Bất chấp suy thoái, thị trường F&B năm 2023 có nhiều điểm khởi sắc
Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng.
Mới đây, iPOS.vn công bố Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023 với những điểm khởi sắc.
Bất chấp suy thoái, thị trường F&B năm 2023 nhiều điểm khởi sắc
Theo báo cáo đề cập, nền kinh tế tại Việt Nam năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, thị trường F&B vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 11,6% (chỉ đạt hơn một nửa so với năm 2022 với khoảng 19,7%).
Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2023, Việt Nam ghi nhận bình quân cả năm 2023 lạm phát ở mức 3,25%. Nếu tính cả lạm phát, mức tăng trưởng doanh thu thực tế chỉ đạt khoảng 8,35%. Đây lại được coi là tín hiệu tích cực, khi người Việt vẫn sẵn sàng chi tiêu cho dịch vụ F&B.
Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành F&B đã ghi nhận mức tăng trưởng 11,47%, đạt tổng hơn 590.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2023, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam phục hồi nhanh chóng. Theo đó, doanh thu năm 2023 hồi phục sát mốc trước dịch Covid-19, với 538.500 tỷ đồng, tăng 10,87% so với năm 2022.
Bên cạnh những thay đổi trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng, thị trường F&B năm nay còn chịu ảnh hưởng lớn từ các xu hướng ẩm thực đường phố, như: trà mãng cầu, cà phê muối, trà chanh giã tay, trà sữa đất nung,.... đóng góp một phần đáng kể vào sự gia tăng doanh thu thị trường này.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, trong gần 3.000 đơn vị tham gia nghiên cứu, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B cho biết tình hình kinh doanh đang có xu hướng tốt lên và có đủ nguồn lực để phát triển trong tương lai gần. Hơn thế nữa, 51,7% các cửa hàng ăn uống trong số này có dự định mở rộng quy mô.
Dựa trên kết quả nghiên cứu gần 4.000 thực khách, Báo cáo chỉ ra chi tiêu của người dân có sự tăng trưởng nhẹ.
Đáng chú ý, hơn 68% doanh thu ngành F&B đến từ khối nhà hàng dịch vụ đầy đủ. Người tiêu dùng cũng mạnh tay chi tiêu hơn cho các dịch vụ ăn uống, không chỉ hẳn là dịp đặc biệt, tương ứng cơ cấu doanh thu cho khối kinh doanh đồ uống chiếm 16,52%.
Doanh thu từ nhà hàng dịch vụ giới hạn và ẩm thực đường phố chỉ chiếm 15,33%.
Đối với tiêu dùng ăn ngoài, mức chi cho tiêu dùng của người Việt gia tăng từ 5-10%. Thậm chí, có tới 14,9% thực khách sẵn sàng chi tiêu bữa tối hàng ngày với mức trên 100.000 đồng, cao gấp 3,5 lần so với năm 2022.
Đồng thời, mức tiêu dùng cho việc đi cafe của người Việt cũng tăng nhẹ, với 59,5% thực khách sẵn sàng chi tiêu trên 41.000 đồng cho hoạt động này.
Ngành F&B năm 2024 - Tiếp đà tăng trưởng với nhiều xu hướng mới
Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF), Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng phát triển kinh tế vượt trội trong 5 năm tới. Các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất nhập khẩu được thu đẩy mạnh mẽ là động lực để nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành F&B nói riêng thêm đà tăng trưởng.
Năm 2024, giá trị thị trường ngành F&B tại Việt Nam dự kiến tăng 10,92% so với năm 2023 và đạt mốc hơn 655.000 tỷ đồng. Dự báo từ nay đến năm 2027, cơ cấu doanh thu không có nhiều sự thay đổi khi cửa hàng F&B độc lập vẫn áp đảo với 93,9% thị phần.
Năm 2024 sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình đồ uống quy mô vừa và nhỏ. Sự tăng trưởng này sẽ theo sát xu thế tiện và lợi. Các cửa hàng này được mở ra đáp ứng với các tiêu chí: Có chi phí đầu tư vừa phải, vị trí cửa hàng thuận tiện, phù hợp với mua mang đi và giao hàng, và giá sản phẩm ở phân khúc tầm trung và bình dân.
Bên cạnh đó, xu hướng cạnh tranh giữa các nhà hàng phân khúc cao cấp để nhận giải thưởng Michelin bắt đầu bùng nổ. Nhận thức được tầm quan trọng của giải thưởng này, nhiều thương hiệu F&B đã và đang dốc sức cải thiện chất lượng món ăn, nâng cao dịch vụ và hoàn thiện trải nghiệm khách hàng để chinh phục "ngôi sao Michelin" danh giá. Sự cạnh tranh này không chỉ mang đến lợi ích cho thực khách Việt Nam mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để các nhà hàng khẳng định vị thế trên bản đồ ẩm thực quốc tế.