Bắt đầu gỡ khó cho các dự án BT

Hàng loạt dự án trọng điểm thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) đang hy vọng tái khởi động khi UBND TP HCM vừa yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thực hiện nhiều đầu việc

Dự án xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng nằm ngay khu đất "vàng" với 4 mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần (quận 3, TP HCM) có lẽ là công trình không những được nhà đầu tư mà còn được đông đảo người dân TP HCM mong chờ nhất, sau 3 năm "trùm mền".

Những công trình ngàn tỉ đồng... mắc cạn

Theo thiết kế, Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng được xây dựng mới trên diện tích 14.700 m2 gồm 2 khối: Cụm nhà thi đấu chính và khu nhà tập luyện đa năng, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức BT. Vào năm 2018, UBND TP HCM giao dự án này cho Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cùng Tổng Công ty CP Đền bù giải tỏa làm chủ đầu tư. Thế nhưng, vì chờ Chính phủ cùng các bộ, ngành hướng dẫn quy trình cũng như pháp lý các khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án tạm dừng đến nay.

Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng trước đây vốn rất nhộn nhịp thì nay là bãi đất trống dành cho… cây cỏ. Ảnh: LÊ PHONG

Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng trước đây vốn rất nhộn nhịp thì nay là bãi đất trống dành cho… cây cỏ. Ảnh: LÊ PHONG

Dự án Vành đai 2, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa, tạm ngừng thi công. Ảnh: THU HỒNG

Dự án Vành đai 2, đoạn từ Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa, tạm ngừng thi công. Ảnh: THU HỒNG

Bề thế không kém là dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Đây là dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống, môi trường cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha đi qua 8 quận, huyện của TP HCM. Dù đã thực hiện xong giai đoạn 1 là đền bù giải phóng mặt bằng, nạo vét bùn dưới kênh, tạo đường giao thông đất dọc hai bên kênh nhưng do chờ cơ chế, tìm nhà đầu tư theo hình thức BT cho các công trình hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ kênh nên giai đoạn 2 chưa biết khi nào triển khai.

Ngoài 2 dự án trên còn có thể kể đến các dự án "khủng" khác đang "mắc cạn", đó là dự án giải quyết ngập do triều - giai đoạn 1 với số vốn gần 10.000 tỉ đồng do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam thực hiện; dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), dài 2,75 km phải tạm dừng thi công hơn 1 năm qua, do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện theo hình thức BT.

Trong đó, ở dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), theo hợp đồng ký kết, TP HCM sẽ thanh toán lại giá trị hợp đồng BT cho nhà đầu tư bằng một số khu đất gồm: 234 Lý Tự Trọng, quận 1; 132 Đào Duy Từ, quận 10; 129 Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh; 368 và 582 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Đến nay dự án chỉ đạt 40% tiến độ và chưa biết khi nào tái khởi động. Việc tạm dừng dự án này khiến hành trình "khép kín" toàn tuyến Vành đai 2 với chiều dài hơn 64 km kéo dài hơn.

Gấp rút rà soát các khu đất hoán đổi

Để đẩy nhanh tiến độ thanh toán các hợp đồng BT đối với một số công trình trọng điểm trên địa bàn, UBND TP HCM vừa giao một số sở, ngành khẩn trương rà soát tính pháp lý của các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư. Động thái này được các nhà đầu tư trông chờ để sớm khởi động lại các dự án tạm dừng thi công chờ quyết định giao đất trong thời gian qua.

Thực hiện chỉ đạo trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP, đơn vị này đang cùng cùng tổ công tác của TP tiến hành rà soát cơ sở pháp lý các khu đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư đã ký hợp đồng BT gồm: Dự án giải quyết ngập do triều - giai đoạn 1, dự án Vành đai 2 đoạn từ Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa và dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Ngoài ra, tổ công tác sẽ xây dựng quy trình thanh toán cho các dự án, đồng thời tìm quỹ đất thanh toán cho các dự án BT trên địa bàn TP.

