Bất chấp Hội đồng Bảo an bác bỏ, Mỹ quyết theo đuổi trừng phạt Iran
Mỹ cáo buộc Hội đồng Bảo an 'đứng về phía khủng bố' sau khi cơ quan của Liên Hợp Quốc này bác bỏ động thái kích hoạt lệnh trừng phạt Iran của Washington.
Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 25/8 bác bỏ động thái kích hoạt điều khoản "chuyền lùi" nhằm áp các lệnh trừng phạt lên Iran của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft sau đó đã cáo buộc cơ quan này "đứng về phía khủng bố".
Dian Triansyah Djani, Đại sứ Indonesia giữ vai trò chủ tịch luân phiên trong tháng 8 cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ không đáp ứng yêu cầu của Mỹ sau khi ghi nhận sự phản đối từ Nga, Trung Quốc và các thành viên khác.
"Sau khi trao đổi và nhận được thư từ các nước thành viên, một điều rõ ràng với tôi là có một thành viên có lập trường cụ thể trong vấn đề này trong khi nhiều thành viên khác có các quan điểm trái ngược nhau".
Tuần trước, Mỹ đã kích hoạt cơ chế "chuyền lùi", theo đó khôi phục tất cả lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vốn sắp hết hạn theo thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015. Động thái này diễn ra sau khi nỗ lực gia hạn lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ lên Iran thất bại tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc do các đồng minh của Washington đều bỏ phiếu trắng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, bên cạnh lệnh cấm vận, điều khoản chuyền lùi cũng sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với hoạt động thử tên lửa đạn đạo và các hoạt động hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ông Pompeo cho rằng, các mối đe dọa từ Iran đã bị các "tác giả" của thỏa thuận Iran dười thời Tổng thống Obama "hạ thấp một cách ngu ngốc".
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, song các quan chức Mỹ khẳng định họ vẫn có các quyền lợi của một bên tham gia theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, vốn cho phép các thành viên tham gia kích hoạt quá trình "chuyền lùi" nếu Iran không tuân thủ thỏa thuận.
Đây là quan điểm gây tranh cãi sâu sắc bởi nhiều nước trong Hội đồng Bảo an cho rằng Mỹ không có các quyền lợi trên kể từ khi nước này rời thỏa thuận.
Đại sứ Pháp hôm 25/8 đã nhắc lại một tuyên bố mà Pháp, Đức và Anh đưa ra rằng, kể từ khi Mỹ không còn là một bên tham gia thỏa thuận, nhóm này "không coi các thông báo của Mỹ có hiệu lực" và "không có tác động hợp pháp".
“Chúng tôi đã ghi nhận các quan điểm thống nhất được thể hiện rõ ràng của 13 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng Hội đồng Bảo an sẽ không thực hiện thêm bất kỳ động thái nào”.