Bất động sản mới nhất: Bảng hàng chung cư sơ cấp tại Hà Nội hết sạch sau mỗi lần mở bán, 4 phương pháp định giá đất

Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án; giá chung cư Hà Nội tăng vọt, lượng tìm kiếm lớn; 4 phương pháp định giá đất… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.

Bất động sản mới nhất: Khan hiếm nguồn hàng và giá bán tăng vọt khiến chung cư Hà Nội tiệm cận mặt bằng giá chung cư Thành phố Hồ Chí Minh dù trước đó chưa đầy hai năm, khoảng cách này khá xa. (Ảnh: Hoàng Hà)

Bất động sản mới nhất: Khan hiếm nguồn hàng và giá bán tăng vọt khiến chung cư Hà Nội tiệm cận mặt bằng giá chung cư Thành phố Hồ Chí Minh dù trước đó chưa đầy hai năm, khoảng cách này khá xa. (Ảnh: Hoàng Hà)

Hà Nội thu hồi, bãi bỏ 153 dự án

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 năm 2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, kết quả chỉ đạo xử lý lũy kế đến ngày 15/6/2024 (dự kiến kết quả thực hiện đến hết tháng 6/2024) có 705/712 dự án (chiếm 99%) với tổng diện tích hơn 11.300ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.

7/712 dự án (chiếm 1%) với tổng diện tích 88,5ha đất, đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục rà soát để xem xét phương án xử lý. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024, giảm 25 dự án so với cuối năm 2023 (32 dự án).

Cụ thể, có 410/712 dự án với tổng diện tích hơn 9.000ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 tăng 80 dự án so với cuối năm 2023 (330 dự án).

Trong đó, 12 dự án được đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố.

155 dự án sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại và được đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai.

9 dự án sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại (vướng mắc khi thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ), UBND TP đã có văn bản báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực trạng và giải pháp thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.

Đáng chú ý, có 153 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án, dừng triển khai hoặc chấm dứt việc giao chủ đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch.

Đối với 295 dự án với tổng diện tích hơn 2.200ha đất đã có chỉ đạo thực hiện tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid- 19. Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 giảm 55 dự án so với cuối năm 2023 (350 dự án).

Trong đó, có 110 dự án với tổng diện tích hơn 330ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng được UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng (có 42 dự án được kéo dài thời gian gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh Covid-19).

Đối với 185 dự án với tổng diện tích hơn 1.900ha đất, đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, UBND TP giao các Sở ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giám sát, tiếp tục đôn đốc thực hiện đối với từng dự án.

Chung cư là từ khóa “hot” nhất

Theo dữ liệu tổng hợp của Batdongsan.com.vn, chung cư Hà Nội là loại hình có biến động lượt tìm kiếm tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, với mức tăng khoảng 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhà riêng, nhà phố và biệt thự bán ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 33%, 27% và 9%.

Khan hiếm nguồn hàng và giá bán tăng vọt khiến chung cư Hà Nội tiệm cận mặt bằng giá chung cư Thành phố Hồ Chí Minh dù trước đó chưa đầy hai năm, khoảng cách này khá xa.

Lượt tìm kiếm các loại hình BĐS tại Thành phố Hồ Chí Minh tuy không biến động mạnh như Hà Nội nhưng cũng ghi nhận mức tăng khá cao. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất bán tăng 45%, lượt tìm kiếm nhà riêng tăng 34%, lượt tìm kiếm chung cư, biệt thự và nhà phố tăng lần lượt 33%, 25% và 22%.

Về giá bán, thị trường Hà Nội cũng ghi nhận sự bứt tốc về giá vượt trội hơn so với Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoại trừ loại hình chung cư ghi nhận giá bán tăng 6% so với cùng kỳ, các loại hình còn lại không có biến động đáng kể.

Trong khi đó tại Hà Nội, giá chung cư tăng vọt 31%. Thực tế, trong mấy tháng qua, bảng hàng sơ cấp tại Hà Nội hết sạch sau mỗi đợt mở bán dù giá tăng mạnh, với minh chứng rõ nhất là Lumi Hanoi và một số phân khu trong Khu đô thị Vinhomes Smart City như The Capony, Lumi Evergreen, Solar Park…

Cùng với chung cư, giá nhà riêng cũng tăng 32% so với nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm, nhiều người chuyển sang tìm kiếm nhà riêng ở cùng tầm giá từ 2-4 tỷ đồng, khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh. Tương tự, giá đất, giá biệt thự và nhà phố tại Hà Nội cũng tăng lần lượt 19%, 18% và 10%.

