Bất động sản Bắc Trung Bộ sắp... 'nhảy múa'?
Dù đã cắt 'cơn sốt' bất động sản, giao dịch ít hơn rất nhiều so với đầu năm 2022, nhưng giá đất nền nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn không hề có dấu hiệu giảm nhiệt sau thời gian dài được thổi lên rất cao.
Đặc biệt, việc dòng vốn tỷ đô dự kiến đổ bộ thị trường bất động sản khiến giới phân tích tin vào một làn sóng mới sẽ xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc Trung Bộ vào cuối năm 2023. Trong đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có thể hình thành những điểm nóng nhờ thu hút loạt dự án khủng.
Hàng loạt dự án khủng
Gần 10 năm buôn đất ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, anh Đặng Tiến Hoàng thừa nhận thị trường đang rơi vào trầm lắng, tuy nhiên ánh sáng sẽ dần xuất hiện từ cuối quý II/2023 khi các dự án lớn bắt đầu triển khai. Bởi theo anh, ở đâu có dự án thực đi qua, giá đất sẽ lại “nhảy múa”.
Điển hình, tại Thanh Hóa, loạt dự án shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng quy mô nghìn tỷ đồng do các đại gia Sun Group, Flamingo Group, Thịnh Phát đầu tư sắp hoàn thành và đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, loạt dự án lớn khác dự kiến được triển khai như dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng tại Khu kinh tế Nghi Sơn (hơn 2.400 tỷ đồng), dự án Khu dân cư đô thị và Trung tâm thương mại Sầm Sơn (hơn 3.000 tỷ đồng), dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 17 (hơn 6.400 tỷ đồng)…
Cùng với Thanh Hóa, loạt dự án công nghiệp hứa hẹn “hâm nóng” thị trường bất động sản Bắc Trung Bộ có thể kể đến là nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Visip (Singapore) ở Nghệ An, hay như dự án nhà máy sản xuất Pin VinES của Vingroup tại Hà Tĩnh, dự án cảng biển, sân bay tỉnh Quảng Trị.
Ngoài các dự án công nghiệp thì ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã có hàng loạt đại gia bất động sản chọn là nơi “làm tổ”. Nổi bật có dự án biệt thự, liền kề, chung cư cao cấp tại Nghệ An do Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Eurowindow Holdings đầu tư; Khu đô thị hai bên đường Ngô Quyền, Khu nhà ở, biệt thự liền kề Hà Mỹ Hưng tại Hà Tĩnh do Tập đoàn T&T, Tập đoàn Hà Mỹ Hưng đầu tư.
Ngoài ra, cũng phải nhắc tới các dự án đô thị tại Bảo Ninh, TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình do Tập đoàn Trường Thịnh, Tập đoàn Kosy đầu tư; Dự án thương mại, nhà ở liền kề tại Quảng Trị do Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn AE đầu tư...
Khi nào nên “rót tiền”?
Sự đổ bộ của hàng loạt dự án với tổng quy mô hàng tỷ đô là cơ sở để nhiều nhà đầu tư tin vào sự phục hồi của bất động sản phía Bắc miền Trung từ cuối năm 2023. Minh chứng là bất chấp sức ì của thị trường, giá nhà đất tại các tỉnh trong khu vực vẫn neo rất cao.
Đơn cử như tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, sự hiện diện của Sun Group hay một số "đại gia" khác đang khiến các nhà đầu tư có nền tảng tài chính tốt vẫn tự tin “ôm hàng” giá trị hàng chục tỷ đồng, với tầm nhìn dài hạn.
Anh Hà Trung Dũng (TP.HCM), nhà đầu tư đang nắm trong tay 2 căn biệt thự tại Sầm Sơn, cho hay những người gãy đòn bẩy tài chính đã cắt lỗ hoặc bỏ cọc, chẳng có đáy nào để bắt cả, giá vẫn lên ầm ầm. Hiện nay, mỗi căn biệt thự ven biển Sầm Sơn có giá khoảng 14 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với quý I/2022. Phân khúc liền kề dù còn tồn kho khá cao nhưng giá vẫn neo ở mức 7-8 tỷ đồng/căn (đầy đủ pháp lý). Với dự án của Sun Group, giá shophouse khoảng 7 tỷ đồng/căn (tăng trên dưới 1 tỷ đồng/căn so với lúc ra hàng), giá biệt thự cao nhất là 70 tỷ đồng/căn.
“Một anh bạn của tôi đang có 6 căn và vẫn có ý định gom thêm nếu có sản phẩm giá tốt. Cứ than mất thanh khoản, mất giá, nhưng giờ mà có sản phẩm bán bằng giá lúc mới ra hàng thì có người hốt liền. Dư địa tăng trưởng ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc miền Trung còn rất lớn”, anh Dũng chia sẻ.
Đáng chú ý, một cuộc khảo sát thị trường ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vào đầu năm 2023 cho thấy, có khoảng 24% khách hàng, đặc biệt là khách hàng có nhu cầu thực, mua nhà ngay lập tức; 15% sẽ mua trong vòng 3 - 6 tháng tới; 39% sẽ mua trên 6 tháng; 22% sẽ mua nhà trong thời gian trên 1 năm.
Kết quả trên cho thấy, dù thị trường có nhiều biến động, khó khăn bủa vây, nhưng nhóm khách hàng mua nhà thực tại các tỉnh khu vực Bắc miền Trung đang bắt đầu quay lại. Điều này sẽ giúp thị trường bất động sản trong khu vực dần ấm trở lại, có thể là từ cuối quý II/2023.
Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, giờ là thời điểm nhà đầu tư sẵn tiền mặt có thể cân nhắc xuống tiền, với biên độ “mặc cả” giảm 10-30%. Bên mua nên mạnh dạn ngã giá, có thể chốt đơn giảm 15-20% là mức giảm khả thi.
Nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến 4 yếu tố, gồm thông tin quy hoạch, tiềm năng tăng giá của khu vực, sự hiện diện của các chủ đầu tư lớn và diễn biến thị trường trong các năm trước. Đặc biệt là cần tránh “bánh vẽ” của môi giới, mua nhầm sản phẩm “cắt lỗ” nhưng giá vẫn quá cao.
“Hiện tại, thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm giá tốt, thậm chí giá rẻ vì “ngộp”, nhà đầu tư có thể chốt mua ngay. Cũng có thể đợi thêm đến cuối quý II nếu mức giảm chưa hợp lý. Tuy nhiên, cần quan sát kỹ, nắm bắt cơ hội, vì không ai biết đáy ở đâu, chờ đợi có thể có hàng rẻ hơn nhưng cũng có thể khiến cơ hội trôi qua”, một chuyên gia phân tích.