Bắt đầu từ đổi mới đề thi
Đề thi luôn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nhất là với một kỳ thi chung cho học sinh cả nước như thi tốt nghiệp THPT. Làm sao để đề thi vừa đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu và cả mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp để các trường đại học sử dụng kết quả xét tuyển luôn là câu hỏi khó.
Tranh luận chưa dứt
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố đáp án của một số môn thi tốt nghiệp THPT (môn Ngữ văn, các môn thi trắc nghiệm, môn Địa lý). Hiện nhiều ý kiến bàn luận và tranh cãi xung quanh đáp đề thi môn tiếng Anh.
Cụ thể, với câu hỏi số 50 - mã đề 409 là câu tìm lỗi sai đang có 2 luồng ý kiến trái chiều về việc đáp án nào đúng và lý giải của 2 bên đều có phần hợp lý. Thậm chí, có thí sinh cho biết đã hỏi giáo viên (GV) bản ngữ tại các cơ sở dạy tiếng Anh nhưng họ cũng không dám chắc đáp án nào trong 2/4 đáp án đề thi đưa ra là đúng. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không nằm ở một câu hỏi cụ thể này mà là từ việc tranh luận về đáp án này có thể thấy, việc đào tạo tiếng Anh trong chương trình THPT hiện nay và việc ra đề thi không ăn khớp với nhau.
Cô giáo Phạm Thúy Hằng - GV luyện thi IELTS ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, việc dạy học ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh trong trường THPT nói riêng cần hướng tới việc học để biết, hoc để sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Nghĩa là học sinh (HS) học xong có thể giao tiếp tốt, đọc hiểu hay viết được những văn bản phù hợp với lứa tuổi thay vì tiếng Anh học thuật, tiếng Anh sử dụng trong các văn bản mang tính hàn lâm. Trong khi đó, câu hỏi số 50 trong mã đề 409 này sử dụng rất nhiều từ vựng không phù hợp với trình độ của các em, chỉ có HS nào học chuyên về luyện thi IELTS mới có thể biết.
Một số ý kiến khác cũng nhận định đề thi sử dụng những từ ngữ ít thông dụng với phần lớn HS, cấu trúc câu cũng được làm phức tạp hơn nên gây quá sức với lứa tuổi HS. Vì vậy, nột số GV cho rằng với một đề thi mang tính toàn quốc dành cho mọi HS ở các vùng miền có điều kiện học tập khác nhau nên bớt đi những câu đánh đố. Thay vào đó thêm những câu tự luận như dịch câu văn hay viết một đoạn văn sẽ phát huy được năng lực của HS trong môn học, thúc đẩy việc học tiếng Anh tốt hơn.
Với môn Hóa học, mã đề 201 cũng đang được nhiều chuyên gia, GV nhận định có một số câu sử dụng câu từ chưa chặt chẽ, thông tin chưa chính xác và thiếu logic.
Mặc dù về phía Bộ GDĐT cho biết đang xem xét và sẽ có câu trả lời chính thức đối với những vấn đề về đề thi được dư luận phản ánh, nhưng rõ ràng vấn đề chuẩn hóa ngân hàng đề thi luôn là câu hỏi đặt ra sau mỗi mùa thi tốt nghiệp THPT.
Yêu cầu về ngân hàng đề thi chuẩn hóa
Theo PGS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều ý kiến khác nhau, từ việc giao cho các địa phương tự tổ chức hay để Bộ GDĐT đang triển khai như hiện nay, về đề thi cần tăng cường tính phân hóa… sẽ khó có một cách làm nào hài lòng được tất cả mọi ý kiến. Tuy nhiên, có một hướng đi đã được nhiều quốc gia áp dụng đó là thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp HS thi cử rất nhẹ nhàng, không phải thi theo đề cương, đề mẫu… Sẽ không còn cảnh thầy trò vội vã chữa bài trong đề cương ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
“Nếu các đề thi chuẩn hóa, phủ hết các nội dung học tập với các câu hỏi đơn giản, có thể làm trên máy tính luôn thì thi cử sẽ nhẹ nhàng, kết quả có luôn, phản ánh được sự tiến bộ của HS trong quá trình học” - bà Thơ nói và và cho rằng, khi chậm thay đổi, vẫn làm theo cách ôn đề sẽ tạo điều kiện cho dạy thêm, học thêm còn đất sống. Và khi chỉ chú trọng vào luyện đề chỉ để thi thì HS không thể học toàn diện được.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo (giai đoạn 2016-2021), vẫn còn những nỗi lo về lộ, lọt đề thi, về câu hỏi thi gây tranh cãi là do chưa có ngân hàng đề thi được chuẩn hóa với số lượng đủ lớn. Cần phải sớm có định hướng, lộ trình cụ thể xây dựng ngân hàng đề thi, đào tạo nhân lực, cho phép thành lập các tổ chức khảo thí độc lập... để tránh việc trùng lặp ngẫu nhiên hàng loạt câu trắc nghiệm trong các đề thi.
Với môn Ngữ văn, nhiều ý kiến về đổi mới đề thi đã và đang được ngành giáo dục quan tâm bằng việc thay đổi ngữ liệu của đề thi có thể nằm ngoài sách giáo khoa sẽ tránh được việc học tủ, đoán đề hay sự nhàm chán, quen thuộc của câu hỏi nghị luận văn học do yêu cầu chỉ được ra đề trong khuôn khổ 15/17 tác phẩm của chương trình học. Như trao đổi của Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng tại buổi họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 vừa qua: “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện đang cấp bách hơn bao giờ hết, từ chương trình, sách giáo khoa đến nội dung thi cử. Tuy nhiên, dù đổi mới vẫn phải trải qua giai đoạn giao thời nhất định”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-dau-tu-doi-moi-de-thi-5722252.html