Bất động sản áp lực, ngân hàng xuyên bão, hé lộ động lực cho tuần mới
Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần nhiều biến động. Nhóm cổ phiếu bất động sản chịu nhiều áp lực, trong khi nhóm ngân hàng vượt giông bão, hỗ trợ thị trường. Trong tuần mới liệu VN-Index có tiến bước?
Một tuần giông bão
Thị trường chứng khoán trải qua một tuần khó lường với những biến động trái chiều giữa các nhóm và qua các phiên. Kỳ vọng vào thị trường thay đổi khá nhanh. Thanh khoản cũng như hoạt động mua bán của khối ngoại tích cực hơn.
Sau một tuần giao dịch ảm đạm và thanh khoản mất hút trước đó, bước vào 2 phiên giao dịch đầu tuần mới 15-19/7, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp, dòng tiền chưa có dấu hiệu trở lại với thị trường.
Tuy nhiên, một số nhóm cổ phiếu ghi nhận diễn biến tích cực, trong đó có ngành dược, với rất nhiều mã đua nhau tăng trần trong phiên ngày 16/7 như: Dược Hậu Giang (DHG), Imexpharm (IMP), Dược Hà Tây (DHT)... Nhiều mã dược khác tăng mạnh.
Cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm xác lập đỉnh mới ở vùng giá 93.400 đồng/cp sau khi tăng gần 50% trong vòng hơn một tháng. Imexpharm lấy ý kiến phát hành tăng vốn gấp đôi, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới.
Dòng vốn đổ vào nhóm cổ phiếu dược phẩm trong bối cảnh nhóm này trước đó không nổi bật nhưng có kết quả kinh doanh tốt. Khối ngoại nắm cổ phần lớn tại đa số các doanh nghiệp dược niêm yết. Hiện SK Investment (Hàn Quốc) đang nắm quyền chi phối tại IMP với tỷ lệ sở hữu 64,8%.
Tuần qua, ngân hàng cũng là nhóm khá tích cực trong bối cảnh dòng tiền không tìm được đích đến hấp dẫn. Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội MBBank (MBB) tăng 10,4%. Vietinbank (CTG) tăng 4,4%. Ngân hàng BIDV (BID) tăng 2,4%.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhóm cổ phiếu khác chịu áp lực bán mạnh sau một thời gian tăng. Một số mã bị chốt lời sau đợt tăng nóng như Vietnam Airlines (HVN), Thép SMC… HVN giảm 24,1%; Tập đoàn Công nghiệp Cao su (GVR) giảm 8,9%. Cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình giảm 5,8% sau chuỗi ngày tăng nóng từ đầu năm và liên tiếp lập đỉnh cao kỷ lục.
Nhóm cổ phiếu bất động sản là gánh nặng của thị trường trong tuần qua với nhiều mã giảm giá như Novaland (NVL), Phát Đạt (PDR), Đất Xanh (DXG), DIC Corp. (DIG)…
Tuy nhiên, tới cuối tuần, 2 mã Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay đầu tăng giá, qua đó giảm bớt áp lực cho thị trường.
Bất động sản công nghiệp ghi nhận một số mã tích cực giữa lúc nhu cầu thuê đất của các tập đoàn nước ngoài còn lớn. PC1 là một mã có những phiên tăng tốt khi Western Pacific - công ty liên kết của PC1 được phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án khu công nghiệp với quy mô hơn 177 triệu USD.
Một điểm cũng khá tích cực trong tuần là khối ngoại giảm đà bán và thanh khoản trên thị trường được cải thiện.
Tính chung trong cả tuần 15-19/7, chỉ số VN-Index giảm 1,2% xuống mức 1.265 điểm. HNX-Index giảm 1,8% về 240,5 điểm. Upcom-Index giảm 1,4% xuống 96,8 điểm.
Trong tuần, thanh khoản tăng 3% lên mức 17.675 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại giảm đà bán ròng xuống 758,2 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó bán ròng 778,2 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 60,5 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 80,5 tỷ đồng trên Upcom.
Tuần mới ra sao?
Tuần qua giảm điểm nhưng thị trường vẫn có một số điểm sáng. Đó là đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu rõ rệt hơn về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành. Khối ngoại lập tức có động thái bắt đáy trong 2 phiên giữa tuần - ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích Chứng khoán VnDirect, nhận xét.
Bên cạnh đó, theo ông Hinh, thanh khoản thị trường cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện khi nhà đầu tư chủ động giải ngân tại những nhịp điều chỉnh sâu trong phiên của thị trường. Dòng tiền cũng không có dấu hiệu rút ra mà phân hóa giữa các nhóm ngành.
Đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã thu hút dòng tiền trở lại trong bối cảnh “tín dụng bắt đầu chạy” và kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng thương mại dần được hé lộ.
Chuyên gia VNDirect nhận định thị trường khó xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu và vùng 1.250 điểm (+/- 10 điểm) sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index.
Dù vậy, ông Hinh cũng cho rằng, thị trường đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó, trong kịch bản cơ sở, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngành. Việc chọn “đúng ngành”, “đúng cổ phiếu” sẽ có vai trò quyết định tới khả năng sinh lời.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự báo, TTCK có thể lên mức 1.300 điểm trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cũng như nhiều nhà đầu tư thận trọng trong bối cảnh thế giới và trong nước có rất nhiều biến động.
Đồng USD giảm nhanh giữa tuần nhưng tăng trở lại vào cuối tuần. Fed có thể sẽ giảm lãi suất trong tháng 9 và bước vào giai đoạn nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, thế giới và ngay cả nước Mỹ còn nhiều bất ổn. Sự bất ổn của các nước cùng với tốc độ bơm tiền nhanh của các quốc gia có thể giúp USD không giảm sâu. Dòng tiền có thể không đảo chiều mạnh mẽ để chảy sang các nước mới nổi, đang phát triển như kỳ vọng của nhiều người.
Giới đầu tư hiện đang theo sát diễn biến cuộc bầu cử tại Mỹ cũng như khả năng chính sách của ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giới quan sát cũng theo dõi các tín hiệu chính sách kinh tế của nền kinh tế số 2 thế giới sau khi Trung Quốc vừa kết thúc Hội nghị Trung ương 3.
Ở trong nước, giới đầu tư gần đây theo dõi sát để đánh giá xem những tác động của Luật Đất đai (có hiệu lực từ 1/8 tới) và một số luật khác tới nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ ra sao, trong bối cảnh nhóm này nhiều phiên gần đây liên tiếp giảm sâu.