Bắt đồng phạm trong đường dây làm xăng giả của Trịnh Sướng
Chiều 7/7, Trung tá Nguyễn Văn Chuyên, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ quan này đã công bố Quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với đối tượng Nguyễn Thị Hồng Thủy (sinh năm 1976, trú tại số 2 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 2, Thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).
Đối tượng Thủy bị khởi tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Bà Thủy được xác định là người có vai trò đồng phạm quan trọng trong đường dây buôn bán xăng kém chất lượng của ông Trịnh Sướng (52 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng - Petrol Mỹ Hưng, trụ sở thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, Sóc Trăng). Bà Thủy là người đã mua các loại dung môi giúp ông Trịnh Sướng làm các loại xăng kém chất lượng để đưa ra bán trên thị trường từ năm 2017 đến đầu năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố, bắt tạm giam 28 bị can thuộc 4 nhóm sản xuất, kinh doanh xăng kém chất lượng trên địa bàn Đắk Nông và một số tỉnh, thành phố khác. Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2017 đến nay, 4 nhóm đối tượng này đã mua dung môi để pha xăng với số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công an tỉnh Đắk Nông, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Công an tỉnh Đắk Nông đã xin ý kiến Bộ Công an và được chỉ đạo thành lập chuyên án. Từ ngày 28/5 – 2/6/2019, Ban Chuyên án đã chỉ đạo tổ công tác phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an, bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích “RON”, bột tạo màu thành xăng giả. Khám xét 6 địa điểm là nơi các đối tượng pha trộn và cất giấu dung môi thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, cơ quan chức năng đã tạm giữ gần 3,3 triệu lít dung dịch các loại, trong đó có gần 2,2 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả, hơn 430 nghìn lít dung môi chưa pha, 50 kg chất tạo màu, hàng chục tàu, xe, máy bơm và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đắk Nông xác định, dung môi được sử dụng để pha chế là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Đây là loại hợp chất thường được sử dụng trong công nghiệp, pha trộn sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da… Các đối tượng sử dụng dung môi, pha với xăng, chất tạo màu và một số “hương liệu” để phù phép thành xăng. Đây là loại xăng giả không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng xấu đến hiệu suất động cơ, thậm chí có thể làm hỏng động cơ.
Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.