăn khi điểm thi tốt nghiệp của em này thấp, đặc biệt là môn Sinh học. Với điểm thi tốt nghiệp như vậy, nếu xét tuyển theo phương thức lấy điểm thi tốt nghiệp, em H. sẽ không đạt yêu cầu để theo học ngành sức khỏe vì điểm sàn của Bộ yêu cầu tối thiểu đạt 22,5 điểm mới được theo học ngành y khoa.

 Đào tạo y khoa cần thiết phải được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn: Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đào tạo y khoa cần thiết phải được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn: Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thực trạng nhiều trường đào tạo y khoa tuyển sinh sớm bằng phương thức xét tuyển học bạ ngày càng phổ biến. Sự cạnh tranh đầu vào buộc các trường tư thục tìm mọi cách nhằm hạ chuẩn để vét đủ thí sinh đạt chỉ tiêu đề ra. Vì thế, trường hợp của em H. không phải duy nhất. Nếu kiểm tra một cách công khai, tình trạng điểm học bạ cao nhưng điểm thi thấp sẽ lộ ra rất nhiều.

Trong khi, điểm tuyển sinh đầu vào thấp thì đầu ra đối với các thí sinh theo học ngành y khoa của các trường tư thục lại cao vượt trội so với các trường công nơi có điểm chuẩn đầu vào rất cao. Đơn cử, tại Trường Đại học Duy Tân, sinh viên tốt nghiệp năm học 2023-2024 của khối ngành VI (gồm: Y khoa; Dược học; Điều dưỡng; Răng - Hàm - Mặt) xuất sắc chiếm 5,08%, loại giỏi chiếm 21,95%, loại khá chiếm 62,69%. Trong khi đó, Trường Đại học Y Hà Nội năm học 2023-2024, nhà trường có 489 sinh viên Y đa khoa tốt nghiệp, trong đó có 72 người xếp loại giỏi (chiếm 14,7%), 358 người xếp loại khá (chiếm 73,21%), không có xếp loại xuất sắc.

Đầu vào thấp, đầu ra cao đang khiến nhiều người đặt nghi vấn cho chất lượng thực sự trong đào tạo y khoa hiện nay. Anh Nguyễn Văn Sơn ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, nhân lực ngành Y vô cùng quan trọng, việc siết chặt đào tạo ngành Y rất cần thiết. Cần tránh trường hợp ồ ạt trong tuyển sinh, đào tạo nhưng ra trường chất lượng lại không tương xứng với bằng cấp. “Vấn đề liên quan đến sức khỏe con người nên không thể buông lỏng, không nên cho phép y khoa tuyển sinh bằng học bạ hoặc bất cứ hình thức tuyển sinh sớm nào. Cần thiết phải tuyển sinh bằng thi cử nghiêm túc. Có như vậy mới chọn được những học sinh ưu tú theo đuổi ngành học này” – anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.

Học phí có đi kèm với chất lượng?

Bên cạnh vấn đề tuyển sinh và đào tạo thì câu chuyện học phí cũng đang trở thành chủ đề bàn luận liên quan đến đào tạo y khoa hiện nay.

Đơn cử năm học 2024 – 2025, Trường Đại học Y Thái Bình dự kiến học phí với ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Dược học 41,3 triệu đồng/năm; ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học: 31,2 triệu đồng/năm. Trường Đại học Y Dược Hải Phòng với nhóm sinh viên nhập học trước năm học 2023-2024, các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học thu 3,5 triệu đồng/tháng; các ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền thu 3,2 triệu đồng/tháng; các ngành Điều dưỡng và Kỹ thuật xét nghiệm y học thu 2,7 triệu đồng/tháng. Với nhóm sinh viên nhập học từ năm học 2023-2024, mức học phí tương ứng lần lượt là 4,5 triệu đồng/tháng, 3,9 triệu đồng/tháng và 3,5 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên công bố biểu phí mới hệ đại học chính quy dành cho tân sinh viên năm nay như sau: các khối ngành Y dược (Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt và Y tế dự phòng) là 4,6 triệu đồng/tháng; các khối ngành Sức khỏe (Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Hộ sinh, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng) là 3,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, năm 2024, ngành có học phí cao nhất Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là Răng - Hàm - Mặt lên tới 84,7 triệu đồng/năm học (tăng 7,7 triệu đồng so với năm ngoái). Xếp ngay sau là ngành Y khoa với 82,2 triệu đồng/năm học (tăng 7,72 triệu đồng so với năm ngoái).

