Bất cập trong xây dựng, quản lý thiết chế văn hóa cơ sở ở Đakrông
Nhà văn hóa xã, thôn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Song bên cạnh kết quả đạt được, nhà văn hóa ở 2 cấp này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong khi có nơi không có nhà văn hóa cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng thì vẫn còn rất nhiều nhà văn hóa xây xong gần như bị bỏ không hoặc rất ít sử dụng, gây lãng phí.
Thôn A Luông, xã A Bung, huyện Đakrông được công nhận là thôn văn hóa từ nhiều năm nay. Đường đi lối lại trong thôn khá sạch sẽ, được thảm bê tông kiên cố, tuy nhiên là thôn văn hóa nhưng lại chẳng có nhà văn hóa.
Tha thiết có được nhà văn hóa để sinh hoạt, hội họp, vào năm 2011, 4 hộ dân thôn A Luông đã quyết định hiến đất để xây nhà văn hóa, tuy nhiên đến nay việc xây dựng nhà văn hóa thôn vẫn chưa được triển khai.
Ông Hồ Văn Đuôn, một trong số những người dân hiến đất làm nhà văn hóa thôn, buồn bã cho biết: “Hơn chục năm trước, chúng tôi đã hiến đất làm nhà văn hóa thôn nhưng đến nay vẫn chưa có nhà văn hóa nên rất khó khăn cho bà con mỗi khi họp hành, sinh hoạt cộng đồng. Trong khi các thôn khác của xã đã có nhà văn hóa. Rất mong nhà nước sớm quan tâm, xây dựng nhà văn hóa cho thôn chúng tôi”.
Thôn A Luông có 62 hộ dân với 236 nhân khẩu. Do không có nhà văn hóa nên các cuộc họp của thôn, đoàn thể khu dân cư phải tổ chức ở nhà trưởng thôn hay người đứng đầu tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, nhà dân thì chật hẹp, không thể chứa đông người, vì vậy mỗi khi có hội họp thì xảy ra tình trạng người ngồi trong nhà, người đứng ngoài sân, gây ảnh hưởng đến việc vận động, tuyên truyền cũng như quán triệt các nội dung quan trọng liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư A Luông Hồ Thị Vang kiến nghị: “A Luông là thôn cuối cùng của xã chưa có nhà văn hóa cộng đồng. Chúng tôi tha thiết mong muốn có nhà văn hóa cộng đồng để bà con đỡ vất vả mỗi khi có việc hội họp hoặc tổ chức các hoạt động của thôn”.
Còn tại xã Mò Ó, huyện Đakrông, nhà văn hóa xã được xây dựng ở thôn Đồng Đờng và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007. Khi mới xây dựng, đây được xem là nhà văn hóa xã lớn ở khu vực này, nhưng trải qua gần 16 năm hoạt động, nhiều hạng mục đã xuống cấp như: mái tôn hư hỏng, sàn gỗ mục nát.
Điều đáng nói là toàn bộ thiết bị, công trình phụ trợ, bàn ghế vẫn còn thiếu. Tình trạng xây dựng được trụ sở nhà văn hóa nhưng các thiết chế bên trong không hề có, đồng nghĩa với việc không thể tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đang xảy ra khá phổ biến ở huyện Đakrông.
Chị Lê Thị Ly, công chức văn hóa xã hội xã Mò Ó cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đến tận các hộ dân tại nhà văn hóa xã. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất nhà văn hóa chưa được đảm bảo nên việc tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn”.
Chủ tịch UBND xã Mò Ó Hồ Văn Do cho biết: “Xã được xây dựng nhà văn hóa nhưng các cơ sở vật chất đi kèm như: hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh và các thiết bị, máy móc cần thiết bên trong chưa có. Ngoài ra, xét theo quy chuẩn của bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay thì diện tích của công trình nhà văn hóa xã Mò Ó chật hẹp, khó đáp ứng được yêu cầu sử dụng”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đakrông còn bảo tồn, lưu giữ các di sản văn hóa vật thể như: cồng chiêng, khèn, trống, thanh la và các làn điệu dân ca truyền thống từ xa xưa. Trong đó, xã A Bung có một đội nghệ nhân 13 người, chủ yếu là các cụ già thường xuyên tham gia vào các hoạt động hội diễn của xã, huyện.
Tuy vậy, các hoạt động văn nghệ quần chúng ở cơ sở cũng như phổ biến và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống này đã gặp khó khăn khi phải biểu diễn trong nhà văn hóa cộng đồng chật hẹp, quy mô nhỏ.
Ông Hồ Đức Hùng, đội phó Đội nghệ nhân cồng chiêng xã A Bung cho biết: “Nét văn hóa độc đáo nhất của người dân tộc Pa Kô là các tiết mục biểu diễn cồng chiêng. Biểu diễn cồng chiêng đòi hỏi phải có không gian rộng vì có đến 7-8 loại nhạc cụ cùng đông đảo nghệ nhân tham gia trong tiết mục. Nhưng hiện nay nhà văn hóa xã, thôn quá chật hẹp nên rất khó để biểu diễn các tiết mục cồng chiêng một cách trọn vẹn, đặc sắc”.
Tại huyện Đakrông, sau khi sáp nhập còn 15 nhà văn hóa dôi dư; toàn huyện có 39 nhà văn hóa chưa đạt chuẩn theo bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 35 thiết chế tại nhà văn hóa cấp thôn chưa đạt…
Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu của Nhân dân về sinh hoạt cộng đồng, hưởng thụ văn hóa, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội vẫn chưa cao. Giai đoạn 2021- 2025, huyện Đakrông đang triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia với nguồn lực tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu về giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, các thiết chế văn hóa, thể thao với kinh phí hơn 68 tỉ đồng.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đakrông Phan Xuân Liệu cho biết: việc quản lý nhà văn hóa cộng đồng thôn trước đây chưa có địa phương nào ban hành văn bản quy định chặt chẽ. Sau khi thống nhất xong, chúng tôi đã hướng dẫn cho xã Tà Rụt ban hành quy chế quản lý nhà văn hóa thôn, từ đó hướng dẫn, nhân rộng ra toàn huyện để quản lý tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà văn hóa cơ sở.
Cùng với đó, từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong năm 2023, huyện đầu tư các thiết chế bên trong cho 24 nhà văn hóa (trị giá các thiết chế 50 triệu đồng/nhà văn hóa). Theo lộ trình, đến năm 2025 các nhà văn hóa thôn trên địa bàn huyện Đakrông cơ bản đạt chuẩn theo quy định.
Những hạn chế, bất cập trong xây dựng, quản lý hoạt động nhà văn hóa cơ sở là một thực tế không chỉ ở huyện Đakrông mà còn ở nhiều địa phương khác.
Vì vậy, cần phải sớm tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để khắc phục nhằm gìn giữ và phát huy hiệu quả các công trình đã xây dựng để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài.