Bất cập trong xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố Đồng Hới
Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công trình hạ tầng chưa theo kịp. Trong đó, đáng chú ý là việc thiếu hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (NTSH) làm ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân.
Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công trình hạ tầng chưa theo kịp. Trong đó, đáng chú ý là việc thiếu hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (NTSH) làm ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt của người dân.
Trước năm 2010, hệ thống xử lý NTSH của thành phố Ðồng Hới được đầu tư xây dựng, tuy nhiên còn chắp vá và chủ yếu cho các tuyến phố chính và một số phường trung tâm. Năm 2014, thành phố Ðồng Hới đưa vào sử dụng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và trạm xử lý nước thải Ðức Ninh thuộc Dự án vệ sinh môi trường thành phố Ðồng Hới do Ngân hàng Thế giới tài trợ, tổng số vốn 78,5 triệu USD, công suất xử lý 10.000 m3/ngày đêm. Qua 5 năm hoạt động, dự án bước đầu giải quyết nhu cầu xử lý NTSH cho nhân dân các phường nội thành. Hiện, giai đoạn 2 của dự án đang được triển khai để mở rộng địa bàn thu gom và xử lý NTSH. Bên cạnh đó, hiện nay, Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án thành phố Ðồng Hới trị giá 58,4 triệu USD đang được thực hiện nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý NTSH tại các khu dân cư trong thành phố vẫn còn bất cập. Ngoại trừ một số phường trung tâm thì nhiều phường, xã trong thành phố không có hệ thống xử lý nên NTSH được thải ra tự do trong khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Lương, ở tổ dân phố 5, phường Bắc Lý cho biết, ông định cư ở đây đã hơn 30 năm. Bắc Lý là phường trung tâm của thành phố Ðồng Hới nhưng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Do không có hệ thống thu gom nên nước thải chảy tự do trên nền đất, nhà này thấm qua nhà khác, từ vườn thấm ra đường, chảy tràn trên mặt đường. Nhận thấy sự bất cập này, khu dân cư phát động mỗi nhà tự đào một hố để chứa nước thải. Nhưng do chỉ chứa mà không xử lý nên lâu ngày càng có nguy cơ ô nhiễm, mầm mống gây bệnh cho gia đình.
Theo Chủ tịch UBND phường Ðức Ninh Ðông Bùi Xuân Thường, nhiều tổ dân phố đông đúc dân cư trong phường chưa có công trình thu gom NTSH nên người dân phải đổ nước thải hằng ngày ra môi trường. Vì thế môi trường sống có nguy cơ ô nhiễm, cảnh quan đô thị bị ảnh hưởng lớn. Phường đã nhiều lần xử lý kiện tụng giữa các hộ dân do ảnh hưởng của nước thải xả tự do. Chủ tịch UBND xã Ðức Ninh Ðặng Thị Hùng Vương cho biết, mặc dù trạm xử lý nước thải thuộc Dự án vệ sinh môi trường Ðồng Hới nằm trên địa bàn, nhưng Ðức Ninh không có bất kỳ một hệ thống cống R3 thu gom nước thải nào. Khi không có hệ thống cống R3, người dân chỉ biết thải ra vườn, đất trống và ao hồ.
Không chỉ ở nơi định cư đã lâu mà ngay tại các khu dân cư mới được đầu tư xây dựng hạ tầng khá hoàn chỉnh vẫn không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Chị Nguyễn Thị Hương ở khu dân cư chợ Ðức Ninh chia sẻ, khi mua đất, đại diện chính quyền thành phố nói sẽ xây dựng cống R3 để thoát nước thải. Nhưng chị và nhiều người khác làm nhà đã ba năm nay, cống chẳng thấy đâu, người dân phải xả thải ra môi trường.
Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Ðồng Hới Trần Quốc Tăng thừa nhận, thực trạng hệ thống xử lý NTSH trên địa bàn thành phố khá nan giải, địa phương nào cũng thiếu, bất cập, chính quyền các phường, xã và người dân nhiều lần phản ánh, kiến nghị. Phòng Quản lý đô thị đang rà soát lại hiện trạng hệ thống thu gom NTSH trong phạm vi toàn thành phố, trên cơ sở đó để tham mưu cho UBND thành phố sớm có giải pháp tháo gỡ.
Ðiều làm nhiều người dân thành phố Ðồng Hới thắc mắc, hoài nghi là dù chưa có hệ thống thu gom, xử lý NTSH nhưng họ vẫn phải đóng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với NTSH. Ông Nguyễn Văn Lương ở Bắc Lý cho biết, khu vực ông ở không có hệ thống cống thải R3 nhưng hằng tháng gia đình vẫn phải đóng phí BVMT đối với NTSH tính theo tỷ lệ sử dụng nước sạch và được tính vào hóa đơn tiền nước với mức thu bình quân 10% tổng số tiền sử dụng nước sạch. Tức là nếu sử dụng nước sạch nhiều thì phí đối với NTSH càng cao. "Không có công trình xử lý NTSH nhưng vẫn buộc người dân đóng phí BVMT đối với NTSH thì vô lý quá", ông Lương bức xúc.
Cũng như ông Lương, chị Nguyễn Thị Hương ở xã Ðức Ninh mỗi lần thanh toán tiền nước phải trả thêm một khoản phí BVMT đối với NTSH với số tiền không nhỏ được tính sẵn trong hóa đơn tiền nước. Chị cho rằng, như vậy là chưa hợp lý bởi khu dân cư mình sinh sống chưa xây dựng hệ thống R3 và gia đình cũng không được hưởng lợi từ Dự án vệ sinh môi trường thành phố Ðồng Hới.
Giám đốc Công ty cổ phần môi trường và phát triển đô thị Quảng Bình Trần Thanh Chương cho biết, việc thu phí BVMT đối với NTSH đã được quy định rõ tại Nghị định 154/2016/NÐ-CP ngày 16-11-2016 của Chính phủ. Theo đó, tất cả các khu dân cư tập trung có sử dụng nước sạch thì bắt buộc phải đóng phí BVMT đối với NTSH, mức đóng 10%. Như vậy, việc thu phí BVMT đối với NTSH thông qua hóa đơn thu tiền nước là tuân thủ các quy định hiện hành bất kể nơi đó có hoặc chưa có công trình xử lý NTSH.
Ðáng nói là ở chỗ, người dân chưa được giải thích rõ việc đóng phí này dẫn đến thắc mắc, thậm chí bức xúc.