Phát huy vai trò cấp ủy trong công tác giảm nghèo

Với tinh thần 'Không để ai bị bỏ lại phía sau', thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Qua đó, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu, đồng thời khẳng định rõ vai trò của cấp ủy đảng các cấp trong công tác giảm nghèo bền vững.

Giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm

Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra về công tác giảm nghèo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng đã quyết liệt vào cuộc, 100% cấp ủy xây dựng chương trình hành động.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo. Tiêu biểu như: Kế hoạch số 127-KH/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 265/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2024.

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng tham gia khởi công xây nhà cho hộ nghèo tại xã Đội Bình (Yên Sơn).

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng tham gia khởi công xây nhà cho hộ nghèo tại xã Đội Bình (Yên Sơn).

Công tác giảm nghèo được nhiều đảng bộ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, đặc biệt đối với các huyện, xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Các chỉ tiêu giảm nghèo được chi, đảng bộ xây dựng, thống nhất đưa vào nghị quyết hằng tháng, hằng quý và trong nhiệm kỳ; gắn việc phân công tổ chức đảng, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo.

Như tại huyện Na Hang, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 - 4%/năm; Đảng bộ huyện Lâm Bình xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 6%/năm; đến năm 2025 phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ... Trên cơ sở đó, từng tổ chức Đảng xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể những công việc giúp đỡ sát với nhu cầu địa phương và đúng khả năng của đơn vị.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Các cấp ủy đảng chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường lồng ghép hoạt động giữa các chương trình mục tiêu quốc gia; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong Nhân dân cho công tác giảm nghèo. Nhiều đảng bộ, chi bộ lấy kết quả thực hiện giảm nghèo là tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng. Điều này cho thấy, một chi, đảng bộ vững mạnh không chỉ xây dựng tập thể đoàn kết, cộng sự cao, lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị mà còn phải biết chăm lo việc dân, chăm lo bữa ăn, nhà ở cho dân.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức giới thiệu việc làm tại xã Minh Hương (Hàm Yên).

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức giới thiệu việc làm tại xã Minh Hương (Hàm Yên).

Đồng chí Ma Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp ủy đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường vận động làm thay đổi nhận thức, để hộ nghèo xác định việc thoát nghèo là trách nhiệm của chính gia đình mình. Động viên, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Cuối năm 2023 xã Phúc Sơn có 952 hộ nghèo. Với những giải pháp đồng bộ, năm 2024 xã tự tin hoàn thành kế hoạch giảm 85 hộ (giảm 7,18%).

Nhờ có sự vận động của Bí thư Chi bộ Tráng A Đềnh, đầu năm 2023 gia đình anh Đặng Tài Huyện, thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có vốn cộng với số tiền gia đình tích cóp được, anh trồng thêm 2 ha rừng keo, nâng tổng số diện tích keo của gia đình lên 4 ha. Ngoài ra, anh còn xây chuồng trại, mua 3 con trâu và 4 con bò về nuôi vỗ béo, chăn nuôi thêm lợn đen. Cuối năm 2023, gia đình anh thu hoạch trên 2 ha rừng keo, sau khi trừ chi phí cho thu lãi trên 150 triệu đồng. Nhờ trồng rừng và tích cực chăn nuôi, gia đình anh Huyện có một khoản thu nhập ổn định, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và trở thành hộ khá trong thôn.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh nỗ lực đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 3,71%, đạt vượt kế hoạch năm, không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng. Bằng tinh thần đồng thuận, quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của các cấp ủy đảng được phát huy Tuyên Quang sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác giảm nghèo bền vững của năm 2024 và cả nhiệm kỳ.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/phat-huy-vai-tro-cap-uy-trong-cong-tac-giam-ngheo-202096.html