Bất động sản năm 2023: Còn nhiều yếu tố bất lợi
Đang có nhiều yếu tố bất lợi khiến cho dự báo thị trường bất động sản chưa thể sôi động hơn…Nếu pháp lý được tháo gỡ cho các dự án bất động sản đang vướng mắc thì đây có thể là điểm sáng cho thị trường này.
Nhu cầu về nhà ở luôn cao, cả để đầu cơ chờ tăng giá bán kiếm lời và cả để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết tại diễn đàn Bất động sản 2022, do Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 28/10/2022.
“SỐT GIÁ” DO ĐẦU CƠ
Theo ông Đặng Hùng Võ, tình trạng ‘‘sốt’ giá” bất động sản có thể xảy ra tại bất kỳ đâu. Do thị trường bất động sản là một thị trường có quán tính cao, khó điều chỉnh kịp thời (do khối lượng vốn đầu tư quá lớn) nên tình trạng ‘‘sốt giá”, tích tụ “bong bóng”, nổ “bong bóng” luôn dẫn đến khủng hoảng tiền tệ (tại Nhật Bản), khủng hoảng tài chính (tại Hoa Kỳ) và thậm chí khủng hoảng kinh tế (tại Thái Lan) và cần một thời gian khá dài, cần nhiều tiền để khắc phục hậu quả về nợ xấu từ thế chấp tài sản là bất động sản.
Tại Việt Nam, tình trạng ‘‘sốt giá” bất động sản do thuế tài sản quá thấp nên cầu ảo liên quan đến đầu cơ và trữ tiền vào bất động sản luôn ở mức cao.
‘‘Giải pháp lâu dài là phải loại bỏ được tình trạng đầu cơ bất động sản và khuyến khích đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Muốn vậy, cần nghiên cứu kỹ sắc thuế bất động sản phù hợp. Cần có giải pháp kiểm soát lượng vốn đầu tư vào bất động sản so với đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa…’’, ông Võ nhấn mạnh.
Ngoài vấn đề “sốt giá”, tình trạng lệch pha cung – cầu ngày càng trầm trọng. Để giải quyết vấn đề này và gia tăng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp, theo ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, cần có 5 giải pháp.
Đó là triển khai chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hơi và đồng bộ; đẩy nhanh sửa đổi các quy định pháp luật liên quan và bổ sung quỹ đất; xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến xét duyệt đối tượng mua, nguồn vốn vay ưu đãi; rút ngắn quy trình thủ tục cấp phép dự án; xây dựng nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp và người mua với lãi suất phù hợp…
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường có sự lệch pha, thiếu an toàn, thiếu ổn định do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật… dẫn đến nhiều dự án vướng mắc nên nguồn cung thị trường bất động sản thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu… kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.
CHƯA THỂ “ẤM” LÊN?
Dự báo về thị trường bất động sản cho năm 2023, ông Võ cho rằng trong bối cảnh tình hình chung trên thế giới trong một năm nữa cũng khó thay đổi nhiều, ông Võ nhận định tình hình kinh tế các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… khả năng hướng xấu nhiều hơn tốt. Theo đó, nếu Chính phủ có những chính sách đặc thù hỗ trợ thị trường bất động sản thì thị trường này mới có xu hướng tích cực hơn.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, “bức tranh” bất động sản năm 2023 chưa sáng sủa, bởi việc thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn quá nhiêu khê.
Ông Châu cho rằng năm tới được coi là cơ hội vàng để giải quyết những khó khăn, chồng chéo những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản, bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
“Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đang được Quốc hội xem xét, một khi được thực thi sẽ tháo gỡ vướng mắc nguồn cung bất động sản…”, ông Châu nói.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bat-dong-san-nam-2023-con-nhieu-yeu-to-bat-loi.htm