Bắt mạch bệnh vô cảm
Nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm là do người ta ngại phiền phức, sợ vạ lây, sợ bị trả thù, sợ mất thời gian, sợ liên lụy và cả thiếu ý thức cộng đồng
Câu chuyện một phụ nữ bị thương nặng và tử vong sau khi va chạm taxi ở quận Tân Phú (TP HCM) một lần nữa khiến dư luận bức xúc. Chưa bàn đến việc trong trường hợp đó nên hay không nên đưa nạn nhân lên xe đi cấp cứu ngay (vì có những trường hợp làm không đúng cách sẽ nguy hiểm hơn cho nạn nhân), chỉ riêng hình ảnh nhiều người qua lại rồi bỏ mặc nạn nhân nằm trơ trọi trên vỉa hè cũng đủ dấy lên nỗi lo trước sự thờ ơ, vô cảm đang diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Nhiều biểu hiện của vô cảm
Nhắc đến đây lại nhớ cái chết tức tưởi của em L.N.Tr (SN 2002; ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM). Sáng 14-12-2018, xe máy do Tr. điều khiển tông vào đuôi xe tải khiến Tr. bị đứt mạch máu chủ ở đùi. Tai nạn xảy ra vào thời điểm đông người nhưng người ta chỉ hiếu kỳ đứng xem hoặc vội vàng bỏ đi. Một người đàn bà dừng lại năn nỉ những người xung quanh đưa em đi cấp cứu. "Tôi vừa vuốt ngực vừa an ủi kêu nó hít sâu vào, rồi vẫy mấy chiếc xe hơi, xe ba gác nhưng họ chạy luôn" - bà Mười chua xót kể lại. Đến 7 giờ 30 phút, Tr. được công an xã đưa đến một phòng khám đa khoa gần đó sơ cứu rồi nằm chờ người nhà đến.
"9 giờ 30 phút chúng tôi hay tin, đến nơi thì thằng bé đã rất yếu. Khi đến Bệnh viện 115, bác sĩ lắc đầu nói thằng nhỏ chết do mất nhiều máu. Từ lúc nó nằm ngoài đường đến khi được đưa đi bệnh viện gần 3 tiếng rưỡi, máu cũng cạn khô. Giá mà có ai đưa nó đến bệnh viện ngay khi tai nạn xảy ra hoặc bớt chút thời gian điện thoại gọi cấp cứu 115, gọi công an xã sớm hơn; giá mà phòng khám đa khoa dùng xe cấp cứu chuyển nó đến bệnh viện lớn chứ không chờ người nhà…, có thể nó không chết" - bà L.T.Th, mẹ Tr., đau xót kể lại.
Trên đây chỉ là 2 trường hợp điển hình. Thực tế, bệnh vô cảm còn biểu hiện dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Đó là việc không biết nói lời "xin lỗi" khi làm sai và "cảm ơn" khi được giúp đỡ; thản nhiên ném rác trên mặt đường công nhân vệ sinh vừa mới quét xong, đẩy vỏ quả dừa tươi, ly nhựa, bao ni-lông xuống miệng hố ga với suy nghĩ đã có người khác dọn. Hay viên gạch bị rơi giữa đường, không ai nhặt đem chúng vào lề để rồi có người té xe vì cán phải; nhìn thấy các đối tượng trộm cắp, móc túi trên các chuyến xe buýt, xe khách nhưng không dám lên tiếng cảnh báo, phản ứng vì sợ bị trả thù...
Ở mức độ cao của bệnh vô cảm, đó là việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng để thu lợi nhuận cao bất chấp những tác hại về sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng; gây khó khăn với người dân, doanh nghiệp để vụ lợi, thậm chí đang tâm ăn chặn của thương binh, gia đình chính sách, người tàn tật, hộ nghèo…
Bệnh vô cảm còn vào trong các gia đình khi có nhà cha mẹ bệnh nặng nằm liệt giường mà con cái không đoái hoài đến; anh em ruột thịt tranh giành đất đai…
Lan tỏa ngọn lửa nhân ái
Bệnh vô cảm có từ đâu? Có lẽ không khó để nhận ra nguyên nhân. Giữa những áp lực của cuộc sống, nhiều người chọn cho mình cách sống thờ ơ, chỉ coi trọng bản thân, không quan tâm đến những vấn đề của người khác, của cộng đồng. Cũng vì đặt bản thân lên trên nên họ sẽ nảy sinh những sự so sánh thiệt hơn, ngại phiền phức, sợ vạ lây, sợ bị trả thù, sợ mất thời gian, sợ liên lụy và cả thiếu ý thức cộng đồng… Ngoài ra, hành lang pháp lý trong việc bảo vệ người ngay vẫn còn chưa hoàn thiện, không ít người làm ơn mắc oán khiến con người mất dần niềm tin vào cái tốt, lòng nhân ái.
Để chữa được bệnh vô cảm thực ra không đơn giản, trước hết cần được triển khai trong từng gia đình, giáo dục trẻ bằng những hành vi ứng xử mẫu mực của người lớn. Bên cạnh đó, xã hội cần nhân rộng, tôn vinh, lan tỏa ngọn lửa nhân ái để cái tốt, cái thiện ở thế thượng phong, hợp lực tạo nên sức mạnh, từng bước đẩy lùi cái xấu, cái ác, lúc đó sự vô cảm cũng sẽ mất dần đi.
Từng nợ ơn người cứu mình giữa đường khi gặp tai nạn, ông Nguyễn Văn Đô (61 tuổi) kể lại: "Ai cũng có lý do để lướt qua một người bị nạn nhưng ai cũng lướt qua thì tình người đâu còn ấm? Tôi từng may mắn được một thanh niên đón taxi đưa đến bệnh viện khi bị xe buýt tông gãy chân. Ngồi trên xe, người thanh niên an ủi, động viên tôi, gọi điện cho người nhà tôi rồi trả tiền taxi. Tôi rất biết ơn và thầm hứa nếu gặp người bị nạn phải cố giúp. Có thể chúng ta ngại đưa nạn nhân đi bệnh viện giữa đêm khuya nhưng đâu khó tìm số điện thoại của công an phường, xã, CSGT quận, huyện nơi xảy ra tai nạn. Tôi tin các cơ quan này không bỏ mặc người gặp nạn. Khi họ đến, chúng ta hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu thì không sợ bị đánh oan hay nghi ngờ là người gây tai nạn".
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/bat-mach-benh-vo-cam-20190701214306678.htm