Bất ngờ địa phương có thu nhập cao nhất Việt Nam
Bình Dương tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu nhập bình quân năm 2024, đạt hơn 8,9 triệu đồng/người/tháng, vượt Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành phát triển khác.

Với mức thu nhập bình quân hơn 8,9 triệu đồng/người/tháng, Bình Dương tiếp tục là tỉnh có mức sống cao nhất cả nước trong năm 2024. Ảnh: Quỳnh Danh.
Cục Thống kê - Bộ Tài chính vừa công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người cả nước đạt 5,4 triệu đồng/tháng, tăng 9,1% so với năm 2023.
Tại khu vực thành thị, thu nhập bình quân đạt 6,9 triệu đồng, cao gấp 1,5 lần so với khu vực nông thôn (4,5 triệu đồng).
Chênh lệch thu nhập giữa các vùng và địa phương
Trong các vùng kinh tế, Đông Nam Bộ dẫn đầu với mức thu nhập bình quân gần 7,1 triệu đồng/người/tháng. Ngược lại, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thu nhập thấp nhất, chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng.
Xét theo cấp tỉnh, Bình Dương tiếp tục là địa phương có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, đạt hơn 8,9 triệu đồng/người/tháng, theo sau là Hà Nội với 7,55 triệu đồng.
Ba địa phương còn lại trong nhóm 5 tỉnh, thành có thu nhập cao gồm: Đồng Nai, TP.HCM và Hải Phòng, đều có mức bình quân trên 7 triệu đồng.
Top 10 địa phương có thu nhập cao còn có: Đà Nẵng, Cần Thơ, Nam Định, Ninh Bình và Quảng Ninh. Trong đó, Ninh Bình và Quảng Ninh là hai cái tên mới xuất hiện trong danh sách, thay thế cho Vĩnh Phúc và Hải Dương so với năm 2023.
Ở chiều ngược lại, có tới 40 tỉnh, thành có mức thu nhập thấp hơn mức bình quân chung. Trong đó, Điện Biên là địa phương có thu nhập thấp nhất, chỉ 2,38 triệu đồng/người/tháng. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khác như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng và Bắc Kạn cũng ghi nhận mức thu nhập bình quân dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Cục Thống kê nhận định năm 2024, thu nhập bình quân của người dân tiếp tục được cải thiện, tăng cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế xã hội Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân được cải thiện.
Cùng với sự gia tăng thu nhập, chi tiêu bình quân đầu người trong năm 2024 cũng tăng trở lại, chủ yếu ở khu vực thành thị. Trung bình, mỗi người chi gần 3 triệu đồng/tháng, tăng 6,5% so với năm 2022.
Trong đó, người dân thành thị chi tiêu khoảng 3,8 triệu đồng, còn nông thôn là khoảng 2,5 triệu đồng.
Đáng chú ý, 94,5% tổng chi tiêu hộ gia đình - tương đương 2,8 triệu đồng/người/tháng - được dành cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất chi tiêu tới hơn 4,5 triệu đồng/tháng, cao gấp 3,1 lần nhóm thu nhập thấp nhất, vốn chỉ chi gần 1,5 triệu đồng.
Hà Nội có mức sống đắt đỏ nhất
Theo kết quả khảo sát chỉ số SCOLI (so sánh mức sống) năm 2024 được công bố trước đó, Hà Nội tiếp tục là địa phương có mức giá tiêu dùng cao nhất cả nước.
Đáng chú ý, Quảng Ninh bất ngờ vươn lên vị trí thứ hai với chỉ số SCOLI đạt 99,94% so với Hà Nội.
Theo Cục Thống kê, việc Quảng Ninh vượt TP.HCM để đứng vị trí thứ hai là kết quả của một quá trình chuyển mình mạnh mẽ.

Không chỉ là trung tâm kinh tế biển, du lịch và năng lượng, Quảng Ninh còn là cửa ngõ giao thương của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Điều này khiến giá hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn tiệm cận mức cao trong nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dù là đầu tàu kinh tế quốc gia, TP.HCM lại có mức giá tiêu dùng bình quân cho một số nhóm hàng thấp hơn Hà Nội như may mặc, mũ nón và giày dép; dịch vụ ăn uống; giải trí và du lịch; giao thông. Ngược lại, nhiều nhóm hàng tại TP.HCM đắt hơn Hà Nội, điển hình nhất là giáo dục; bưu chính và viễn thông; đồ uống và thuốc lá; nhà ở và điện nước cùng với dịch vụ y tế.
Hải Phòng đứng thứ 4 (98,43%) và Đà Nẵng xếp thứ năm (98,21%). Dù có thu nhập bình quân cao và là trung tâm du lịch lớn, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ tại Đà Nẵng vẫn thấp hơn nhiều so với Hà Nội và TP.HCM, do có lợi thế gần biển, nguồn cung thực phẩm dồi dào, giá cả hợp lý.

Hà Nội là địa phương có mức giá tiêu dùng cao nhất cả nước. Ảnh: Nam Khánh.
So với năm 2023, danh sách các địa phương có mức giá cao không có nhiều thay đổi. Các thành phố lớn vẫn có chi phí sống cao hơn rõ rệt so với các tỉnh miền núi và nông thôn, đặc biệt ở nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và giải trí.
Ngược lại, Quảng Trị là địa phương có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước. Kinh tế tỉnh chủ yếu dựa vào nông - lâm - ngư nghiệp và thương mại nhỏ trong khi thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm thấp nhất nước.
Các mặt hàng thiết yếu như lương thực và thực phẩm ở đây tương đối rẻ. Chi phí dịch vụ cũng thấp do tỉnh không phát triển các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn.
Đứng áp chót là Bến Tre, tiếp theo là Quảng Ngãi, Cà Mau, Nam Định, Nghệ An, Trà Vinh, Gia Lai, Long An, Sóc Trăng và Phú Thọ. Những địa phương này đều có chi phí thấp trong các nhóm chi tiêu cơ bản như ăn uống, may mặc, giáo dục, thuê nhà và giải trí.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-ngo-dia-phuong-co-thu-nhap-cao-nhat-viet-nam-post1554768.html