Bật mí cách làm kẹo cu đơ trứ danh Hà Tĩnh

Lạc rang giòn nấu với mật mía và thêm chút gừng tươi thái sợi khuấy đều,… tạo nên hương vị ngọt ngào trứ danh của cu đơ Hà Tĩnh.

Cu đơ - tên gọi đặc biệt thú vị và khiến không ít người cảm thấy hài hước. Trái ngược với những cơn gió Lào khắc nghiệt, cu đơ Hà Tĩnh luôn ngọt ngào, dẻo dai và có một sức hút đặc biệt đối với mỗi du khách khi ghé thăm nơi đây.

Kẹo cu đơ đã có từ lâu đời và khá quen thuộc đối với mọi người, tuy nhiên để hỏi về nguồn gốc của loại kẹo này không phải ai cũng biết.

Cu đơ Hà Tĩnh thường được dùng chung với nước chè xanh. (Ảnh: Đ.H)

Cu đơ Hà Tĩnh thường được dùng chung với nước chè xanh. (Ảnh: Đ.H)

Tương truyền, nghề nấu kẹo cu đơ tại Hà Tĩnh được một cặp vợ chồng nghèo tạo nên trong dịp cưới hỏi của con trai mình. Do không có gì để thiết đãi khách khứa, hai vợ chồng nhà này đã lấy mật mía và lạc ra để nấu thử.

Lạc rang giòn nấu với mật mía và thêm chút gừng tươi thái sợi vào khuấy đều. Một thứ kẹo ngẫu hứng nhưng lại được khách khứa vô cùng ủng hộ và tấm tắc khen ngon.

Sau một thời gian, gia đình ông đã kết hợp với bánh tráng, một loại bánh được làm từ gạo trắng, giã bột và nướng giòn. Từ đó kẹo cu đơ ra đời.

Thuở đầu, món kẹo này được gia đình ông đặt tên là kẹo cu hai – tên gọi của con trai ông. Nhưng sau một thời gian dài, khi người Pháp tới Việt Nam, họ gọi lái thành kẹo cu đơ, bởi theo tiếng Pháp từ “hai” là Duex.

Dưới đây là cách làm cu đơ Hà Tĩnh ngon, chuẩn vị mà bạn có thể làm tại nhà, không cần phải đi xa để thưởng thức hương vị chính gốc nữa.

Cách làm kẹo cu đơ Hà Tĩnh

Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu

Bánh đa nướng/Bánh tráng nướng (1 cái kẹo cần 2 bánh)

300gr đậu phộng (Nên chọn hạt to tròn, bấm món tay vào hạt có cảm giác chắc, mẩy. Hạt đều, không bị lẫn các hạt lép, hư thối)

150ml mật mía

100gr mạch nha nếp

1-2 nhánh gừng

Bước 2: Chế biến nguyên liệu

Đầu tiên bạn đặt một cái nồi hoặc chảo có đáy dày lên bếp bật lửa nhỏ vừa sau đó cho đậu phộng vào rang. Khi đậu phộng thơm, vỏ hơi chuyển màu hơi rám thì tắt bếp và đổ đậu ra rổ để nguội.

Gừng nhánh rửa sạch, cạo vỏ rồi cắt nhuyễn gừng.

Bước 3: Nấu mật

Cho 150ml mật mía vào chảo lòng sâu, sau đó cho tiếp 100gr mạch nha nếp và 20ml nước cốt gừng rồi dùng thìa khuấy cho hỗn hợp tan vào nhau.

Tiếp đến bạn đặt chảo lên bếp, đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều tay. Khi mật đã nấu đủ độ thì cho gừng cắt nhỏ và đậu phộng rang vào, đảo đều liên tục trong 1 phút rồi tắt bếp.

Mẹo: Để xác định mật đã nấu đúng độ hay chưa, bạn chuẩn bị một chén nước rồi dùng muỗng múc một ít mật rồi nhỏ một vài giọt mật vào trong một cái chén đựng nước. Nếu mật chuyển sang màu cánh gián, tạo thành giọt tròn đều và không tan trong nước thì mật đã nấu tới rồi đấy.

Bước 4: Đổ kẹo

Đặt bánh tráng lên đĩa, rồi múc kẹo cho vào bánh tráng. Xong bạn lấy miếng bánh tráng thứ 2 kẹp vào khi lớp mật còn nóng là hoàn thành món kẹo Cu Đơ.

Đậu phộng bùi bùi beo béo, gừng thơm cay hòa quyện với lớp mật đường ngọt ngào, cắn một miếng kẹo giòn thơm béo ngọt. Để bảo quản kẹo bạn cho kẹo vào túi bóng khi kẹo đã nguội rồi bảo quản nơi thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh nhé.

CẨM TÚ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bat-mi-cach-lam-keo-cu-do-tru-danh-ha-tinh-ar764178.html