Bật mí 3 mốc thời gian được xét cấp sổ đỏ đối với đất không giấy tờ theo quy định mới nhất
Dưới đây là các thông tin 3 mốc thời gian được cấp sổ đỏ đối với đất không giấy tờ theo quy định mới nhất của Luật Đất đai 2024.
3 mốc thời gian sẽ được xét cấp sổ đỏ đối với đất không có giấy tờ theo Luật Đất đai 2024
Theo Điều 138 Luật Đất đai 2024, quy định 3 giai đoạn được cấp sổ đỏ đối với đất không giấy tờ gồm:
- Giai đoạn 1: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định trước ngày 18/12/1980, nay được Ủy ban nhân dân (UBND) xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.
- Giai đoạn 2: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định từ 18/12/1980 đến trước 15/10/1993, nay được UBND xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
- Giai đoạn 3: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ổn định từ 15/10/1993 đến trước 01/7/2014, nay được UBND xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp.
Riêng đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sử dụng đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 thì được cấp sổ đỏ nếu đủ các điều kiện sau:
+ Đã sử dụng đất ổn định trước ngày 01/7/2014.
+ Không vi phạm pháp luật về đất đai, tức là không lấn chiếm đất công, không sử dụng đất sai mục đích.
+ Được UBND cấp xã xác nhận là không có tranh chấp.

Đất không giấy tờ được quy định cụ thể theo Luật Đất đai 2024. Ảnh minh họa: TL
Những loại đất nào được gọi là đất không giấy tờ?
Theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024, đất không có giấy tờ là đất không có một trong những loại giấy tờ về quyền sử dụng sau đây:
(1) Đất đang sử dụng ổn định mà thiếu một trong các loại giấy tờ được lập trước ngày 15/10/1993 gồm:
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nước ta từ thời Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- 01 trong những giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp bao gồm:
+ Bằng khoán điền thổ.
+ Văn tự đoạn mãi bất động sản có dấu chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
+ Văn tự mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế nhà ở gắn liền với đất có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
+ Di chúc/Thỏa thuận phân chia di sản.
+ Giấy phép cho xây cất nhà ở.
+ Giấy phép hợp thức hóa kiến trúc được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.
+ Bản án của tòa án thuộc chế độ cũ có hiệu lực thi hành.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời/Giấy tờ chứng minh có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính.
- Giấy tờ chuyển nhượng, mua bán nhà đất được UBND xã xác nhận đã sử dụng đất từ trước 15/10/1993.
- Sổ mục kê, sổ kiến điền lập trước 18/12/1980 mà có tên người sử dụng đất.
- Một trong những những giấy tờ được lập theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng gồm:
+ Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp.
+ Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND xã/Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã/cơ quan quản lý đất cấp huyện, cấp tỉnh lập.
+ Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất.
+ Giấy tờ chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của UBND xã, huyện.
+ Giấy tờ kê khai, đăng ký nhà cửa đã được UBND xã, huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận.
- Đất được giao cho cán bộ, chiến sĩ làm nhà ở theo Chỉ thị 282/CT-QP ngày 11/7/1991 nhưng lại thiếu giấy tờ giao đất (việc giao đất đó đã được phê duyệt tại thời điểm giao đất và phù hợp với quy hoạch).
- Danh sách/văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới hoặc di dân tái định cư được UBND huyện, tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy tờ về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được UBND huyện, tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Giấy tờ tạm giao đất của UBND cấp huyện, tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được UBND xã, huyện, tỉnh/hợp tác xã phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01/7/1980.
- Giấy tờ công nhận việc giao đất, bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng đất được UBND cấp tỉnh cấp trước 15/10/1993 phù hợp với thực tiễn tùy địa phương.
(2) Đất được giao làm nhà ở kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp trước 01/7/2004 mà thiếu giấy tờ công nhận việc giao đất của nông, lâm trường quốc doanh.
(3) Đất sử dụng ổn định của hộ gia đình, cá nhân mà thiếu:
- Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế, tặng cho nhà đất.
- Giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất.
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà đất.
- Giấy tờ chứng minh đã mua nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước theo quy định.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
(4) Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ 15/10/1993 đến trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
(5) Đất tại các mục 1, 2, 3, 4 mà giấy tờ ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất.
(6) Đất tranh chấp mà chưa có.
- Bản án/quyết định của tòa hoặc trọng tài thương mại.
- Quyết định thi hành án.
- Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất.
- Văn bản công nhận hòa giải thành.
(7) Đất bị thất lạc bản gốc giấy tờ và cơ quan nhà nước cũng không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ này.

Trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu được thực hiện theo Điều 36 Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Ảnh minh họa: TL
Quy định về thủ tục cấp sổ đỏ như thế nào?
Trình tự, thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu được thực hiện theo Điều 36 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất:
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Lập tờ trình theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Nghị định 101/2024/NĐ-CP trình UBND cấp huyện ký giấy chứng chứng nhận (trường hợp là thuê đất thì tình UBND ký quyết định cho thuê, ký giấy chứng chứng nhận và hợp đồng thuê đất).
- Bước 2: Chuyển giấy chứng nhận, hợp đồng thuê, đối với trường hợp thuê đất cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Bước 3: Chuyển hồ sơ kèm theo bản sao sổ đỏ, sổ hồng đã cấp đến văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
* Đối với tổ chức đang sử dụng đất, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận thừa kế quyền sử dụng đất
Sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh thực hiện:
- Bước 1: Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký giấy chứng nhận (bao gồm cả trường hợp được ủy quyền); ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất;
- Bước 2: Chuyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất;
- Bước 3: Chuyển hồ sơ kèm theo bản sao giấy chứng nhận đã cấp đến văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Đối với hộ gia đình, cá nhân đã có thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai
- Bước 1: Người sử dụng đất nộp thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất và đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
- Bước 2: UBND cấp xã khai thác thông tin về hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất trong cơ sở dữ liệu đất đai hoặc đề nghị văn phòng đăng ký đất đai cung cấp hồ sơ nếu không khai thác được thông tin.
- Bước 3: Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện thực hiện công việc quản lý đất:
+ Đối với với có bản đồ địa chính: thực hiện trích lục địa chính.
+ Đối với nơi chưa có bản đồ địa chính: đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo bản đồ địa chính.
Trường hợp trong hồ sơ đăng ký, cấp sổ hồng chưa có mảnh trích đo bản đồ địa chính thì đề nghị cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc trích đo bản đồ địa chính.
Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo bản đồ địa chính hoặc thực hiện trích đo bản đồ địa chính trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện, người sử dụng đất phải trả chi phí theo quy định;
+ Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng mà không có giấy tờ thì gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện về đủ điều kiện tồn tại nhà ở, công trình xây dựng đó. Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc cơ quan có chức năng quản lý về xây dựng cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai;
+ Kiểm tra việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp sổ hồng;
+ Chuyển thông báo xác nhận kết quả đăng ký đất đai theo Mẫu số 03/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến nơi nộp hồ sơ để trả cho người yêu cầu đăng ký đối với trường hợp không có nhu cầu cấp sổ hồng hoặc không đủ điều kiện cấp sổ hồng; chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
+ Trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp sổ hồng thì gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để cơ quan thuế xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập, cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Cấp sổ đỏ lần đầu mất thời gian bao lâu?
Tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 20 ngày làm việc; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu là không quá 3 ngày làm việc.
Theo đó, cả quá trình thực hiện đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất lần đầu và cấp sổ đỏ lần đầu là không quá 23 ngày làm việc.
Trước đây, tại điểm a khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định thời gian cả quá trình là 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.