Bất động sản phía Nam và nỗi lo hạ tầng 'chậm lớn'

Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là cánh tay nối dài của TP.HCM, nhưng việc hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ đô thị hóa khiến thị trường bất động sản các địa phương này dần mất điểm trong mắt nhà đầu tư.

Hạ tầng được hoàn thiện, hiện đại là tiêu chí hàng đầu tạo đà phát triển bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Nỗi kinh hoàng mang tên... kẹt xe

Cách đây 5 năm, khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe toàn tuyến, đánh dấu một mốc lớn trong việc kết nối giao thông liên vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bất động sản là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển đó.

Tuy nhiên, tuyến cao tốc này dù chỉ mới đưa vào sử dụng, nhưng đã gặp phải tình trạng quá tải vào những giờ cao điểm. Điều này cho thấy sự lỗi thời của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một số tuyến đường huyết mạch khác và khiến thị trường bất động sản ở các thị trường vùng ven TP.HCM cũng bị mất điểm theo.

Nhiều người than phiền, trước kia tình trạng kẹt xe chỉ xảy ra vào những ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, nay kẹt xe lan rộng thêm ngày thứ Sáu do người dân TP.HCM và các tỉnh miền Tây đi du lịch về Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng nhiều.

Chị Dung, ngụ tại quận 7, TP.HCM cho biết, vào cuối tuần, gia đình chị thường về TP. Vũng Tàu để nghỉ ngơi, nhưng thời gian gần đây, tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn xảy ra tình trạng quá tải, khiến mỗi lần có kế hoạch đi du lịch đều khiến gia đình chị phải đắn đo.

“Cách đây 1 tuần, khoảng 8h sáng, gia đình tôi bắt đầu di chuyển từ quận 7 về TP. Bà Rịa. Tuy nhiên, xe vừa lên tới cao tốc thì xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng. Hàng trăm ôtô nằm ì không nhúc nhích, đợi hơn 2 giờ đồng hồ vẫn chưa thể đi hết đoạn đường dẫn ngắn để vào cao tốc. Đến 11h trưa xe chúng tôi mới ra khỏi cao tốc để vào Quốc lộ 51”, chị Dung nhớ lại.

Là người thường xuyên đi trên tuyến cao tốc này, anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ quận Phú Nhuận cho biết, bình thường đi trên đoạn đường cao tốc dài khoảng 20 km chỉ mất khoảng 12 - 15 phút, nhưng lúc bị kẹt xe thì mất hàng giờ. Anh Tùng còn cho biết thêm, gia đình anh có ý định đầu tư vào một căn hộ nghỉ dưỡng tại TP. Bà Rịa để thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, nhưng nỗi kinh hoàng kẹt xe vào cuối tuần cũng khiến anh phải suy nghĩ lại.

Kẹt xe trên cao tốc luôn là nỗi kinh hoàng của người dân vào mỗi dịp cuối tuần. Ảnh: Lê Toàn

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1 là đoạn An Phú - Long Thành với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu, giai đoạn 2 hoàn chỉnh đoạn từ An Phú - Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành - Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.

Tuy nhiên, ngay khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trình phương án 3 tuyến đường chính kết nối TP.HCM và các địa phương khác với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề xuất mở rộng đoạn từ TP.HCM - Long Thành lên khoảng 10 - 12 làn xe và nhận định nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu.

Thực tế, dù Sân bay Long Thành còn chưa xây dựng, mà tuyến cao tốc này đã quá tải trầm trọng, thì khi Sân bay đi vào khai thác, tình trạng có thể còn trầm trọng hơn nếu không được nâng cấp mở rộng.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) - đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng phát đi văn bản khuyến cáo chủ phương tiện, lái xe lựa chọn lộ trình thích hợp trong khung giờ cao điểm các dịp hè, lễ, tết vì ùn ứ, ách tắc liên tục xảy ra, đặc biệt tại nút giao An Phú (quận 2) và nút giao đường cao tốc với Quốc lộ 51.

Hạ tầng chưa bắt kịp đô thị hóa

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, thời gian qua, thị trường phía Nam ghi nhận sự dịch chuyển làn sóng đầu tư từ TP.HCM ra các vùng phụ cận. Trong đó, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được xem là tâm điểm về phân khúc đất nền và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội đầu tư về những địa bàn này tuy khá nhiều, nhưng còn phụ thuộc vào kế hoạch phát triển các dự án hạ tầng giao thông trong tương lai.

Tại hội thảo “Hạ tầng giao thông khu vực Nam Bộ - vấn đề và giải pháp phát triển” được tổ chức tại TP.HCM vừa qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã chỉ ra điểm tắc nghẽn của phát triển kinh tế phía Nam chính là vấn đề kết nối giao thông. Bởi hiện nay, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư xứng tầm với sự phát triển kinh tế.

Ông Dương Như Hùng, đại diện nhóm chuyên gia Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, TP.HCM vừa là trung tâm, cũng là đầu tàu kinh tế rất phù hợp với vai trò “nhạc trưởng” để đứng ra tạo kết nối giao thông của khu vực Nam Bộ.

“Ảnh hưởng của hạ tầng giao thông tác động đến phát triển kinh tế là rất lớn, việc kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh vùng ven là rất cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội. Kết nối cần thông qua 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Hiện tại, các phương thức kết nối này chưa được đồng bộ, chỉ tập trung ở đường bộ, dẫn đến quá tải trong giao thông”, ông Hùng nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, quy hoạch các tuyến giao thông đường bộ của TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay theo 5 trục đường kết nối chính. Trong đó, tuyến Quốc lộ 1 cơ bản đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch; 2 tuyến đường cao tốc song hành gồm đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành giai đoạn 1; đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được đầu tư xây dựng.

Trong khi đó, 3 tuyến đường vành đai vẫn chưa được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch, chưa được khép kín. Đặc biệt, việc triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 3 nhằm giảm lưu lượng phương tiện di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm Thành phố, hỗ trợ kết nối giữa các tỉnh lân cận còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ, đầu mối giao thông của Thành phố.

“Việc phát triển hạ tầng giao thông gắn kết giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, TP.HCM sẽ phối hợp với các địa phương hướng tới triển khai đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, xem xét, giải quyết các nút thắt, điểm nghẽn về hạ tầng”, ông Liêm nói.

Tại đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hạ tầng chính là cú huých thúc đẩy đà tăng trưởng của kinh tế - xã hội, trong đó bất động sản là một lĩnh vực quan trọng. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM và các tỉnh phụ cận tăng nhanh, kéo theo thị trường bất động sản sôi động rõ rệt. Tuy nhiên, hạ tầng lại không phát triển kịp, đã ảnh hưởng tới đà phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương phía Nam nói chung và thị trường bất động sản khu vực nói riêng.

Qua những buổi hội thảo cũng như kiến nghị của cơ quan chức năng, có thể thấy rằng, các nhà chức trách đang cố gắng tìm giải pháp để giải quyết bài toán ách tắc giao thông, tuy nhiên đó sẽ là chuyện của nhiều năm sau, còn với nhà đầu tư và những người có nhu cầu nhà ở, hạ tầng hoàn thiện, hiện đại là một trong những tiêu chí không thể thiếu để xuống tiền đầu tư, mua nhà.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-phia-nam-va-noi-lo-ha-tang-cham-lon-216010.html