Bất đồng quan điểm, chính phủ phương Tây nỗ lực tái thiết Ukraine, doanh nghiệp 'cật lực' tài trợ Nga?
Bỏ qua lợi ích kinh doanh to lớn đối với quá trình tái thiết Ukraine, một số lượng lớn các doanh nghiệp phương Tây vẫn gián tiếp làm suy yếu những nỗ lực từ các chính phủ và Kiev, bằng cách 'cật lực' đóng góp cho nền kinh tế Nga.
Tại Hội nghị Tái thiết Ukraine ở London (ngày 21-22/6), các quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ khoảng 60 tỷ USD nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi quốc gia Đông Âu.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã tự hào viết điều này trên Facebook.
"Tuần trước được đánh dấu bằng Hội nghị Tái thiết Ukraine ở London, nơi Ukraine nhận được những kết quả thiết thực giúp củng cố khả năng phục hồi của chúng tôi và đẩy nhanh quá trình tái thiết. Các nguồn tài chính trị giá khoảng 60 tỷ USD đã được thu hút đến Ukraine để hỗ trợ quá trình hồi phục".
Ông Shmyhal lưu ý, tại Hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố tài trợ 50 tỷ EUR cho 4 năm tới. Theo ông, số tiền này sẽ được dùng để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước và tài trợ cho các dự án tái thiết.
Ngoài ra, Vương quốc Anh sẽ phân bổ 3 tỷ Bảng cho Ukraine trong 3 năm tới, bao gồm 240 triệu Bảng cho năm nay. Hai nước sẽ thành lập Quỹ Đổi mới Ukraine thách thức năng lượng xanh.
Thủ tướng Ukraine Shmyhal cũng nói thêm rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ukraine đã đạt được thỏa thuận về gói viện trợ trị giá 1,76 tỷ USD để tài trợ cho các khoản thanh toán xã hội.
Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ tài chính từ các quốc gia riêng lẻ cũng được công bố như: Mỹ cam kết hỗ trợ thêm 1,3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông, số hóa và năng lượng; Đức - thêm 381 triệu EUR, đặc biệt dành cho hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo; Thụy Sỹ - 1,5 tỷ CHF trong chương trình hỗ trợ trung hạn.
Tuy nhiên, trên thực tế, dường như đã xuất hiện hai luồng tài chính xung đột nhau, giữa một bên là các chính phủ phương Tây và phía bên kia chính là đông đảo các doanh nghiệp của họ. Trong khi các chính phủ Mỹ và châu Âu nỗ lực thể hiện sự ủng hộ chính quyền Kiev bằng những con số tài trợ khủng tại Hội nghị Tái thiết Ukraine vừa qua, thì "doanh số" do doanh nghiệp phương Tây đều đặn chuyển về “nuôi” ngân quỹ của Điện Kremlin dù không thể rõ ràng, nhưng chắc chắn không ít.
Một bài bình luận trên website Atlanticcouncil.org còn cho rằng, nếu sự “ủng hộ âm thầm” này không thể chấm dứt thì khó có thể sớm nhìn thấy sự hồi phục của Ukraine. Rõ ràng, không có sự tái thiết nào của Kiev có thể thành công, trừ khi Nga bị tước đoạt hoàn toàn các nguồn lực để tiếp tục kéo dài chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bài viết kết luận, Mỹ, phương Tây và cả Kiev không thể có một cuộc bàn luận có ý nghĩa để phục hồi hoặc tái thiết Ukraine, trừ khi các công ty quốc tế của họ ngừng hoàn toàn hoạt động kinh doanh ở Nga và cắt mọi đóng góp cho ngân quỹ của Điện Kremlin.
Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, một số doanh nghiệp phương Tây đã nhanh chóng tuyên bố và sớm rút khỏi thị trường Nga. Những cuộc “ra đi” ồn ào thường thu hút sự chú ý của giới truyền thông, nhưng trên thực tế, phần lớn các công ty phương Tây đã chọn ở lại Nga.
Theo dữ liệu từ Trường Kinh tế Kiev (KSE), trong số 1.361 công ty phương Tây có công ty con ở Nga khi xung đột Nga-Ukraine chưa nổ ra, chỉ có 241 (khoảng 17%) hoàn toàn rời khỏi Nga. Các công ty phương Tây ở lại đã tạo ra doanh thu 136 tỷ USD trong năm 2022, nhờ đó “đóng góp” giúp Điện Kremlin tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo ban lãnh đạo các công ty đa quốc gia phương Tây, việc họ tiếp tục hiện diện ở Nga, kiên trì với “hoạt động kinh doanh như bình thường” chủ yếu nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
“Họ không thể từ bỏ khách hàng của họ” là lập luận thường được giới doanh nghiệp đưa ra, nhưng Kiev và các chính phủ phương Tây đều không chấp nhận điều đó. Những nỗ lực cắt đứt huyết mạch cuối cùng của kinh tế Nga vẫn tiếp tục được đưa ra. Mới đây nhất là gói trừng phạt thứ 11 từ châu Âu đã không chỉ nhằm vào Nga, mà đã hướng tới “điều chỉnh” hành vi của các bên thứ ba có quan hệ với Moscow.
Những nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm ủng hộ Ukraine được thể hiện rõ bằng những hứa hẹn tài trợ tại Hội nghị Tái thiết Ukraine. Các ưu tiên bao gồm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đặc biệt tập trung phát triển ngành năng lượng hướng tới một tương lai năng lượng xanh. Nhưng Hội nghị cũng ưu tiên thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, bằng cách đưa ra các cơ chế đảm bảo đầu tư, nhằm lôi kéo nguồn lực quan trọng hàng đầu này trong nỗ lực tái thiết. Bởi theo ước tính của WB, chi phí tái thiết Ukraine sẽ cần tới 411 tỷ USD, trong đó riêng năm 2023 là 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, từ tuyên bố đến hành động từ bỏ doanh thu đối với doanh nghiệp là bài toán cực khó.
Trong khi đó, giới chức phương Tây lại cho rằng, “lòng trung thành” của doanh nghiệp được đo lường bằng việc có sẵn sàng chấp nhận giảm doanh thu để cùng chính phủ ngăn chặn sự quyết đoán của Nga. Các doanh nghiệp phương Tây được yêu cầu “có trách nhiệm quan trọng” ở những nơi họ hoạt động, đặc biệt là ở khu vực có xung đột; không thể ngồi ở hai phía của một hàng rào.
Như vậy, họ chỉ có thể chọn, hoặc là một phần trong các nỗ lực tái thiết và phục hồi Ukraine, hoặc tiếp tục ủng hộ Điện Kremlin qua chính các nguồn thu của mình.