Bất cập tuyến TP.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều xe khách bỏ bến 'chạy dù'
Nhiều nhà xe tuyến cố định từ Bến xe Miền Đông đi Bà Rịa - Vũng Tàu đang bỏ bến 'chạy dù', trong khi số khác khi chở khách từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên TP.HCM đậu dọc đường, đón trả khách, gây ra tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận chuyển khách.
Biến đường thành... bến xe
Nhiều tháng nay, nhiều xe khách tuyến cố định từ TP.HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại bỏ bến "chạy dù". Đây là số xe được quy hoạch chuyển sang Bến xe Miền Đông mới, trên địa bàn Quận 9 cũ, giáp ranh tỉnh Bình Dương.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí GTVT, tại tuyến đường Kha Vạn Cân (bên cạnh khu vực đường ray), phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, hàng loạt nhà xe chạy tuyến cố định đi Bà Rịa – Vũng Tàu đậu đỗ. Có mặt tại tuyến đường này vào thời điểm từ 10h sáng đến13h trưa, các xe đậu kín đường. Nhiều nhà xe thuê văn phòng làm nơi vận chuyển hàng hóa và đón khách. Một số nhà xe khác đậu và đợi đón khách để di chuyển về các huyện như Bà Tô, Châu Đức, Bà Rịa, Long Điền.
Từ 13h, sau khi đón khách lên xe, các xe này xuất phát theo đường Kha Vạn Cân ra Quốc lộ 13, sau đó di chuyển ra Quốc lộ 1A và đi theo lộ trình như tuyến cũ (từ Bến xe Miền Đông cũ). Một vài xe khác có lộ trình di chuyển ra đường Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 1A. Các xe đều không vào Bến xe Miền Đông mới như lộ trình.
Cụ thể: tại tuyến đường Kha Vạn Cân có hai văn phòng của nhà xe Hai Trâm và Phương Sa cạnh một kho hàng đều được dùng làm nơi đón, trả khách. Cạnh đó là điểm đón khách của các nhà xe như Ngọc Bích, Tuấn Hiền. Phóng viên cũng ghi nhận các xe khách của nhà xe Thuận Quang BKS 72F-000.40, xe khách Trọng Liên BKS 72B-023.66, xe khách Hai Trâm BKS 51B.172.49... đều đón khách và di chuyển thẳng về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thông tin từ Bến xe Miền Đông mới, có đến 31 đơn vị có tuyến đường về các huyện, xã thuộc khu vực TP. Bà Rịa không hoạt động tại bến kể từ khi di chuyển giai đoạn 2. Trong đó, nhà xe Hai Trâm với các tuyến về Xuyên Mộc - Bàu Lâm, Xuyên Mộc - Bình Châu, Xuyên Mộc - Bưng Kè đều không hoạt động. Tại bến mới này chỉ có 10 tuyến đường được các đơn vị vận tải đăng ký hoạt động về các điểm như Vũng Tàu, Long Điền, Bà Rịa...
Trao đổi với phóng viên, một tài xế của nhà xe chạy tuyến Châu Đức chia sẻ, từ thực hiện chủ trương di chuyển các tuyến ra Bến xe Miền Đông mới đợt 2, tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu cũng được đưa theo. Tuy nhiên, khác với các tỉnh Miền Trung thì Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ cách TP.HCM từ 80 đến hơn 100km, việc người dân di chuyển ra Bến xe Miền Đông mới rất xa, đội chi phí. Do đó, đa số hành khách không đồng ý đi xe nếu điểm đón là ở bến mới.
"Khi có chủ trương di dời bến, các nhà xe đều chấp hành nghiêm chỉnh. Tuy nhiên sau khi hành khách bỏ đặt chỗ và chọn các xe khác từ sân bay hoặc nội đô để di chuyển thì bắt buộc các nhà xe phải vào nội đô đón khách", tài xế này nói.
Tại thời điểm ghi nhận, phóng viên thấy được sự vất vả của người dân khi phải đợi xe ở các quán nước ven đường. Một vài hành khách khác khi đến bến cũ, có đội ngũ xe ôm chở ra điểm đón trên đường Kha Vạn Cân. Từng nhà xe sẽ có các "mối" xe ôm quen để đưa đón. Tuy nhiên, nhiều người dân chấp nhận việc phải đợi khách và xe khởi hành không đúng giờ, họ cho rằng việc di chuyển ra bến xe mới còn vất vả hơn.
Vì sao đưa tuyến Bà Rịa - Vũng Tàu ra Bến xe Miền Đông mới?
Ông Tạ Chương Chín, Giám đốc Bến xe Miền Đông (cũ) cho biết, sau khi di dời giai đoạn 2, bến chỉ phục vụ các tuyến khu vực Tây Nguyên và các tuyến đi theo lộ trình trên Quốc lộ 13, Quốc lộ 14. Trong tháng 3/2023, bình quân có 280-300 lượt xe rời bến trong một ngày. Sản lượng này đạt khoảng 30% so với trước khi di dời.
