Bất chấp nỗ lực kéo dài nhiều năm, Indonesia vẫn chưa mời được Tesla đầu tư sản xuất xe điện

Các quan chức Indonesia đã cố gắng lôi kéo công ty của tỉ phú Elon Musk từ năm 2020 bằng các ưu đãi thuế và niken.

Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Khi Indonesia tiếp tục nỗ lực kéo dài nhiều năm để lôi kéo các khoản đầu tư từ tỉ phú công nghệ Elon Musk, các chuyên gia cho rằng trữ lượng niken khổng lồ của quốc gia này có thể không thực sự hấp dẫn đến vậy, trong khi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Indonesia cho thấy Jakarta “không hoàn toàn nghiêm túc” về kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo của mình.

Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia, tháng trước cho biết ông dự định nói chuyện với người đàn ông giàu nhất thế giới trong chuyến thăm California vào ngày 2 tháng 8, trong nỗ lực thứ 10 một để đạt được thỏa thuận khi nước này tìm cách trở thành một trung tâm sản xuất xe điện.

Mặc dù Jakarta không xác nhận liệu Bộ trưởng Luhut có gặp Musk hay không, nhưng Bộ trưởng Y tế Budi Sadikin đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 4 tháng 8 với doanh nhân để thảo luận về việc hợp tác với mạng vệ tinh của vị tỉ phú này, Starlink, để cung cấp truy cập internet chi phí thấp cho các trung tâm y tế từ xa. “Với khả năng truy cập internet, việc tư vấn dịch vụ y tế có thể được thực hiện trực tuyến”, ông Budi cho biết hôm Chủ nhật.

Được biết, chỉ cách đây không lâu tỉ phú Elon Musk đã quyết định đặt trụ sở Tesla Đông Nam Á ngay tại đất nước láng giềng Malaysia. Mới đây vào ngày 20 tháng 7, quốc gia này đã chính thức phát hành các mẫu xe Model Y và Model 3, có giá từ 199.000 ringgit (43.600 USD).

Nhiều ấn phẩm tại Indonesia không mấy lạc quan về thương vụ của quốc gia này với Elon Musk, nói rằng Jakarta đã bị "hắt hủi", trong khi The Jakarta Post cho biết cơ hội trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Indonesia đang dần đóng lại.

“Đi khắp thế giới để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng là một nỗ lực đáng ghi nhận, song lời đề nghị của Indonesia vẫn chưa đủ hấp dẫn. Chúng tôi có nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, thị trường tiêu dùng đang phát triển, các ưu đãi mua xe điện và trữ lượng niken lớn nhất thế giới”, tờ báo cho biết trong một bài xã luận vào ngày 3 tháng 8. “Liệu các công ty toàn cầu có nên tranh nhau đầu tư vào đây không?”.

Các quan chức dưới quyền của Bộ trưởng Luhut đã dành cả tuần qua để trấn an công chúng rằng trụ sở khu vực mới của Tesla ở Selangor không phải là dấu hiệu cho thấy Indonesia đang bị ông Musk bỏ qua.

“Khoản đầu tư của Tesla tại Malaysia không phải [dưới hình thức] một nhà máy sản xuất xe điện, mà là để bán và phân phối, vì vậy chúng tôi không quá lo lắng về điều đó”, Septian Hario Seto, phó phụ trách điều phối đầu tư và khai thác tại Bộ, cho biết vào ngày 25 tháng. “Những gì chúng tôi đang nhắm đến là các nhà máy EV. Đối với Malaysia, họ chỉ đầu tư vào mạng lưới phân phối và thu phí”.

Các quan chức Indonesia cũng đã đưa ra một số tuyên bố không có căn cứ để chứng minh những nỗ lực của họ không phải là không có kết quả. Tháng 8 năm ngoái, ông Luhut tuyên bố Tesla đã đồng ý mua lượng niken tại Indonesia trị giá 5 tỉ USD được sản xuất bởi Zhejiang Huayou Cobalt và CNGR Advanced Material của Trung Quốc. Tuy nhiên, Tesla chưa bao giờ bình luận về tuyên bố này.

Vào tháng 2, Tổng thống Indonesia - Joko Widodo cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuters rằng ông “tin tưởng” Tesla sẽ sớm đầu tư, vì quốc gia này có trữ lượng niken lớn nhất thế giới lên tới 21 triệu tấn. Theo đó, Niken là vật liệu quan trọng trong quá trình sản xuất pin EV.

“Tôi đã nói với Musk rằng nếu ông đầu tư vào Indonesia, tôi sẽ nhượng bộ cho Tesla khai thác niken”, Tổng thống Widodo chia sẻ. Dẫu vậy, Tesla vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào cho đến nay.

