Bắt đầu những 'toan tính' lớn
Các nhịp tăng giảm đan xen của VN-Index trong tuần qua khiến tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại sau phiên giảm sốc hơn 55 điểm hôm 18/8 trước đó.
Ở các phiên giảm điểm mạnh không có hiện tượng cổ phiếu sàn hàng loạt và bán chéo. Một số công ty chứng khoán trước đó giảm tỷ lệ margin 5% ở nhiều mã cổ phiếu, cũng đã thông báo cấp trở lại. Điều này phần nào giải tỏa áp lực tâm lý về margin và cũng cho thấy bức tranh margin của thị trường không căng thẳng như hình dung.
Ở thị trường sideway như vậy, nhóm cổ phiếu nào hoặc doanh nghiệp nào có thông tin tích cực, mà trước đó tích lũy và chưa tăng, lập tức được dòng tiền chú ý, lực cầu vào mạnh mẽ. Cổ phiếu gạo, đường và cuối tuần qua là thủy sản đã cho thấy diễn biến như vậy.
Khi dòng tiền cũ còn bám thị trường, tiền mới nhen nhóm chảy vào thêm, dưới tác động của làn sóng giảm lãi suất, xu hướng uptrend của thị trường tiếp tục được neo giữ, tạo điều kiện cho những “toan tính” lớn hơn của các thành viên thị trường, trong đó có câu chuyện huy động vốn mới.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, từ đầu quý III năm nay, số hồ sơ xin phát hành thêm của các doanh nghiệp nộp lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như việc chuẩn bị hồ sơ xin phát hành nhộn nhịp hơn. Với quy trình thẩm định hồ sơ hiện nay, nếu doanh nghiệp nào thực hiện chuẩn chỉ, bài bản, cũng mất khoảng 2-3 tháng; doanh nghiệp có nội dung cần giải trình thường mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện lại hồ sơ, thậm chí có những doanh nghiệp đã phải rút lại việc xin phát hành do khó có thể đáp ứng được các điều kiện để được cấp phép.
Việc cấp phép phát hành, phê duyệt IPO, niêm yết mới chặt chẽ như vậy, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán được nhìn nhận là khá lớn. Ngoài huy động vốn từ thị trường, tạo thanh khoản cho cổ phiếu, giải quyết bài toán tài chính cho các cổ đông lớn, thị trường chứng khoán còn có thể tạo ra những phương án tái cấu trúc khả thi hơn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Một số công ty chứng khoán lớn đã thiết kế phương án hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu cho doanh nghiệp. Trái chủ có quyền chọn, hoặc chuyển sang cổ phiếu để bán trên thị trường (mang tính thanh khoản hơn) hoặc giữ lại trái phiếu nếu thị giá cổ phiếu chưa thuận lợi. Khi thị trường thứ cấp sôi động, cổ phiếu luân chuyển tốt, có thể là phương án tối ưu hơn cho doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc phương án vốn để từ đó gia tăng “sức chống chịu” trước các điều kiện bất lợi của môi trường kinh doanh.
Những động lực trên được kỳ vọng sẽ là các câu chuyện tạo ra sức hấp dẫn ở mỗi doanh nghiệp, mỗi cổ phiếu, từ đó thị trường sẽ duy trì được sự quan tâm của nhà đầu tư và dòng tiền. Đây cũng là chủ đề được Đầu tư Chứng khoán phản ánh đậm nét trong chuyên mục Tiêu điểm “Mở cửa gọi vốn” của số báo này.
Một chu kỳ tăng mới của VN-Index vẫn cần được củng cố, cần những bước tạo nền, do đó từ nay đến cuối năm, thị trường không hẳn cần những nhịp tăng mạnh mẽ song được kỳ vọng tiếp tục có sóng để nhà đầu tư theo đuổi cuộc chơi. Khi các doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện về lợi nhuận theo các chuyển biến tích cực của các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, sức mạnh hòa quyện của dòng tiền mạnh và mặt bằng cổ phiếu mạnh mới có thể dẫn dắt VN-Index bước những bước đi bền vững trên nấc thang tăng trưởng mới.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dau-nhung-toan-tinh-lon-post328686.html