Bất động sản dưỡng lão tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển

Đây là phân khúc hứa hẹn phát triển trong thời gian tới do các yếu tố tuổi thọ, dân số già hóa và các tiếp cận loại hình dưỡng lão ngày một cởi mở hơn.

Thách thức và cơ hội

Là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, theo số liệu thống kê từ Tổng dân số Việt Nam tại thời điểm 1/4/2009 là 85,85 triệu người, tại thời điểm 1/4/2019 là 96,21 triệu người. Trong đó, số lượng người cao tuổi năm 2009 và 2019 tương ứng là 7,45 triệu, chiếm 8,68% tổng dân số và 11,41 triệu, chiếm 11,86% tổng dân số. Tính trung bình trong giai đoạn 2009 - 2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Đáng nói tỷ lệ người cao tuổi sống một mình tăng lên theo thời gian từ 9,68% năm 2009, lên 13,74% năm 2019 ở hai khu vực thành thị lẫn nông thôn. Tỷ lệ người cao tuổi chỉ sống với vợ/chồng cũng tăng lên từ 8,69% năm 2009 lên 14,09% năm 2019 và tăng ở cả hai khu vực, đặc biệt là nông thôn. Dự báo đến năm 2050, tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số sẽ tăng lên đến 25%.

 Bất động sản dưỡng lão hiện tại vẫn còn hạn chế về nguồn cung và sản phẩm chất lượng

Bất động sản dưỡng lão hiện tại vẫn còn hạn chế về nguồn cung và sản phẩm chất lượng

Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như tỷ lệ tử vong, tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ trung bình lại tăng. Trong đó, tỷ lệ sinh giảm trong thời gian qua có tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

Việc già hóa dân số là một thách thức về kinh tế, xã hội đòi hỏi Chính phủ có nhiều sự thay đổi trong định hướng phát triển trong nền kinh tế, phát triển an sinh xã hội. Khi lượng người cao tuổi gia tăng, nhu cầu về các dịch vụ xã hội cũng tăng theo, trong đó có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội tăng lên theo độ tuổi.

Trong cuộc khảo sát trước đó về “Cuộc sống độc lập khi về già”, do công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam hợp tác cùng công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam thực hiện với những người Việt Nam ở độ tuổi 30-45, sinh sống tại TP HCM và Hà Nội, dựa trên các yếu tố như sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và tài chính thì kết quả cho thấy, 85% người Việt Nam mong muốn có một cuộc sống độc lập khi về già. Khảo sát này cũng chỉ ra phụ nữ hoạch định cuộc sống về già tốt hơn nam giới, với 75% phụ nữ được khảo sát cho biết đã có kế hoạch cho tuổi già của mình, so với chỉ 59% ở nhóm nam.

Từ những số liệu này, nhiều chuyên gia nhận định việc phát triển bất động sản nghỉ dưỡng dưỡng lão vẫn còn nhiều dư địa trong tương lai.

Dòng tiền đang đổ vào dịch vụ dưỡng lão?

Theo khảo sát và thống kê của công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), tính đến năm 2021, Việt Nam mới có khoảng 80 cơ sở chăm sóc người cao tuổi ngoài công lập. Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi, các viện dưỡng lão này phần lớn thuộc khu vực tư nhân. Như vậy số viện dưỡng lão không đạt mức bình quân mỗi tỉnh thành một trung tâm.

Lý giải về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, do Việt Nam vẫn chưa đào sâu khai thác được tiềm năng của phân khúc bất động sản dưỡng lão. Thêm vào đó, văn hóa của người Việt thích sống với con cháu, chưa có nhiều khái niệm về cuộc sống độc lập ở viện dưỡng lão. Đồng thời nhiều người già vẫn có thói quen tiết kiệm chi phí hoặc không có sự chuẩn bị về mặt kinh tế cho tuổi già nên dịch vụ tại các viện dưỡng lão vẫn chưa được tiếp cận nhiều.

 Việc thói quen dưỡng già trong tương lai đang dần thay đổi khiến loại hình này dần thu hút nhiều nhà đầu tư

Việc thói quen dưỡng già trong tương lai đang dần thay đổi khiến loại hình này dần thu hút nhiều nhà đầu tư

Tuy nhiên, với tốc độ dân số già hóa cùng sự tiếp nhận thông tin và sự phát triển chuyên nghiệp của các dịch vụ chăm sóc cho người già, sự phát triển của bất động sản dưỡng lão là một điều tất yếu.

Theo thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, gần đây có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn bắt đầu tham gia phát triển bất động sản dưỡng lão. Việc phát triển mạnh phân khúc bất động sản dưỡng lão sẽ thu hút lượng lớn kiều hối từ hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài trở về quê tĩnh dưỡng tuổi già.

Việc phát triển phân khúc bất động sản dưỡng lão thường tập trung ở những khu vực vùng ven các đô thị lớn với hệ thống hạ tầng đang ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, việc di chuyển đến các khu vực vùng ven này sẽ không còn là trở ngại. Lựa chọn này không những cung cấp môi trường trong lành, phù hợp với mong muốn tĩnh dưỡng tuổi già của người cao tuổi mà còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí.

Không chỉ có sự đầu tư của những doanh nghiệp lớn, trên các diễn đàn kinh doanh bất động sản, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng bắt đầu đi kêu gọi góp vốn để thực hiện các dự án nhà dưỡng lão. Theo một lời mời gọi được đăng tải, những nhà đầu tư có thể góp vốn bằng đất, đặc biệt là ở các khu vực vùng núi trung du hoặc vùng ven biển có không khí trong lành, mát mẻ. Dòng tiền đem lại cho người góp đất có thể lên tới 30-50 triệu/tháng với diện tích đất từ 300m2.

Các bài viết kêu gọi đầu tư trong các diễn đàn đều thu hút được sự hưởng ứng và khiến nhiều người muốn tìm hiểu. Nhiều người cũng nhận ra được rằng, còn một “mỏ vàng” có thể khai thác khi thị trường bất động sản nói chung đang trầm lắng. Đặc biệt với việc ngày càng có nhiều gói bảo hiểm với phiên bản cho người cao tuổi ra đời, mô hình dưỡng già gia đình truyền thống sẽ dần có sự thay đổi và tạo nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu tư.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-san-duong-lao-tai-viet-nam-van-con-nhieu-tiem-nang-phat-trien-post241973.html