Sau khi bỏ cấp huyện, người dân làm thủ tục đất đai ở đâu?

Việc sáp nhập tỉnh và bỏ cấp huyện khiến nhiều người hoang mang không biết phải đến đâu để giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, tuy nhiên theo các quy định mới nhất thì quy trình này không có gì quá rắc rối.

Cụ thể, theo Quyết định 629/QĐ-BNNMT năm 2025, mặc dù có thay đổi về mặt tổ chức hành chính, nhưng thủ tục về đất đai vẫn được đảm bảo thực hiện liên tục tại các cơ quan có thẩm quyền như UBND cấp xã, Văn phòng hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, cơ quan thuế và các cơ quan chuyên môn về đất đai hoặc xây dựng cấp huyện (nếu còn duy trì).

Thực tế, việc bỏ cấp huyện chỉ làm thay đổi về thẩm quyền hoặc thời gian thực hiện thủ tục, chứ không ảnh hưởng đến quyền lợi hay quy trình của người dân. Những cơ quan thay thế như các chi nhánh đăng ký đất đai, UBND cấp xã, phường hay thị trấn giờ đây sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ đất đai, đảm bảo không bị gián đoạn hay gây khó dễ trong quá trình thực hiện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, khi sáp nhập tỉnh, nhiều chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai được tái cơ cấu để tối ưu hóa bộ máy, giúp việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính nhanh hơn, gọn hơn và chuyên nghiệp hơn. Các chi nhánh này dù có thay đổi về tên gọi hay cơ cấu tổ chức nhưng vẫn giữ nguyên chức năng giống như Văn phòng Đăng ký đất đai trước đây. Điều này giúp tăng tính đồng bộ, giảm trùng lặp và nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai.

Trong hệ thống hành chính mới, UBND cấp xã vẫn sẽ là nơi tiếp nhận và giải quyết hàng loạt thủ tục dân sinh quan trọng như đăng ký hộ tịch, chứng thực giấy tờ, đăng ký xây dựng, kinh doanh cá thể và tất nhiên là cả thủ tục liên quan đến đất đai. Trong khi đó, cấp tỉnh sẽ phụ trách những vấn đề mang tính tổng thể, liên ngành và có tầm chiến lược như đầu tư công, quy hoạch, hạ tầng…

Song song đó, người dân cũng được khuyến khích sử dụng các nền tảng dịch vụ công trực tuyến và trung tâm hành chính công một cửa tại các tỉnh, thành phố. Những nền tảng này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, công sức mà còn tăng tính minh bạch, công bằng trong quá trình xử lý hồ sơ. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn không ít điểm nghẽn như dữ liệu quản lý bị phân tán, thiếu cập nhật kịp thời và việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan còn chưa trơn tru. Điều này đôi lúc gây ra sự chậm trễ hoặc phiền hà trong quá trình giải quyết thủ tục cho người dân.

Một điểm đáng chú ý là sau khi sáp nhập, người dân không bắt buộc phải đi đổi ngay các giấy tờ cá nhân, nhưng Bộ Công an vẫn khuyến khích mọi người chủ động cập nhật thông tin theo địa giới hành chính mới để tránh rắc rối về sau khi làm các thủ tục pháp lý, giao dịch hay xác minh nhân thân. Đặc biệt, việc cập nhật thông tin này hoàn toàn miễn phí trong một số trường hợp như thay đổi nơi sinh, quê quán trong giấy khai sinh. Các dữ liệu này sẽ được Bộ Công an phối hợp cùng Bộ Tư pháp cập nhật đồng bộ trên toàn hệ thống, giúp người dân không phải lo lắng về chuyện "chạy giấy" hay thủ tục rườm rà như trước.

Mộc Chân (tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tu-van-phap-luat/sau-khi-bo-cap-huyen-nguoi-dan-lam-thu-tuc-dat-dai-o-dau/20250511091335117