Bất động sản trầm lắng, doanh nghiệp xây dựng vẫn tăng tốc nhờ đâu?
Các công ty xây dựng vẫn mở rộng nguồn việc từ các hợp đồng xây dựng công nghiệp khu vực FDI và đầu tư công, một số khác lại tái cấu trúc chi phí để có kết quả khả quan trong nửa đầu năm nay.
Ngành xây dựng trải qua giai đoạn thách thức khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản trầm lắng, song được bù đặp bởi đầu tư công và FDI. Tăng trưởng của ngành bất ngờ đạt mức 7,34% trong nửa đầu năm 2024, mức cao nhất so với cùng kỳ các giai đoạn 2020-2024.
Chứng khoán Mirae Asset từng nhận định ngành xây dựng có đặc tính tăng trưởng vượt trội so với mức tăng của nền kinh tế (mục tiêu 6-6,5% năm 2024), do đó dự báo tăng trưởng toàn ngành trong năm nay khoảng 8-10%.
Kết quả này cũng thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn. Thống kế kết quả quý II cho thấy có 5/9 doanh nghiệp niêm yết mở rộng về quy mô doanh thu; thậm chí nếu xét về lợi nhuận có 7/9 đơn vị có sự tăng trưởng.
Những cái tên bứt phá
Doanh nghiệp đầu ngành là Coteccons (Mã: CTD) dẫn đầu xu hướng khi ghi nhận doanh thu kỷ lục gần 6.600 tỷ đồng trong quý vừa qua, cao hơn 82% so với kết quả cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 2,8% lên 3,4%
Hoạt động cốt lõi tăng trưởng cao giúp công ty tiếp tục có kỳ kinh doanh thuận lợi với lợi nhuận sau thuế 59 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ, dù các chi phí hoạt động tăng vọt.
Đây là năm đầu tiên Coteccons thực hiện niên độ tài chính chuyển đổi (từ 1/7/2023 - 30/6/2024). Trong niên độ mới, doanh nghiệp xây dựng chứng kiến doanh thu tăng trưởng 31% đạt 21.045 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp 4,3 lần cùng kỳ ở mức gần 300 tỷ đồng.
Mức tăng trưởng cao này là khác biệt trong bối cảnh ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản bị đóng băng thời gian dài, công ty đã chuyển hướng sang đẩy mạnh mảng xây dựng công nghiệp.
Chứng khoán FPT từng đánh giá tăng trưởng doanh thu của Coteccons nhờ sở hữu nguồn công việc lớn từ các dự án xây dựng công nghiệp, bất chấp mảng xây dựng dân dụng vẫn gặp khó vì thị trường bất động sản dân dụng ảm đạm.
Thực tế, công ty đã thắng được nhiều hợp đồng xây dựng cho đối tác công nghiệp nước ngoài như tổng thầu nhà máy Lego Bình Dương (tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD), Suntory Pepsico tại Long An (300 triệu USD), Pandora (150 triệu USD)...
Cienco 4 (Mã: C4G) bứt phá trong quý II với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, mở rộng 66% nhờ hưởng lợi từ đầu tư công. Phần lớn doanh số vẫn đến từ mảng truyền thống là hợp đồng xây dựng với tỷ trọng gần 90%, còn lại đến từ phí BOT và khác.
Theo đó, công ty báo lãi sau thuế hơn 60 tỷ đồng, tăng 88% so với quý II/2023 và là mức lãi quý cao nhất từ khi niêm yết. Lợi nhuận bán niên tăng 38% so với cùng kỳ đạt hơn 100 tỷ đồng.
Hưởng lợi tương tự trong đầu tư công là Lizen (Mã: LCG) khi doanh thu tăng thêm 61% đạt 770 tỷ đồng. Cộng thêm doanh thu tài chính tích cực giúp lợi nhuận công ty gấp đôi cùng kỳ đạt hơn 44 tỷ đồng.
Xây dựng SCG (Mã: SCG) đột phá khi doanh thu gấp 3 lần cùng kỳ đạt hơn 550 tỷ đồng khi một số dự án đã được quyết toán nên được hoàn nhập dự phòng một số chi phí dự phóng. Cộng thêm việc giảm lãi vay giúp doanh nghiệp đảo chiều từ lỗ sang có lãi đột biến hơn 110 tỷ đồng.