Nhiều người thắc mắc, cùng trong hệ thống đào tạo y khoa, cũng là trường công nhưng tại sao mức chênh lệch học phí giữa các trường lên đến gần 50 triệu đồng/năm học. Chị Đỗ Thùy Linh ở quận Hà Đông, Hà Nội thắc mắc: “Nếu học sinh các năm cuối đòi hỏi thực tập nhiều học phí sẽ tăng cao là điều có thể giải thích nhưng với những năm đầu học chủ yếu các môn đại cương, lý thuyết thì chi phí học tập tương đương với các năm cuối là phi lý, ngoài ra mức chênh lệch giữa các trường công là quá lớn, không thể lý giải” – chị Đỗ Thùy Linh phân tích.

Cần siết chặt trong tuyển sinh, đào tạo

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, đào tạo, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết, việc tuyển sinh các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe trong một số năm gần đây ở một số trường đại học ngoài công lập có phần dễ dãi.

Trước đây, khối ngành Sức khỏe chỉ có một số trường truyền thống, có uy tín đào tạo. Việc tuyển sinh cũng rất nghiêm túc. Điểm chuẩn các ngành thuộc nhóm ngành Sức khỏe tại các trường như vậy cũng rất cao. Một thời, khi mà con cái đỗ được vào các trường Y, Dược trở thành một niềm hãnh diện cho cả gia đình. Những em trúng tuyển thực sự có khả năng vượt trội. Tuy nhiên, những năm gần đây, có thêm nhiều trường đại học, kể cả trường tư thục mở các ngành khối ngành sức khỏe nên đầu vào đã hạ chuẩn. “Tôi cho rằng cần có sự rà soát trong khâu tuyển sinh, đào tạo đối với nhóm ngành sức khỏe không nên buông lỏng” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) có quan điểm, cần kiểm soát đầu vào nhóm ngành Sức khỏe và khâu đào tạo vì liên quan đến sức khỏe con người. Chất lượng đầu vào của ngành Y khoa vô cùng quan trọng và cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc có học sinh trúng tuyển ngành Y khoa của một số trường tư thục với hình thức xét học bạ, trong khi đó điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thấp là vấn đề đáng báo động, đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng nguồn nhân lực y tế trong tương lai.

Theo vị này, đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Khi trường tự chủ tuyển sinh với điểm chuẩn thấp, sinh viên liệu có khả năng tiếp thu những kiến thức chuyên ngành phức tạp của ngành Y. Việc đào tạo ra những bác sĩ không đủ năng lực sẽ làm giảm chất lượng nguồn nhân lực y tế, gây khó khăn cho hệ thống y tế trong việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. “Cần siết chặt quy định về tuyển sinh đối với nhóm ngành Sức khỏe. Song song với đó là xây dựng cơ chế giám sát chất lượng” - đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh chia sẻ.

Qua trao đổi với nhiều chuyên gia, có thể thấy đào tạo khối ngành Y khoa liên quan đến sức khỏe con người hiện nay đang khiến dư luận lo lắng. Nếu việc đào tạo bị buông lỏng từ khâu tuyển sinh đến đầu ra là điều thực sự nguy hiểm. Do đó, cần thiết phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý kiểm tra tổng thể vì hậu họa của những bằng cấp không đi theo chất lượng tương ứng chính là tính mạng và sức khỏe của người bệnh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-cap-trong-tuyen-sinh-va-dao-tao-y-khoa-khong-quan-chat-he-luy-se-rat-lon-post306798.html