Ngoài các dự án đã ký hợp đồng BT, theo Sở TN-MT thì các dự án được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đã lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa ký hợp đồng BT và các dự án đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đang lựa chọn nhà đầu tư cũng được TP xây dựng quy trình tiến tới ký hợp đồng BT theo hướng giao đất hoặc đấu thầu, đấu giá như: Dự án đầu tư xây mới Bệnh viện Đa khoa quận Tân Bình, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng. Đặc biệt, ở dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, dự án đầu tư xây dựng, đường và các công trình hạ tầng kỹ thuật hai bên bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dự án đầu tư Nhà máy Xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 cũng được TP giao các sở, ngành xây dựng quy trình thủ tục đầu tư, tìm quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT.

Bình luận về động thái trên, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái, nói: "Đọc thông tin UBND TP giao các sở, ngành rà soát pháp lý các khu đất, chúng tôi rất mừng và mong sớm có quyết định giao đất để tái khởi động dự án. Đến nay, công ty đã bỏ ra 1.500 tỉ đồng để thi công và bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa nhận được quyết định giao đất nên vừa làm vừa hồi hộp".

Vạn người mong ngóng!

Ngày 5-6, chúng tôi ghé hẻm 17 Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức - nơi công trường rộng lớn của dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa - thì chỉ thấy cây cối um tùm và khung cảnh vắng lặng. Cuối hai bên công trường là 2 cây cầu thi công dang dở, trơ sắt thép, nằm im nhiều tháng nay. Thấy chúng tôi đưa máy lên chụp hình, một người dân sống gần đấy nói lớn: "Người dân mong 2 cây cầu này sớm thông dữ lắm rồi cô ơi!".

Tương tự, nhìn mảnh đất hơn 1.200 m2 từng là ao cá, vườn dừa nay để hoang hóa, bà Nguyễn Thị Minh Thanh (phường Tân Thới Nhất, quận 12; chủ đất) xót xa nói: 10 năm trước, khi có dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, gia đình bà phải bấm bụng nhượng hơn 1.200 m2 đất cho dự án. Thế nhưng, chờ suốt vẫn không thấy môi trường sống được cải thiện và hình hài dự án vẫn chưa ló dạng. Trong khi đó, cứ nhìn nhà thi đấu Phan Đình Phùng, vốn nhộn nhịp trước đó nay bốn bề vây kín và bỏ không, ông Nguyễn Tuấn Thành (ngụ phường 6, quận 3) tiếc nuối cho biết từ ngày tháo dỡ công trình chờ xây mới, những người lớn tuổi như ông không còn nơi sinh hoạt cờ tướng, tập thể dục dưỡng sinh. "Chúng tôi mong chờ từng ngày công trình mới khởi công để các hoạt động thể dục, vui chơi giải trí lại sôi động như trước" - ông Thành thổ lộ.

Mong nhất có lẽ là những người dân thường xuyên sống trong cảnh ngập lụt do thủy triều. Ông Đỗ Hồng Quân (số 15/1 Dương Cát Lợi, thị trấn Nhà Bè) cho hay đang rất mong cống ngăn triều khu vực cầu Tân Thuận (quận 7), cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè), thuộc dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng hoàn thành để "thoát" khỏi cảnh ngập do triều. Tương tự, hàng trăm hộ dân sống bên kia sông thuộc phường Phú Mỹ, quận 7 cũng mong ngóng công trình từng ngày.

"Nhà đầu tư cần chính sách rõ ràng để an tâm thực hiện, việc tạm dừng dự án khiến kế hoạch của doanh nghiệp bị phá vỡ, chưa kể mất cơ hội đầu tư vì gánh nặng lãi suất ngân hàng. TP HCM gỡ vướng sớm ngày nào thì nhà đầu tư có thêm cơ hội ngày đó".

Ông TRẦN ĐỨC THẮNG,

Giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng chờ 3 khu đất

Theo Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, nhà đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, đến nay dự án vẫn chưa thể về đích là do vướng giải phóng mặt bằng một số vị trí cũng như chờ quyết định giao đất từ UBND TP theo hợp đồng BT đã ký kết (nhà đầu tư bỏ số vốn khoảng 1.539 tỉ đồng và được thanh toán bằng 3 khu đất để thực hiện một hạng mục của dự án). "Mong các sở, ngành sớm xác định tính pháp lý, phương thức thanh toán các khu đất theo hợp đồng BT đã ký kết. Nếu hợp đồng thông suốt, dự án sẽ tăng tốc để cuối năm 2020 hoàn thành" - đại diện nhà đầu tư khẳng định.

THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bat-dau-go-kho-cho-cac-du-an-bt-20200609213929917.htm