Kết quả này góp phần lớn đưa doanh thu bán niên gấp 2,3 lần đạt hơn 700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp 185 lần lên mức 123 tỷ đồng, qua đó sớm vượt 23% kế hoạch cả năm.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong khi đó, một số công ty xây dựng có liên quan nhiều đến bất động sản gặp khó khăn hơn. Chẳng hạn Hưng Thịnh Incons (Mã: HTN) báo cáo doanh thu sụt giảm 72% còn 437 tỷ đồng do sản lượng thi công thấp hơn đáng kể.
Điều này kéo theo lợi nhuận lao dốc 97% chỉ còn gần 2 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp chuyên xây dựng cho hệ sinh thái Tập đoàn Hưng Thịnh ghi nhận lợi nhuận giảm phân nửa còn 12 tỷ đồng, thực hiện 24% kế hoạch năm.
Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) báo lãi cao kỷ lục 684 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu nhờ bán máy móc thiết bị, giảm chi phí trong công tác tái cấu trúc và đặc biệt là hoàn nhập dự phòng chi phí quản lý doanh nghiệp.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn khó khăn khi doanh thu sụt 5% trong kỳ còn khoảng 2.160 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thậm chí còn lao dốc 74% xuống mốc 100 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp chỉ còn 5% so với mức 17% cùng kỳ.
Hòa Bình cũng đẩy mạnh tìm việc ngoài mảng xây dựng dân dụng truyền thống. Tập đoàn này ký kết xây dựng hạ tầng công nghiệp với CNCTech giai đoạn 2024-2026 với tổng giá trị khoảng 12.000 tỷ đồng, khởi công xây dựng dự án AEON Tân An...
Vinaconex (Mã: VCG) ghi nhận doanh thu thuần suy giảm 39% so với cùng kỳ còn 2.800 tỷ đồng. Nhờ tiết giảm các chi phí hoạt động mơígiúp công ty có lãi 163 tỷ đồng, tăng 25% so với quý II/2023.
Lũy kế từ đầu năm, Vinaconex ghi nhận 5.449 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17%. Cắt giảm chi phí là nguyên nhân chính giúp lãi sau thuế gấp 3,6 lần cùng kỳ lên 646 tỷ đồng, thực hiện 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Xây dựng 47 (Mã: C47) - công ty chuyên lĩnh vực xây dựng công trình năng lượng - cũng chứng kiến doanh thu suy giảm phân nửa còn 160 tỷ đồng và lãi lao dốc 80% còn hơn 1 tỷ đồng. Lợi nhuận bán niên chưa đến 3 tỷ đồng, thực hiện 10% kế hoạch năm.
Thực tế, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng ngành vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước nói chung và các vấn đề nội tại của ngành nói riêng.
Sự tăng trưởng của ngành xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công. Hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp vật liệu xây dựng và bất động sản.
Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết ngoại trừ một số doanh nghiệp có chuyên môn về hạ tầng kỹ thuật được chỉ định tham gia vào các gói hạ tầng kỹ thuật lớn quốc gia, còn lại do lĩnh vực bất động sản không có dự án mới nên đơn vị xây dựng cũng không có việc, đặc biệt là các công ty chuyên về xây dựng dân dụng.
Doanh nghiệp cũng chật vật với bài toán nợ đọng khi các chủ đầu tư chậm thanh toán. Coteccons có hơn 12.000 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng, trong đó nợ xấu tăng nhanh lên trên mức 2.240 tỷ đồng (gần 10% tổng tài sản).
Khoản phải thu ngắn hạn tại Fecon lên đến 3.900 tỷ đồng, tương ứng gần phân nửa tài sản doanh nghiệp. Hay Xây dựng Hòa Bình đang ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn trên 11.200 tỷ đồng, chiếm 72% tổng tài sản.
Theo https://doanhnghiepkinhdoanh.doanhnhanvn.vn/bat-dong-san-tram-lang-doanh-nghiep-xay-dung-van-tang-toc-nho-dau-4220248917730448.htm
Link bài gốc