Đối với việc đưa tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Chín cho biết, các tuyến này đều nằm trong phương án và kế hoạch đã được Sở GTVT chấp thuận theo lộ trình. Hiện nay tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu không nằm trong danh sách các tuyến còn hoạt động. Bến xe cũng đã bố trí xe trung chuyển hoạt động liên tục trong ngày để phục vụ người dân. Các xe trung chuyển đã được cấp phù hiệu và do đơn vị tự điều phối.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm tháng 10/2022, trước khi việc di dời tuyến được thực hiện có đến 540 tuyến và lộ trình tuyến từ Bến xe Miền Đông đi các huyện, thành phố của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó có 364 chuyến đăng ký mã bến về bến xe Vũng Tàu, 62 chuyến về Long Điền – Long Hải, 25 chuyến về Xuyên Mộc – Bình Châu – Bưng Kè. Đồng thời là các chuyến đi về các xã, trị trấn của huyện Châu Đức… Thế nhưng trên thực tế hiện nay, số chuyến hoạt động từ Bến xe Miền Đông mới chỉ chiếm một con số rất nhỏ.
"Vì sao cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của TP.HCM lại di chuyển tuyến TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu và gộp chung với lộ trình di dời với các tuyến Miền Bắc – Miền Trung có chiều dài mỗi tuyến gấp nhiều lần so với tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu", đại diện một nhà xe đặt câu hỏi.
Trước việc nhiều doanh nghiệp cho rằng cần đưa các tuyến có lộ trình dưới 300km về lại Bến xe Miền Đông cũ, lãnh đạo bến xe này khẳng định thông tin trên là không đúng. Hiện bến xe chưa nghe thông báo chính thức hoặc phướng án nào được đưa ra từ lãnh đạo Sở GTVT hay Tổng công ty Samco.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Vũ Thanh Hùng, Giám đốc Hợp tác xã DV Vận tải TP. Bà Rịa cho biết: Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Đông Nam Bộ, là tỉnh tiếp giáp với TP.HCM, vì vậy nhu cầu đi lại vào trung tâm thành phố rất lớn (học tập, khám chữa bệnh, kinh doanh, đầu tư, du lịch …). Trong khi đó, Bến xe Miền Đông mới lại chưa hội đủ các điều kiện như cự ly xa, dịch vụ phục vụ khách trung chuyển, thời gian đi lại… nên lượng khách đi tuyến Bến xe Miền Đông mới sụt giảm nhiều.
Tình trạng này dẫn đến hầu hết các đơn vị vận tải hoạt động trên tuyến Vũng Tàu - Miền Đông, Bà Rịa – Miền Đông, Long Điền – Miền Đông, Xuyên Mộc – Miền Đông, Châu Đức – Miền Đông) đều phải giảm khoảng 30% tần suất chạy xe, thậm chí có những đơn vị đã không còn khai thác tuyến này.
Điều đáng nói là hiện Bến xe Miền Đông cũ vẫn hoạt động cho một số tuyến, do đó khi khách từ các tỉnh Tây Nguyên xuống bến cũ và có nhu cầu đi tiếp về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì không có tuyến. Đặc biệt những hành khách từ các khu vực lân cận trung tâm khi có nhu cầu đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại thì chưa có các dịch vụ phục vụ khách phù hợp.
Từ những nguyên nhân trên, nhiều nhà xe chấp nhận bỏ bến "chạy dù" để phục vụ khách, nhất là khách quen. Các hình thức vận chuyển khách "trá hình" cũng có cơ hội phát triển (xe hợp đồng trá hình, xe trung chuyển trá hình) gây rối loạn trật tự vận tải, tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao.
Tình trạng này diễn ra, vô hình chung cũng khiến doanh thu các bến xe khách, đơn vị vận tải có bến đi, bến đến từ Bến xe Miền Đông mới đi các bến xe trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều sụt giảm. Đặc biệt là hành khách mất đi cơ hội được phục vụ tốt hơn, chi phí cho chuyến đi cao, thời gian di chuyển kéo dài.
"Nhiều nhà xe trên địa bàn đã có kiến nghị với Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho các tuyến xe khách cố định từ địa bàn tỉnh phục hồi lại tuyến về Bến xe Miền Đông cũ", đại diện một nhà xe cho hay.
Một cán bộ phòng Quản lý vận tải của Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết, tại cuộc họp với doanh nghiệp vận tải, lãnh đạo các hợp tác xã đều có phản ánh và kiến nghị được hoạt động tại Bến xe Miền Đông cũ. "Khi các đơn vị này có đơn kiến nghị gửi lên, Sở sẽ xem xét và gửi văn bản đến Sở GTVT TP.HCM để cùng nhau đánh giá về các bất cập mà các doanh nghiệp đang kiến nghị", vị cán bộ thông tin.