Bất động sản khu công nghiệp tăng sức nóng

Bất động sản khu công nghiệp (KCN) đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn, bởi không chỉ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, mà còn thu hút định hướng mở rộng quy hoạch đầu tư của các địa phương thời gian gần đây.

Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư bất động sản KCN

Nhằm đón đầu cơ hội thu hút dòng vốn FDI và sự chuyển dịch dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, Công ty TNHH KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc đã triển khai giai đoạn 1 dự án KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc vào cuối năm 2018, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, đồng thời dự kiến khai trương giai đoạn II vào giữa năm nay.

Ông Goki Nobuta, Tổng giám đốc Công ty KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc cho biết, hiện đã có 10 nhà đầu tư từ Nhật Bản đầu tư vào khu công nghiệp này và đang chuẩn bị đón thêm nhiều nhà đầu tư Nhật khác.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, dù chưa hoàn thành, nhưng KCN Thăng Long - Vĩnh Phúc đã được hơn 80 nhà đầu thứ cấp đến từ Nhật Bản thuộc các lĩnh vực như công nghệ cao sản xuất động cơ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, phụ kiện điện tử, sản phẩm cơ khí chính xác... săn đón, thậm chí có nhà đầu tư đã đặt cọc các vị trí đẹp để xây dựng nhà máy ngay khi giai đoạn II triển khai. Đây là 1 trong 3 KCN của Công ty đã được lấp đầy trước thời điểm khai trương.

Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản KCN cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong nước. Là tên tuổi trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị điện và tiện ích, dịch vụ cơ sở hạ tầng, Gelex không giấu tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Viglacera mới đây.

“Hiện Gelex đã nắm giữ 24,9% cổ phần của Viglacera. Hoạt động của Gelex và Viglacera khá tương đồng, trong đó lĩnh vực bất động sản KCN và nhà ở xã hội của Viglacera có thể bổ trợ cho mảng bất động sản của Gelex, góp phần mở rộng danh mục đầu tư của Gelex lĩnh vực này”, Chủ tịch HĐQT Gelex Nguyễn Văn Tuấn cho hay.

Tiềm năng và thách thức

Chia sẻ tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, bất động sản KCN đang là phân khúc hấp dẫn nhất năm 2019 nhờ có nhiều dư địa phát triển.

"Thị trường bất động sản KCN Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế", ông Nam nói.

Dẫn số liệu báo cáo của JLL, ông Nam cho hay, xét về các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên chi phí và trên tiền mặt, lợi nhuận thu được từ việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11-12%, cao nhất trong khu vực. Theo ông Nam, đây là yếu tố khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp với kỳ vọng đạt lợi nhuận tốt trong thời gian tới.

“Cả trong ngắn, trung và dài hạn, bất động sản KCN là phân khúc có đà phát triển tốt nếu nhà đầu tư biết nắm bắt thời cơ và Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có”, ông Nam nhấn mạnh.

Về những thách thức, theo TS.Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Cương (CIEM), bất động sản KCN còn một số hạn chế như hạ tầng kết nối đa phương tiện còn thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng chưa cao, đóng góp của lĩnh vực này vào GDP còn chưa tương xứng với tiềm năng...

"Sức hấp dẫn của bất động sản KCN Việt Nam hiện cao hơn mức trung bình của khu vực và tiếp tục được thúc đẩy bởi các yếu tố như chi phí lao động thấp, giá thuê đất hợp lý, thuế suất thuế thu nhập ưu đãi, nhưng định hướng chính sách chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn", ông Cung đánh giá.

Để thị trường bất động sản KCN thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng và thu hút nhiều nhà đầu tư trực tiếp cũng như nhà đầu tư thứ cấp tham gia, theo giới chuyên gia, Nhà nước cần có nhiều hơn các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư cũng như thị trường, đặc biệt là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Hiếu Minh

Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp “vào sóng”?

Sôi động M&A bất động sản khu công nghiệp

Dòng tiền đổ vào bất động sản công nghiệp

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-khu-cong-nghiep-tang-suc-nong-210704.html