Bắt giám đốc công ty sản xuất phân bón giả với số lượng rất lớn tại Thanh Hóa
Công an Thanh Hóa phát hiện và tạm giữ hơn 100 tấn phân bón hỗn hợp nhập khẩu do Công ty Sản xuất Thương mại tổng hợp Cường Phát sản xuất có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh, sản xuất...
Công an thành phố Thanh Hóa thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Cường.
Sáng 30/5/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thanh Hóa đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Văn Cường, sinh năm 1982, Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
Trước đó, ngày 17/5/2022, qua công tác kiểm tra hành chính, Công an thành phố Thanh Hóa đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 tấn phân bón hỗn hợp nhập khẩu do Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại tổng hợp Cường Phát sản xuất có nhiều dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón.
Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng phân bón tại Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Cường Phát.
Công an thành phố đã tiến hành mã hóa các mẫu phẩm để gửi trưng cầu giám định phân tích các thành phần cấu thành sản phẩm. Qua đó đã phát hiện hơn 100 tấn phân bón nói trên không đủ tiêu chuẩn, trong đó có hơn 13 tấn là hàng giả, không có giá trị sử dụng.
Tại cơ quan Công an, Hoàng Văn Cường khai nhận đã chỉ đạo công nhân bỏ thiếu 40% hàm lượng kali trong thành phần của phân bón hỗn hợp nhập khẩu so với tiêu chuẩn đã công bố để hạ giá thành sản phẩm.
Vụ việc tại Thanh Hóa tiếp tục cho thấy, vấn nạn phân bón giả đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh thành tại Việt Nam.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ năm 2021 trở lại đây giá phân bón đã tăng gấp đôi khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Xuất phát từ những yếu tố này đã có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cũng cho hay, hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó.
Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả.
Phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất thấp, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết.
Để tránh tình trạng mua phải phân bón giả, nhiều chuyên gia cho rằng nông dân nên hạn chế mua phân bón trôi nổi, chọn mua phân bón tại những cơ sở uy tín, mặt hàng có thương hiệu, bao bì rõ ràng.