Tại thị trường Hà Nội, khan hiếm nguồn hàng và giá bán tăng vọt khiến chung cư Hà Nội tiệm cận mặt bằng giá chung cư Thành phố Hồ Chí Minh dù trước đó chưa đầy hai năm, khoảng cách này khá xa. Đáng chú ý, diễn biến tăng giá ở loại hình chung cư tại Hà Nội không phải là tình trạng cục bộ, mà diễn ra ở tất cả các phân khúc, khu vực và dự án. Hiện tại, loại hình chung cư đã hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì là loại hình có thanh khoản tốt nhất so với phần còn lại của thị trường.

Giao dịch nhà đất Lâm Đồng tăng

Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng vừa cung cấp thông tin, dữ liệu về lượng giao dịch và giá các loại hình BĐS qua công chứng trên địa bàn tỉnh trong quý II/2024.

Bất động sản tại Lâm Đồng trong quý 2/2024 tăng hơn 1.500 giao dịch.

Bất động sản tại Lâm Đồng trong quý 2/2024 tăng hơn 1.500 giao dịch.

Cụ thể, quý II/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng cộng 5.722 giao dịch BĐS, tổng giá trị hơn 7.031 tỷ đồng.

Trong đó, loại hình đất nền có 5.383 giao dịch với tổng giá trị 5.874 tỷ đồng. Địa phương có lượng giao dịch đất nền nhiều nhất là huyện Lâm Hà, với 1.064 giao dịch.

So với quý trước, đất nền tại Lâm Đồng trong quý 2/2024 tăng 1.572 giao dịch. Những nơi có lượng giao dịch phát sinh lớn là huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt.

Đối với nhà ở riêng lẻ, cả quý 2/2024, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 312 giao dịch, tổng giá trị 1.119 tỷ đồng. Trung bình, mỗi căn nhà có giá bán hơn 3,5 tỷ đồng. Phần lớn giao dịch nhà ở riêng lẻ tập trung tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.

So với quý I/2024, lượng giao dịch nhà ở riêng lẻ tại Lâm Đồng không có nhiều biến động. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy người dân đang “săn mua” loại hình nhà ở này tại huyện Đức Trọng.

Dẫn chứng là trong 3 tháng đầu năm nay, huyện Đức Trọng không có một giao dịch nhà ở riêng lẻ nào. Nhưng trong quý 2/2024, địa phương này đã có đến 145 giao dịch, dẫn đầu tỉnh.

Về loại hình căn hộ chung cư, giao dịch chủ yếu vẫn tập trung tại TP Đà Lạt. Ba tháng qua, nơi đây có 27 giao dịch với tổng giá trị 38,3 tỷ đồng. Trung bình, mỗi căn hộ có giá bán hơn 1,4 tỷ đồng. So với quý trước, giao dịch căn hộ tại Lâm Đồng trong quý 2/2024 tăng 6 giao dịch.

Bốn phương pháp định giá đất theo Nghị định 71/2024/NĐ-CP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, trong đó hướng dẫn bốn phương pháp định giá đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực.

Tại Khoản 5 Điều 158 Luật Đất đai 2024 quy định các phương pháp định giá đất bao gồm:

Một: Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá;

Hai: Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 3 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá đất;

Ba: Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

Bốn: Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường.

Bên cạnh đó, Nghị định 71/2024/NĐ-CP cũng quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất nông nghiệp và cả phi nông nghiệp.

Nghị định nêu rõ: Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tổ chức thực hiện định giá đất đề xuất để Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu, trình UBND cấp tỉnh quy định cụ thể các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để xác định mức tương đồng nhất định, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.

Trường hợp UBND cấp tỉnh chưa quy định cụ thể hoặc quy định còn thiếu các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, mức độ chênh lệch tối đa của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất, cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất thì tổ chức thực hiện định giá đất đề xuất cụ thể trong báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Nghị định còn nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng nguồn thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của tổ chức thực hiện định giá đất.

(tổng hợp)

H.A

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-dong-san-moi-nhat-bang-hang-chung-cu-so-cap-tai-ha-noi-het-sach-sau-moi-lan-mo-ban-4-phuong-phap-dinh-gia-dat-276748.html