Bắt đúng 'điểm nghẽn' để đề xuất các quyết sách phù hợp
Trước thềm phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, các chuyên gia kinh tế chỉ ra hàng loạt vấn đề cần được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tìm giải pháp. Mục tiêu hướng đến không chỉ là kết quả tăng trưởng cao cho năm 2024 mà còn là sự tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế:
Nhanh và quyết liệt hơn để tận dụng các cơ hội mới
Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức ổn định nhưng đã xuất hiện áp lực về giá cả, tỷ giá, lãi suất, giá vàng... ảnh hưởng đến tâm lý người dân - giải pháp nào để cân đối lãi suất, tỷ giá hối đoái tốt nhất? Lĩnh vực bất động sản cũng đang gặp nhiều bất lợi, đơn cử như nhu cầu nhà ở tăng cao nhưng nguồn cung chưa phân bổ hợp lý - để giải quyết vấn đề này, thúc đẩy thị trường bền vững thì cần những động lực nào?
Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các ĐBQH cần tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề này và có giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, gỡ vướng chính sách, thúc đẩy thị trường phát triển. Một số giải pháp cần thực hiện sắp tới đó là Chính phủ, Bộ Tài chính cân đối ngân sách để xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách tiếp tục miễn giảm 2% thuế VAT; giãn, hoãn hoặc miễn giảm các loại thuế phí, lệ phí có liên quan trực tiếp đến sản xuất kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp cũng phải xem xét lại năng lực của mình, tập trung vào vấn đề xanh hóa vì đây là yêu cầu bắt buộc tại các thị trường lớn.
Chúng ta chỉ còn hơn 6 tháng là kết thúc năm 2024 và còn 1 năm nữa kết thúc kế hoạch phát triển 5 năm (2021 - 2025). Hy vọng, tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội sẽ nhìn thẳng vào thực tế, bắt đúng điểm nghẽn để đề xuất các quyết sách phù hợp, mang tính thực tiễn, sâu sát; đặc biệt là phải nhanh và quyết liệt hơn nữa để tận dụng các cơ hội mới.
PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Ngân hàng:
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn
Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Trong phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, có hai vấn đề trọng tâm mà các ĐBQH cần làm rõ: đó là tăng trưởng tín dụng thấp và các gói đầu tư công giải ngân còn chậm.
Theo đó, tính đến ngày 23.4.2024, tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 2,66%) phần nào cho thấy còn nhiều cơn gió ngược trong năm 2024, cũng như niềm tin về triển vọng kinh doanh và ý định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp vẫn dè dặt. Đối với giải ngân đầu tư công, tính đến ngày 30.4.2024, giải ngân vốn đầu tư công là 115.906 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù cao hơn cùng kỳ năm ngoái (15,65%), song đây vẫn là một con số khiêm tốn sau 4 tháng đầu năm. Đặc biệt, hiện vẫn còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0%, 25 địa phương giải ngân dưới 15%.
Về các giải pháp, đối với tăng trưởng tín dụng, cần tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng phải triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, trong đó có chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với giải ngân đầu tư công, các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án, công trình, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Bổ sung vốn kịp thời cho các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; hạn chế tình trạng nợ đọng thanh toán cho các dự án, công trình làm ảnh hưởng đến vòng quay vốn của đơn vị thi công. Đồng thời, tích cực rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.
TS. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế:
Tìm giải pháp cho đồng bằng sông Cửu Long
Quý I.2024 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực song chúng ta còn phải đối mặt nhiều khó khăn trong những quý sắp tới. Cụ thể, các ĐBQH cần làm rõ 4 vấn đề đang được cử tri quan tâm.
Đầu tiên, dòng tiền là xương sống của doanh nghiệp nhưng hiện một số doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được nguồn vốn. Quốc hội cần làm rõ vấn đề lãi suất, dòng tiền để doanh nghiệp có dòng vốn đầu tư, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong những quý tiếp theo. Tiếp đến, cơ chế, thủ tục hành chính theo khảo sát của doanh nghiệp và người dân cũng còn đang rất chậm, chưa mang lại khác biệt nhiều so với trước. Quốc hội cần làm rõ và có giải pháp để hỗ trợ vấn đề này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành nhiều Chỉ thị nhưng đến giờ giá vàng vẫn cao hơn giá vàng thế giới 16 - 17 triệu đồng/lượng. Cách nào để giá thị trường trong nước và thế giới không chênh lệch nhiều, có hay không tình trạng đầu cơ, công cụ nào ổn định thị trường vàng là những vấn đề cần đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội.
Cuối cùng, đồng bằng sông Cửu Long - vùng chủ lực sản xuất lúa gạo, trái cây - vẫn thiếu công cụ, giải pháp ngăn mặn, thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu. Nông sản của vùng chủ yếu phục vụ xuất khẩu, vì vậy, Quốc hội cần thảo luận về các giải pháp để giúp đồng bằng sông Cửu Long thích ứng được với biến đổi khí hậu, với hạn mặn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cá nhân tôi kỳ vọng sau phiên thảo luận, Quốc hội và Chính phủ sẽ có những giải pháp hiệu quả, khả thi để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như toàn nền kinh tế. Chúng ta không chỉ hướng tới mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 mà cần lưu ý về các yếu tố nền tảng, các chính sách, biện pháp hướng tới mục tiêu trung hạn để tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo.