Bất chấp sự ngăn cấm của chính phủ, Trung Quốc vẫn nằm trong top thị trường tiền mã hóa
VietTimes - Bất chấp các hạn chế từ chính phủ về giao dịch tiền mã hóa, các tổ chức và cá nhân Trung Quốc vẫn giao dịch hơn 220 tỉ USD chỉ trong 1 năm, theo báo cáo.
Theo một báo cáo mới, Trung Quốc đại lục vẫn là thị trường tiền mã hóa lớn nhất Đông Á về doanh số giao dịch và xếp thứ tư trên toàn thế giới, bất chấp việc Bắc Kinh liên tục đưa ra các chính sách nhằm ngăn cấm hoạt động kinh doanh và khai thác tài sản kỹ thuật số tại quốc gia tỉ dân này.
Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu Blockchain của Mỹ, Chainalysis, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 220 tỉ USD trong tổng số giao dịch từ tháng 6 năm 2021 đến tháng 7 năm 2022, vượt qua cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong cùng thời kỳ.
Zennon Kapron, người sáng lập công ty tư vấn fintech Kapronasia, cho biết: “Các thương nhân Trung Quốc từ lâu đã sử dụng VPN để vượt qua tường lửa Great Firewall. Một số hoạt động khai thác Bitcoin ngầm chắc chắn vẫn được tiệp tục, mặc dù quy mô nhỏ hơn trước đây”.
Được biết, Trung Quốc bắt đầu cấm khai thác tiền mã hóa kể từ tháng 5 năm 2021, nhưng những hành động này đã khiến nhiều người quyết định thực hiện các khai thác, giao dịch ngầm.
Tuy nhiên, tổng giao dịch tại Trung Quốc đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, kéo tăng trưởng giao dịch hàng năm tổng thể của Đông Á xuống 4% - mức chậm nhất trên toàn thế giới.
Báo cáo cho biết: “Lý do lớn nhất cho điều này có thể là sự suy giảm hoạt động tiền mã hóa ở Trung Quốc".
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - ngân hàng trung ương của đất nước, vào tháng 9 đã tuyên bố thành công trong việc kiềm chế các giao dịch tiền mã hóa như một phần của nỗ lực duy trì sự ổn định tài chính. Bắc Kinh coi tiền mã hóa như bitcoin là mối đe dọa đối với an ninh tài chính và khả năng kiểm soát vốn.
Tuy nhiên, dữ liệu giao dịch tiền mã hóa mới nhất ở Trung Quốc cho thấy có thể các lệnh cấm của Bắc Kinh đối với tất cả các giao dịch đã không thực sự hiệu quả.
Số liệu Chỉ số chấp nhận tiền số toàn cầu năm 2022 công bố tháng 9 của Chainalysis cũng thể hiện Trung Quốc đứng thứ 10 về các hoạt động tiền mã hóa, tăng từ vị trí thứ 13 năm ngoái, nhưng giảm so với vị trí thứ 4 năm 2020.
Yip Ki-nang, quản lý tại công ty tư vấn blockchain QuantBlock tại Hong Kong, cho rằng những người chuyên giao dịch tiền mã hóa tại Trung Quốc đã tìm cách lách luật thông qua các hoạt động trên metaverse và NFT. Những người này sẽ giao dịch vật phẩm trong vũ trụ ảo hoặc NFT thay vì token như Bitcoin, Ethereum để vượt lệnh cấm.
Vào tháng 5, theo dữ liệu của Đại học Cambridge, Trung Quốc cũng bất ngờ "tái xuất" trở thành một trong những trung tâm khai thác Bitcoin lớn thứ hai trên toàn cầu. Khi đó, số liệu cho thấy nước này này chiếm 20% tổng tỷ lệ sức mạnh tính toán (hashrate) của của Bitcoin, dù trước đó đã về 0%.
CoinDesk đánh giá, chỉ số hashrate phục hồi cho thấy nhiều thợ đào Bitcoin ở nước này vẫn lén khai thác tiền mã hóa. Nhưng thay vì công khai như trước, họ tìm cách lách luật bằng cách ẩn địa chỉ IP trên các máy chủ proxy, sử dụng điện lưới riêng, thậm chí xây dựng mỏ đào dưới lòng đất ở những vùng hẻo lánh để tránh bị phát hiện.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa từ bỏ các nỗ lực nhằm loại bỏ việc đầu cơ tiền mã hóa trong nước.
Cơ quan quản lý Internet, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc vào tháng 8 đã ra lệnh cho các nền tảng truyền thông xã hội ở Đại lục chấm dứt 12.000 tài khoản liên quan đến tiền mã hóa.
Sự suy thoái của thị trường tiền mã hóa toàn cầu đã đưa ra cảnh báo mới ở Trung Quốc rằng giá trị của Bitcoin có thể giảm hơn nữa. Một bài báo được xuất bản vào tháng 6 bởi Nhật báo Kinh tế, một tờ báo trực thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết các nhà đầu tư nên đề phòng nguy cơ giá Bitcoin “quay về thời kì đồ đá."
Giá Bitcoin, tiền mã hóa lớn nhất thế giới về khối lượng giao dịch, đã giảm xuống dưới 20.000 USD sau khi đạt mức cao nhất gần 69.000 USD vào tháng 11 năm ngoái.