Andry Satrio Nugroho, nhà nghiên cứu về công nghiệp, thương mại và đầu tư tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính ở Jakarta, cho biết niken không phải là một lời đề nghị hấp dẫn đối với Tesla.

Ông nói: “Tesla không sử dụng pin dựa trên niken nữa, vì vậy sẽ rất khó để Indonesia thuyết phục Tesla thiết lập một cơ sở sản xuất pin EV tại đây. Một trong những điều khiến Musk chuyển sang sử dụng pin [lithium iron phosphate] là lệnh cấm xuất khẩu quặng niken của Indonesia, khiến giá niken tăng lên”.

Được biết, pin LFP không chứa niken hoặc coban, đồng thời dễ chế tạo và giá rẻ hơn, mặc dù chúng chứa ít mật độ năng lượng hơn so với pin dựa trên niken.

Tuy nhiên, Nugroho cho biết cuộc cạnh tranh với Malaysia không phải là không có kết quả. Ông cho biết vẫn còn chỗ cho các khoản đầu tư của Musk tại Indonesia, cụ thể là cho công ty hàng không vũ trụ SpaceX và công ty con Starlink của vị tỉ phủ này, cung cấp internet vệ tinh tốc độ cao cho các vùng hẻo lánh.

“Indonesia đã sử dụng các dịch vụ của SpaceX để phóng vệ tinh của mình. Tổng thống Widodo cũng đã thừa nhận rằng đất nước cần Starlink cho các vùng sâu xa, đó sẽ là một giải pháp đôi bên cùng có lợi cho Indonesia và Starlink”, Nugroho nói thêm.

Ngoài việc bán ô tô, Tesla cũng đang thành lập trụ sở chính, trung tâm dịch vụ và trung tâm trải nghiệm tại Selangor của Malaysia, đồng thời sẽ đầu tư “đáng kể” vào mạng lưới các trạm sạc nhanh và sạc thường trên cả nước.

Thủ tướng Malaysia - Anwar Ibrahim cho biết ông Musk đang quan tâm đến việc triển khai dịch vụ vệ tinh Starlink tại đây.

Thủ tướng Anwar cho biết “sự ổn định chính trị” đã đưa Tesla đến với quốc gia 33,9 triệu dân này. “Khi chính phủ đoàn kết ra đời, thì có sự ổn định chính trị… Khi môi trường chính trị ổn định, người dân chắc chắn sẽ ủng hộ”, Thủ tướng nói trong một bài phát biểu vào ngày 28 tháng 7.

Theo ông Anwar, chính Musk là người đã liên hệ với ông để mời gặp mặt, sau khi yêu cầu trước đó của một cựu bộ trưởng không thành.

“Elon Musk là người giàu nhất thế giới. Nhưng khi chúng tôi đã ổn định, tôi không yêu cầu nói chuyện với ông ấy nữa; Musk đã yêu cầu được nói chuyện với tôi", Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho hay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự ổn định chính trị không phải là động lực duy nhất cho các khoản đầu tư của Tesla. Trước cuộc bầu cử ở Malaysia diễn ra vào tháng 11 năm ngoái, quốc gia này có tới ba thủ tướng trong ba năm. Để so sánh, Widodo đã cai trị Indonesia từ năm 2014, với liên minh của ông chiếm hơn 81% số ghế trong quốc hội.

Tuy nhiên, Indonesia luôn bị đánh giá kém về khía cạnh quản trị xã hội môi trường (ESG), một bộ tiêu chuẩn được một công ty sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư tiềm năng, Nugroho của Indef cho biết.

“Vẫn còn nhiều vấn đề tại Indonesia, đặc biệt là các khía cạnh ESG trong lĩnh vực khai thác niken. Từ đó, có thể Tesla đã rút lại ý định xây dựng [một cơ sở sản xuất] tại đây”, Nugroho nói.

Trong những năm gần đây, đã có những báo cáo mô tả chi tiết các điều kiện khắc nghiệt mà công nhân tại trung tâm khai thác niken Sulawesi của Indonesia phải chịu đựng, nơi nhiều công ty Trung Quốc đã thành lập cơ sở, cũng như những thiệt hại về môi trường do hoạt động của các nhà máy luyện kim phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch gây ra.

Daymas Arangga, giám đốc điều hành của Energy Watch có trụ sở tại Jakarta, cho biết Jakarta “không hoàn toàn tập trung và nghiêm túc” trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, vì nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 60% nguồn cung năng lượng của Indonesia. Ông nói, việc thiếu năng lượng xanh có thể làm giảm sự thèm muốn của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà sản xuất EV, để thành lập trụ sở tại đây.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/bat-chap-no-luc-keo-dai-nhieu-nam-indonesia-van-chua-moi-duoc-tesla-dau-tu-san-xuat-xe-dien-post169041.html