Bất lực với tiếng ồn

Khoảng 19 giờ tối một ngày đầu tháng 9 năm 2023, trong khi đang trực ở cơ quan, tôi nhận được cuộc gọi của một bà giáo già cạnh nhà (phường TTT, quận 7, TPHCM) cầu cứu:

“Cháu cứu cô với, không cô chết mất!”. Bà kể, từ chiều đến giờ, một gia đình ở đối diện che rạp và bày tiệc ngoài đường rồi bật loa kẹo kéo nhảy múa, hát hò inh ỏi. “Cô bị bệnh tim nặng nên không chịu nổi với áp lực âm thanh của những chiếc loa công suất lớn dội thẳng vào nhà”, bà giáo thều thào.

Qua điện thoại của bà giáo, tôi nghe rõ những âm thanh ình ình phát ra từ những chiếc loa của nhà hàng xóm nên lập tức gọi điện cho một số cán bộ địa phương để báo tình hình và đề nghị họ can thiệp. Những người được tôi gọi, họ đều nói rằng sẽ báo cho cơ quan chức trách địa phương để xử lý ngay.

Nghe thế, tôi yên tâm tiếp tục công việc. Nhưng một lúc lâu sau bà giáo già lại nhắn tin cho biết không thấy ai đến can thiệp và tình trạng hò hét ngày càng tăng. “Cô không biết lánh nạn ở đâu được”, bà giáo nhắn một cách tuyệt vọng.

Thấy việc khá nghiêm trọng, tôi vội thu xếp công việc để chạy về. Đến nơi thì chứng kiến cảnh ăn nhậu, hò hét inh ỏi cả xóm. Những thực khách ngà ngà bia rượu cố hết sức gào vào micro đủ loại bài hát, trong đó cả những bài nhảm nhí.

Cũng vì những âm thanh quá cỡ, hai con tôi không thể tập trung học bài. Nhiều người trong xóm bức xúc với sự tra tấn bằng âm thanh này nên cũng đã gọi báo chính quyền nhưng chờ mãi, khoảng 21 giờ đêm mới có người của chính quyền địa phương đến giải vây.

Nạn hát karaoke bằng loa di động, thường được gọi là loa kẹo kéo, xuất hiện ở mọi nơi, từ nhà hàng, quán nhậu ngoài đường phố đến từng gia đình trong các ngõ ngách. Chúng được cất lên bất kể ngày đêm và với mọi lý do. Vui hát, buồn cũng bật loa kẹo kéo lên hát kiểu “đắp mộ cuộc tình”, gây cho người dân bao nỗi ám ảnh.

Để quản lý tình trạng gây ồn bằng karaoke, loa kẹo kéo, TPHCM đã thiết lập nhiều kênh tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng, mạng xã hội lẫn kênh trực tiếp từ phường, xã. Qua ghi nhận, phần lớn phản ánh tiếng ồn được gửi đến Tổng đài 1022, chiếm hơn 80%, số còn lại rải rác ở kênh các địa phương.

Tổng đài ghi nhận 11.115 tin phản ảnh về tình trạng tiếng ồn, hát karaoke bằng loa kẹo kéo. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, các địa phương trên địa bàn TPHCM ghi nhận gần 6.000 trường hợp tin báo về tiếng ồn. Trong đó, chỉ có 45 trường hợp bị xử phạt, còn lại là nhắc nhở.

Karaoke và hát hò thông qua loa kẹo kéo không còn là sự giải trí đơn thuần mà từ lâu đã trở thành vấn nạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân. Chính phủ cũng đã có quy định về việc xử phạt những hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn ảnh hưởng cộng đồng.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, chính quyền đã thiếu kiên quyết, thậm chí nại nhiều lý do như mức phạt không đủ sức răn đe, hoặc không có chuyên môn hay phương tiện đo âm lượng… để làm ngơ và con số kể trên phần nào nói lên điều đó.

Nếu có đủ quyết tâm và thật sự vì sự bình yên của người dân, chính quyền các địa phương sẽ không bất lực trước đại dịch ô nhiễm tiếng ồn.

Đại Dương

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-luc-voi-tieng-on-post1606041.tpo